Khó tuyển giáo viên mầm non, tiểu học

10:11, 24/11/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Qua 2 kỳ thi tuyển dụng giáo viên gần đây, một nghịch lý là chỉ tiêu tuyển dụng nhiều nhưng rất ít thí sinh đăng ký dự thi ở bậc mầm non và tiểu học. Đây thật sự là bài toán nan giải đối với ngành GD&ĐT khi đang triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới.
 
[links()]
 
Nhu cầu nhiều, nhưng đăng ký ít
 
Số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển ít hơn so với chỉ tiêu tuyển dụng, vì thế, Kỳ thi tuyển dụng giáo viên năm 2021 đã tuyển không đủ chỉ tiêu. Năm nay, câu chuyện này lại tái diễn ở hầu hết các địa phương, đặc biệt là bậc mầm non và tiểu học.
 
Huyện Sơn Hà có nhu cầu tuyển 16 chỉ tiêu ở bậc mầm non, nhưng chỉ có 10 thí sinh dự thi. Huyện Mộ Đức có 22 thí sinh/36 chỉ tiêu bậc mầm non, 18 thí sinh/42 chỉ tiêu bậc tiểu học. Huyện Bình Sơn có 24 thí sinh/51 chỉ tiêu giáo viên tiểu học cơ bản. Huyện Tư Nghĩa có 15 thí sinh/19 chỉ tiêu bậc tiểu học. Huyện Nghĩa Hành có 6 thí sinh/7 chỉ tiêu bậc mầm non, bậc tiểu học có 4 thí sinh/6 chỉ tiêu. TX.Đức Phổ có 31 thí sinh/53 chỉ tiêu bậc mầm non, bậc tiểu học có 79 thí sinh/123 chỉ tiêu.
 
Liên tiếp trong 2 kỳ thi tuyển dụng giáo viên, bậc mầm non và tiểu học số thí sinh đăng ký dự thi ít hơn so với chỉ tiêu.
Liên tiếp trong 2 kỳ thi tuyển dụng giáo viên gần đây, số thí sinh đăng ký dự thi tuyển giáo viên bậc mầm non và tiểu học ít hơn so với chỉ tiêu.
 
Huyện Sơn Tây chỉ có 4 thí sinh dự thi ở bậc mầm non, trong khi đó huyện tuyển dụng đến 16 chỉ tiêu, 6 thí sinh/17 chỉ tiêu bậc tiểu học. Huyện Ba Tơ có 25 thí sinh/44 chỉ tiêu bậc tiểu học. Huyện Trà Bồng có 19 thí sinh/29 chỉ tiêu bậc mầm non, bậc tiểu học có 40 thí sinh/62 chỉ tiêu, trong đó, giáo viên tiểu học cơ bản có 12 thí sinh/47 chỉ tiêu.
 
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mộ Đức Hoàng Triệu Nghĩa cho biết, quy định của Luật Giáo dục 2019, giáo viên mầm non phải tốt nghiệp nghiệp cao đẳng sư phạm và giáo viên tiểu học phải tốt nghiệp đại học sư phạm nên nhiều sinh viên tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng không đủ chuẩn trình độ để được dự thi. Nhiều sinh viên tiếp tục theo học để đủ chuẩn trình độ thì chưa tốt nghiệp dẫn đến số lượng thí sinh dự thi ít hơn chỉ tiêu. 
 
Ngoài chuẩn trình độ, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu nguồn tuyển giáo viên hiện nay là do chính sách chưa thu hút được nhân lực. 
 
Đây thật sự là bài toán nan giải với ngành GD&ĐT trong việc đảm bảo yêu cầu dạy học, nhất là khi đang triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Tuyển dụng không đủ chỉ tiêu khiến nhiều nơi tiếp tục diễn ra tình trạng thiếu giáo viên. 
 
 Điều chỉnh chế độ tiền lương, phụ cấp cho giáo viên
 
Thiếu giáo viên, các trường phải tuyển giáo viên hợp đồng để đảm bảo công tác giảng dạy. Nhiều trường đồng loạt đăng thông báo tuyển dụng giáo viên hợp đồng, nhưng vẫn có trường không tuyển được giáo viên hợp đồng nào, nhất là các trường ở miền núi. 
 
Thu nhập thấp, nhiều giáo viên bỏ nghề.
Công việc áp lực cao nhưng thu nhập thấp, nhiều giáo viên mầm non, tiểu học rời khỏi ngành.
 
Việc tuyển giáo viên hợp đồng không dễ dàng bởi áp lực công việc cao, nhưng thu nhập quá thấp, chỉ từ 3 - 4 triệu đồng không đủ để họ trang trải cuộc sống. Khó tuyển giáo viên hợp đồng, các trường tiểu học phải phân công giáo viên chủ nhiệm, giáo viên tiếng Anh dạy kiêm cả thể dục, mỹ thuật, phụ trách đội…
 
Thiếu giáo viên nhưng không có nguồn tuyển, thu nhập thấp dẫn đến giáo viên bỏ việc là vấn đề nóng tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV. Trong năm 2022, cả nước có 1,6 triệu giáo viên thì có đến 16 nghìn giáo viên bỏ việc, bình quân cứ 100 nhà giáo có 1 người rời khỏi ngành. Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, giáo viên mầm non, tiểu học mới tuyển thu nhập chỉ khoảng 3 triệu đồng. Sau 5 năm công tác, bình quân đạt 4,5 - 4,7 triệu đồng, đã tính cả lương và phụ cấp ưu đãi 35%. 
 
Người đứng đầu ngành GD&ĐT đề nghị Quốc hội xem xét việc tăng lương, phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, nhất là với giáo viên mầm non và tiểu học, nên điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non từ 35% hiện nay lên tối thiểu 70%. Trước thực tế trên, Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 diễn ra vào ngày 10/11, Chính phủ giao Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ điều chỉnh chế độ tiền lương, phụ cấp cho giáo viên. 
 
Chính phủ cũng giao Bộ GD&ĐT hướng dẫn, triển khai tuyển dụng số giáo viên được Bộ Chính trị giao bổ sung cho các địa phương trong năm học 2022 - 2023 là hơn 27,8 nghìn người để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cục bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.
 
 
Bài, ảnh: ÁI KIỀU
 

.