"Gieo chữ" nơi đại ngàn

09:11, 23/11/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau những cơn mưa, đường sá ở vùng cao đi lại càng thêm khó khăn. Nhưng rồi, điều đó vẫn không ngăn được bước chân của các thầy, cô giáo đi "gieo chữ" nơi đại ngàn. 
[links()]
 
Cô giáo như mẹ hiền 
 
Chúng tôi đến xã Sơn Liên (Sơn Tây) một ngày đầu đông. Mưa lớn những ngày qua làm cho con đường vào Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS Sơn Liên thêm lầy lội. Anh cán bộ xã đi cùng chúng tôi giải thích, mùa này ở miền núi là vậy đó. Ở miền núi khó khăn, vất vả, nhưng các thầy, cô giáo nơi đây quen rồi!
 
Cô giáo Nguyễn Thị Trình, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Liên (Sơn Tây)  tập cho học sinh viết chữ.                      Ảnh: PV
Cô giáo Nguyễn Thị Trình, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Liên (Sơn Tây) tập cho học sinh viết chữ. Ảnh: PV
Từ điểm trường chính, chúng tôi tiếp tục vượt qua con đường hiểm trở mới đến được điểm trường Tập đoàn 14, nơi có cô giáo Nguyễn Thị Trình đang “cắm bản”. Cô Trình, quê ở xã Trà Sơn (Trà Bồng), đã hơn 10 năm công tác ở miền núi. Suốt thời gian ấy, cô Trình đảm nhiệm giảng dạy tại các điểm trường lẻ với bao nhọc nhằn. “Cái khó, cái khổ nhất của giáo viên (GV) miền núi là HS đi học kiểu "giã gạo". Giáo viên phải vừa giảng dạy, vừa đến nhà vận động phụ huynh đưa trẻ ra lớp”, cô Trình cho biết. Khó khăn, vất vả không làm cô giáo Trình sờn lòng. Tình thương đối với học trò là liều thuốc tinh thần giúp cô Trình bám trụ vùng cao này hàng chục năm trời. Cô đã xem nơi đây là quê hương thứ hai, để góp phần vào sự nghiệp “trồng người” ở vùng cao. 
 
Điểm trường Tập đoàn 14 nằm ở thôn Tang Tong, thôn đặc biệt khó khăn của xã Sơn Liên. Cô Trình đảm nhận dạy lớp 1. Hằng ngày, hành trang đến lớp của cô không chỉ là giáo án, đồ dùng học tập, mà còn có cả bánh, kẹo, bút viết, kẹp tóc... cô dành cho HS. Cô Trình bảo rằng, vừa dạy vừa dỗ học trò. Có như vậy các em mới phấn khởi ra lớp, hạn chế tình trạng nay học mai nghỉ. Không chỉ kết nối nhiều tấm lòng thiện nguyện ở miền xuôi, mang đến những phần quà cho HS vùng cao, cô Trình còn nhận đỡ đầu nhiều HS có hoàn cảnh khó khăn để các em tiếp tục đến trường.
 
Một trong những HS được cô Trình giúp đỡ là em Đinh Văn Quế. Em Quế có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cha mẹ bỏ nhau, Quế sống thiếu sự quan tâm từ gia đình nên thường xuyên bỏ học. Thương học trò, cô Trình đã nhận đỡ đầu và đưa em Quế về nhà, lo từ cái ăn, cái mặc đến chuyện học trong suốt năm lớp 1. Đến nay, Quế đã học lớp 5. “Nhiều hôm có bạn bị ốm, cô Trình phải đưa đến trạm y tế xã khám và điều trị. Cô chăm lo cho chúng em giống như người mẹ thứ hai vậy”, em Đinh Văn Quế chia sẻ.
 
