Những giáo viên đầu tiên của lưu học sinh Lào

03:07, 31/07/2022
.

(Baoquangngai.vn)- Xa gia đình, đến đất nước Việt Nam học tập để trở về xây dựng quê hương, đối với các lưu học sinh Lào, những giáo viên dạy tiếng Việt là những người thầy đầu tiên, là người đồng hành xuyên suốt giúp các em từng bước hòa nhập, làm quen với ngôn ngữ và môi trường mới. Từ đó, tạo tiền đề cho việc học tập, lĩnh hội kiến thức của các em.

[links()]

Một buổi sáng ngày đầu tuần, căn phòng học nơi cuối hành lang trường Đại học Phạm Văn Đồng vang lên những tiếng đọc bài cùng những tiếng cười đùa, bàn luận của cô, trò. Điều đặc biệt là bên cạnh những câu giảng bằng tiếng Việt thông thường, chúng tôi còn nghe thấy một thứ ngôn ngữ lạ đan xen trong buổi học. Đó là lớp dạy tiếng Việt cho các lưu học sinh Lào.

Lớp dạy tiếng Việt cho lưu học sinh Lào.
Lớp dạy tiếng Việt cho lưu học sinh Lào.

Dù sang Việt Nam mới được 4 tháng nhưng Baoleevanh Inthivong (21 tuổi) đến từ tỉnh Attapeu, Lào đã cơ bản giao tiếp được bằng tiếng Việt. Inthivong tâm sự, nhận thấy môi trường học tập ở Việt Nam rất tốt nên em đã chọn theo học ngành Hộ sinh tại Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thuỳ Trâm. Ngày mới sang vì không biết tiếng Việt, không thể giao tiếp nên em gặp rất nhiều khó khăn trong học tập và cuộc sống. Nhưng nhờ có sự chỉ dạy, quan tâm và động viên của thầy cô nên em đã cố gắng học tập, những lúc không hiểu bài em lại hỏi cô giáo và được hướng dẫn tận tình. Từ đó, dần hoàn thiện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Việt.

Cũng như Inthivong, Soukdavan Soutthipanya (18 tuổi) vừa sang Việt Nam và đang theo học lớp dạy tiếng Việt cho lưu học sinh Lào. “Em rất yêu đất nước Việt Nam và thường xuyên tìm hiểu về nền văn hóa, con người nơi đây, đặc biệt là những câu chuyện thấm đẫm nghĩa tình của Việt Nam – Lào trong thời chiến. Chính vì vậy, ngay khi hoàn thành chương trình phổ thông, em đã chọn theo học đại học tại đất nước xinh đẹp, thân thiện này. Hi vọng sau khi về Lào, bên cạnh những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình học đại học, em còn có thêm một thứ ngoại ngữ nữa là tiếng Việt để giúp ích cho công việc, cuộc sống của mình”, Soukdavan Soutthipanya bày tỏ.

Tổ Văn – Sử, Trường Đại học Phạm Văn Đồng chuyên phụ trách dạy tiếng Việt có gần chục giáo viên. Bên cạnh 2 giáo viên được cử sang nước bạn Lào đào tạo tiếng Lào bài bản thì các giáo viên còn lại đều tự tìm hiểu, tự trang bị cho mình thứ tiếng này để đáp ứng việc dạy học tiếng Việt ban đầu cho các lưu học sinh Lào được dễ dàng, hiệu quả.

Cô giáo Huỳnh Thị Ngọc Kiều – giáo viên tổ Ngữ văn trường Đại học Phạm Văn Đồng bắt đầu hỗ trợ, hướng dẫn tiếng Việt cho lưu học sinh Lào từ năm 2007. Hai năm sau, khi được nhà trường ngỏ ý cử sang Lào học tiếng, cô Kiều đồng ý ngay vì cô nhận thấy khi giáo viên biết tiếng Lào sẽ dễ dàng nắm bắt được tâm tư của các lưu học sinh Lào khi mới sang Việt Nam cũng như giúp các em có điều kiện học tốt hơn tiếng Việt.

Cô giáo Huỳnh Thị Ngọc Kiều tận tình chỉ dạy tiếng Việt cho các học trò Lào của mình.
Cô giáo Huỳnh Thị Ngọc Kiều tận tình chỉ dạy tiếng Việt cho các học trò Lào của mình.

