Nga Ri Vê - Niềm đam mê văn hóa dân gian

08:07, 07/07/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù tuổi đã cao, nhưng bà Nga Ri Vê (dân tộc Hrê), hiện ở tại phường Nghĩa Lộ (TP. Quảng Ngãi) vẫn luôn say sưa sưu tầm truyện cổ, văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số những mong gìn giữ và lưu truyền được nền văn hóa đặc sắc của dân tộc mình cũng như dân tộc bạn.

TIN LIÊN QUAN

Bà Nga Ri Vê hiện là hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt nam, Chi hội Văn học dân gian Việt Nam tỉnh (Hội VHNT tỉnh). Bà sinh ra tại huyện miền núi Sơn Tây, nhưng lại lớn lên tại Hà Nội, bà Nga Ri Vê (70 tuổi) đã có thời gian dài công tác trong ngành giáo dục. Trong khoảng thời gian công tác tại huyện Sơn Tây, bà được trở lại quê hương, được tiếp xúc nhiều với người dân quê mình.

Lúc này, bà đã hiểu hơn về văn hóa của người dân tộc Hrê và thấm được cái hay của nó. Vậy là bà quyết định đi khai thác, sưu tầm bản sắc của nền văn hóa dân gian các dân tộc Hrê, Ca Dong và Cor ở Quảng Ngãi. Mặc dù không có công trình nghiên cứu quy mô như các nhà nghiên cứu văn hóa, nhưng bà Nga Ri Vê đã dày công đi khai thác và sưu tầm văn hóa dân gian của các dân tộc thiểu số trên vùng đất Quảng Ngãi một cách âm thầm, lặng lẽ.

Tuy tuổi đã cao nhưng bà Nga Ri Vê vẫn say sưa sưu tầm văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số.
Tuy tuổi đã cao nhưng bà Nga Ri Vê vẫn say sưa sưu tầm văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số.


Bà Nga Ri Vê chia sẻ, việc đi khai thác văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số, nhất là đối với dân tộc Hrê gặp nhiều thuận lợi. Bởi Sơn Tây là vùng đất nơi bà được sinh ra nên bà nắm khá rõ về ngôn ngữ, phong tục tập quán và có mối quan hệ tốt với bà con. Trải qua một thời gian dài, đến năm 2013 bà chính thức hoàn thành 2 công trình cùng lúc, đó là Văn hóa dân gian Ca Dong và Hrê. Để hoàn thành 2 công trình này, bà phải có một quá trình đi thực địa và tiếp xúc với nhiều người dân. Bên cạnh đó, bà còn đi khai thác, sưu tầm truyện cổ. Đây là phần khó khăn nhất bởi một câu chuyện sử thi của người Hrê phải mất 4-5 ngày mới kể xong. Vì vậy, hàng ngày bà phải theo người dân đi chăn trâu để vừa đi vừa nghe họ kể chuyện và tốc ký.

Sau một thời gian, bà bị đuối sức, không thể theo được nữa nên bà phải chuyển sang khai thác vào ban đêm. Mỗi tối, bà đến từng nhà người dân và nghẹ họ kể chuyện. “Tôi say sưa hòa vào những lời kể (văn xuôi) kết hợp với những câu hát (văn vần) rất thú vị. Sự phối hợp giữa văn xuôi và văn vần cùng với tâm hồn và giọng điệu của người kể đã tạo nên cái hay của truyện cổ người Hrê. Người Ca Dong (Sơn Tây) cũng có truyện cổ và cũng có sự kết hợp giữa kể và hát nhưng giọng điệu lại không hay bằng người Hrê”, bà Nga Ri Vê, cho biết.

Truyện cổ của người Hrê luôn hướng đến chân- thiện- mỹ, có mở đầu và kết thúc. Phần kết thúc bao giờ cũng có hậu. Kẻ xấu đều bị trừng trị đích đáng giống như truyện cổ của người Kinh. Thông thường, truyện cổ của người Hrê có 4 nhân vật, đó là nhân vật bình thường, xấu xí nhưng được thần linh giúp đỡ họ trở nên phi thường, tài giỏi; nhân vật anh hùng là con của các vị thần luôn hóa phép giúp đỡ dân lành; nhân vật độc ác là những con người bình thường nhưng kết hợp với thần linh ác để hóa thân thành chim đại bàng… để hại dân lành; nhân vật thứ tư là những chàng trai mượn thân của các con vật như chồn, rắn, trăn, khỉ…

Đặc biệt, hầu như trong truyện cổ nào của người Hrê cũng có cô Y- Dật. Y- Dật là cô gái rất xinh đẹp và là con gái thứ mười của vợ chồng ông bà Vu- Riah giàu có, bị con thần nước là Vu- Pong bắt về làm vợ và họ sống một cuộc sống rất hạnh phúc… Đến nay bà đã sưu tầm được trên 20 truyện cổ, trong đó có 4 truyện dài như Sử thi chàng Vu- Hming, Vu Ta Yong, Chàng Roác, Chàng Ép, Nàng Y- Dật,…

Không chỉ dừng lại ở đó, hiện nay bà đang khai thác, sưu tầm văn hóa dân gian dân tộc Cor. Mặc dù bản thân phát hiện mình bị ung thu vú từ năm 2005 và trải qua một quá trình phẫu thuật, xạ trị nhưng trong bà vẫn luôn nung nấu và quyết tâm thực hiện các công trình về văn hóa dân gian của mình. “Giờ tôi chỉ mong mình có sức khỏe và điều kiện đi lại để tiếp tục hoàn thành những phần việc còn lại, nhằm giúp cho đồng bào giữ gìn và phát huy nền văn hóa đặc sắc của dân tộc mình”.

Có lẽ vì ý thức được tình trạng sức khỏe của mình nên trước đó, bà đã đi đến các huyện miền núi và thành lập nhóm khai thác, sưu tầm văn hóa dân gian các dân tộc Hrê, Ca Dong, Cor nhằm có đội ngũ kế cận. “Văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số đang có nguy cơ thất truyền do không phát triển được chi hội, không có người đi khai thác, sưu tầm nên tôi phải xuống địa phương để thành lập nhóm khai thác, sưu tầm nhằm giữ gìn và lưu truyền văn hóa dân gian, những câu truyện cổ của đồng bào các dân tộc thiểu số”, bà Nga Ri Vê, trăn trở.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 


.