Người hơn nửa thế kỷ giữ hồn chèo bả trạo

10:02, 28/02/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Hơn nửa thế kỷ giữ hồn hát chèo bả trạo, với ông Nguyễn Thuận (71 tuổi), ngụ ở làng chài Thạch Bi 1, xã Phổ Thanh (Đức Phổ), hát chèo bả trạo là hơi thở, là lẽ sống của đời.

TIN LIÊN QUAN

Tình yêu mãnh liệt với bả trạo
 
“Bả trạo ơi. Bả trạo ơi. Hù là khoan, ớ khoan hù là khoan. Hù là khoan, ớ khoan hù là khoan. Hừng hừng tản sáng chèo ra. Hòn he nằm đó kìa là luộc lưng. Hòn xây nằm đó có chừng. Chèo ra tưng từng mới khỏi đầu trâu. Hù là khoan, ớ khoan hù là khoan. Hù là khoan, ớ khoan hù là khoan”.
 
Bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, sâu thẳm, mênh mông của biển khơi qua từng câu chữ lãng mạn, thăng hoa cùng điệu múa uyển chuyển của người nghệ sỹ làng chài Nguyễn Thuận ở điệu hát chèo bả trạo ấy cứ mê đắm chúng tôi. 
 
Ngồi đối diện chúng tôi trong căn nhà đối diện hướng ra cửa biển, giọng nói hào sảng, thân hình chắc nịch, đôi mắt sáng trong, nhìn ông cường tráng hơn so với cái tuổi thấp thập cổ lai hy. 
 
Ông kể: Mười sáu tuổi, ông đã bắt đầu đi chuyến biển đầu tiên để kiếm tiền nuôi sống gia đình và tập tành theo những bậc cha ông tham gia những lễ hội cầu ngư, lễ ra quân đầu năm, lễ cúng cá ông và đắm say trong các làn điệu chèo bả trạo.
 
 
Ông Thuận giữ vai Tổng mũi trong tiết mục chèo bả trạo.
"Tổng mũi" Nguyễn Thuận cùng đội chèo bả trạo trong lễ ra quân đầu năm của ngư dân Sa Huỳnh.
 
Từ bao đời nay, chèo bả trạo hay còn gọi là hò đưa linh, hò hầu linh là một loại dân ca nghi lễ mang đậm yếu tố tâm linh của cư dân ven biển nói chung và ngư dân Sa Huỳnh nói riêng. 
 
Lời hát bả trạo chủ yếu ghi nhớ công ơn cứu giá và sùng kính loài cá Ông (Nam Hải Đại tướng quân), loài cá được xây dựng lăng thời ở nhiều cửa biển và cầu mong cho mưa thuận gió hòa, sự bình an giữa biển khơi, đánh bắt được nhiều tôm cá…
 
Nặng lòng với những giá trị truyền thống quê hương, yêu hát bả trạo nên ông Thuận là nhân vật chính, người chuyên viết kịch bản, dàn dựng kiêm "Tổng mũi" cho các tiết mục bã trạo trong các nghi lễ. 
 
Ông Thuận bảo rằng, cả đời sống chết với biển, ra biển như một mệnh lệnh của trái tim nên khi gác chèo, ông vẫn luôn giữ "Tổng mũi" trong các điệu chèo bả trạo. Ông được người dân địa phương xem như “linh hồn” của bả trạo, giúp những người quanh năm gửi mình vào biển cả nói lên tiếng lòng của mình đến với biển mẹ bao la.
 
Ông Thuận chia sẻ: “Các bài chèo bả trạo truyền thống nội dung mang nặng yếu tố tâm linh như “ Thuyền nan gặp sóng ba đào. Kêu Ngài, Ngài đã đưa vào cứu con”. Còn đối với các tiết mục trong những năm gần đây đã có những đoạn thay đổi tùy theo tình hình đánh bắt của ngư dân ở địa phương”. 
 
Sự thay đổi tập trung ở đoạn ngư dân bình yên trở về, thuyền về đầy ắp cá tôm, ngư dân đóng tàu công suất vượt biển vươn khơi, mừng Đảng - mừng Xuân, xây dựng nông thôn mới… Nói rồi ông Thuận hát vang những bài bả trạo mới.
 

Nặng lòng với chèo bả trạo, ông đau đáu nỗi lo truyền nghề.

 

Buôn câu lại gặp trời hồng. Buôn câu lại gặp những ngày gió đông. Cá thu, cá nục, cá ồ, dưa gang, sọc múp, úp vô bãi này. Nước bích lại gặp trời hồng. Buôn câu lại gặp những ngày gió đông. Rủ nhau ra biển một giây. Mỗi thợ mỗi tía cho đầy một đôi. Chở vô cá nổi ê hề. Dân chốn mở mở vui vầy một năm”.

“Thuyền mới thuyền cũ, chiếc nhỏ chiếc to. Ngư dân còn lo, đóng tàu hiện đại. Chạy ra Đông Hải, vượt Thái Bình Dương. Thích nghi môi trường, bốn mùa đánh bắt”.
 
Nỗi lo đứt gánh
 
Cùng với Đội chèo bả trạo của xã Phổ Thanh, ông Thuận đã tham gia rất nhiều hội diễn văn hóa trong tỉnh và giành nhiều giải thưởng, giấy khen. Dù đã gắn bó cả cuộc đời để gìn giữ cốt quê hương, nhưng ông vẫn đau đáu nỗi lo tương lai sẽ thất truyền những miếng chèo bả trạo. 
 
Nặng lòng với chèo bả trạo, ông đã đề nghị chính quyền địa phương tìm người để ông truyền nghề, mong muốn giúp thế hệ sau thêm hiểu, thêm yêu nét đẹp văn hóa của quê hương và sẽ tiếp nối, gìn giữ và phát huy. 
 
Khi nhắc đến tương lai, ông Thuận không khỏi băn khoăn khi mấy năm rồi cụ giữ vai "Tổng thương" già yếu chưa ai thay thế. Trong khi đó, ông và cụ "Tổng lái" tuổi đều đã cao, giọng hát đã yếu.
 
“Tôi cảm thấy lực bất tòng tâm, cũng đã tìm được vài anh đến học, nhưng vài hôm họ lại bỏ vì ngại khi ra biểu diễn đám đông chọc ghẹo, bởi bả trạo có kèm theo động tác múa”- ông Thuận trăn trở.
 
Ông Giả Tấn Tàu- Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thanh cho biết: “Chèo bả trạo mang yếu tố tâm linh nên không thể thiếu trong các lễ hội cầu ngư, cúng dinh cá Ông của ngư dân địa phương. Trong khi đó, các cụ tuổi đều đã cao, sức yếu. Chúng tôi cũng rất trăn trở và quan tâm trong việc truyền những làn điệu chèo bả trạo cho thế hệ trẻ, nhưng chưa tìm ra người nối truyền”.
 
 
Bài, ảnh: A.KIỀU
 

.