Đến nay, cô giáo Huỳnh Thị Ngọc Kiều đã có gần 15 năm gắn bó, đồng hành cùng các lưu học sinh Lào. Với cô Kiều cũng như các thầy, cô giáo trong tổ, điều hạnh phúc nhất là nhìn thấy học trò của mình ngày càng thành thạo tiếng Việt và xem đó như hành trang để các em tiếp tục theo học chuyên ngành mình đã chọn tại các trường đại học, cao đẳng. Cô Kiều bày tỏ, dạy tiếng Việt cho người nước ngoài đã khó, đặc biệt dạy cho người Lào lại càng khó khăn hơn bởi sự khác biệt từ cách phát âm, ngữ pháp cho đến ngữ hệ. Giảng viên luôn cố gắng, sử dụng các phương pháp giảng dạy linh hoạt, sáng tạo để giúp các em thể hiện hết khả năng ngôn ngữ của mình, học tập tốt.

Giảng viên luôn cố gắng, sử dụng các phương pháp giảng dạy linh hoạt, sáng tạo để giúp các em thể hiện hết khả năng ngôn ngữ của mình, học tập tốt.
Giảng viên luôn sử dụng các phương pháp giảng dạy linh hoạt, sáng tạo để giúp các em thể hiện hết khả năng ngôn ngữ của mình.

Bên cạnh là người thầy đầu tiên của các học trò Lào trên đất Việt, các thầy cô luôn tạo sự gần gũi với các em như một người thân và hỗ trợ các em hết mình như một người bạn. Từ việc hướng dẫn các em đăng ký học phần, lựa chọn môn học, cho đến trao đổi, nắm bắt những khó khăn các em gặp phải khi ở kí túc xá, giúp đỡ khi ốm đau, đi bệnh viện,...

Điều khó khăn với các lưu học sinh Lào khi sang một đất nước khác học tập có lẽ là nỗi nhớ nhà, nhớ người thân. Đặc biệt trong đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa rồi khiến các em 2 năm liền không về được nhà, chúng tôi luôn bên cạnh động viên tinh thần để các em vơi đi nỗi nhớ và nhắc nhở các em giữ gìn sức khỏe. Nhiều em thiếu tiền sinh hoạt, gia đình chưa kịp gửi giáo viên cũng hỗ trợ một phần nào để các em trang trải cuộc sống, cô Kiều bộc bạch.

Tiến sĩ, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Sư phạm Xã hội (Trường Đại học Phạm Văn Đồng) Bùi Văn Thanh chia sẻ, cùng với việc đào tạo các chuyên ngành Đại học thì nhà trường được UBND tỉnh giao nhiệm vụ đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh Lào trước khi theo ngành học chính tại các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Đối với chúng tôi đây là trách nhiệm cũng là niềm vinh dự khi thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần gìn giữ, vun đắp thêm mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa hai nước Việt Nam – Lào. Chính vì thế, nhà trường luôn tạo những điều kiện tốt nhất để khích lệ tinh thần, giúp các lưu học sinh Lào ngày càng tiến bộ.

Tổ chức tham quan các di tích lịch sử, địa danh truyền thống, danh lam thắng cảnh trong tỉnh giúp lưu học sinh Lào thêm yêu, thêm hiểu về văn hóa, con người nơi đây.
Tổ chức tham quan các di tích lịch sử, địa danh truyền thống, danh lam thắng cảnh trong tỉnh giúp lưu học sinh Lào thêm yêu, thêm hiểu về văn hóa, con người nơi đây.

Bên cạnh tổ chức nhiều buổi phụ đạo tiếng Việt, cử các bạn sinh viên Việt Nam, giáo viên tiếng Việt chỉ dẫn tận tình, tỉ mỉ những phần các em chưa kịp tiếp thu, nhà trường cũng đưa lưu học sinh Lào về sống, sinh hoạt tại các gia đình cán bộ, giáo viên và tổ chức tham quan, nghiên cứu các di tích lịch sử, các địa danh truyền thống, danh lam thắng cảnh trong tỉnh nhiều hơn nhằm tăng cường sự hiểu biết, thắt chặt tình cảm của lưu học sinh Lào với đất nước, con người Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng.

T.NHÀN


.