“Các giáo viên ở miền núi đã vượt qua nhiều khó khăn để bám trường, bám lớp, mang con chữ đến với học trò nghèo. Nhiều thầy, cô giáo trẻ  từ đồng bằng lên miền núi công tác đã “cắm bản” trong thời gian dài, hy sinh tuổi thanh xuân vì sự nghiệp giáo dục. Nhiều nơi thiếu thốn, phải tận dụng phòng học cũ làm nơi ở cho giáo viên... Dù vậy, các thầy, cô giáo vẫn luôn nỗ lực vì học sinh thân yêu, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng cao".
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây BÙI THẾ GIỚI
Niềm vui khi học trò đến lớp 
 
Nhiều GV Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Bua (Sơn Tây) nói vui rằng, thầy giáo Nguyễn Tấn Đức là "bậc thầy thuyết phục”. Thầy giáo Đức quê ở xã Bình Tân Phú (Bình Sơn), có thâm niên gần 13 năm dạy học ở xã khó khăn Sơn Bua. 
 
Thầy Đức nhớ lại, ngày mới lên vùng cao công tác, cuộc sống của GV thiếu thốn đủ bề. Ngoài dạy môn công nghệ, tôi kiêm nhiệm vụ Tổ trưởng tổ chuyên môn THCS; đồng thời đảm nhận khâu vận động HS ra lớp. 
 
Kiên trì đến nhà vận động HS, dường như chưa bao giờ thầy Đức bỏ cuộc, quyết tâm vận động HS đến trường cho bằng được. Đối với thầy Đức, mỗi lần đi vận động HS là một kỷ niệm đáng nhớ. Thầy Đức kể, đầu năm học, em Đinh Văn Thạch, HS lớp 9 nghỉ học không lý do. Tôi đã lặn lội đến nhà em Thạch ở khu dân cư Tu Ka Pan để khuyên bảo, vận động em tới lớp, nhưng mọi chuyện không hề dễ dàng. Phải đi lại 3 - 4 lần mới thuyết phục được Thạch và gia đình, cuối cùng, em Thạch đã bỏ ý định đi làm ăn xa, tiếp tục quay lại trường học hết chương trình cuối cấp. "Mình chẳng có bí quyết gì ngoài tình thương và sự quan tâm đối với học trò", thầy Đức chia sẻ. 
 
Bên cạnh thực hiện công tác vận động HS ra lớp, thầy Đức còn kiêm vai trò là “người cha, người mẹ” quản lý, chăm lo cho HS nội trú. Buổi tối, thầy Đức thường xuyên nhắc nhở HS ôn bài. Những hôm học trò đau ốm, thầy cùng các GV thay phiên chăm sóc các em tại bệnh viện. Có lẽ, vì thế mà tình cảm thầy trò càng thêm gắn bó.
 
Vì học sinh thân yêu  
 
Suốt 25 năm gắn bó với nghề giáo là ngần ấy năm cô giáo Võ Thị Thanh, chủ nhiệm lớp 5A, Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Trà (Trà Bồng) gắn bó với học trò vùng cao. Cô Thanh sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Trà Phú (Trà Bồng). Sau khi hoàn thành chương trình lớp 9, cô nghỉ học để phụ giúp ba mẹ công việc nhà nông. Năm 1995, cô Thanh may mắn được chọn là GV cắm bản. Lúc này, cô vừa đi dạy vừa đi học theo chương trình đào tạo 9+3 tại Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ngãi (nay là Trường Đại học Phạm Văn Đồng). Vì vừa học vừa làm và chỉ học trong thời gian HS nghỉ hè nên mãi đến năm 2002 cô Thanh mới tốt nghiệp. Sau đó, cô Thanh tiếp tục vừa dạy vừa học để lấy bằng cử nhân.
 
Cô giáo Võ Thị Thanh, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Trà (Trà Bồng) chăm lo bữa ăn cho học sinh.                     Ảnh: PV
Cô giáo Võ Thị Thanh, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Trà (Trà Bồng) chăm lo bữa ăn cho học sinh. Ảnh: PV
Cô Thanh nhớ lại, lúc vừa nhận quyết định đi dạy, tôi rất vui mừng. Thế nhưng, con đường đến trường dạy chữ cho học trò vùng sâu, vùng xa đầy gian nan, thách thức. Từ nhà tới trường khoảng 60km, nhiều đoạn đường núi phải đi bộ. Trường lớp học thì tạm bợ. Toàn trường có 7 cán bộ, GV, nhưng chỉ có tôi là nữ. Đường sá đi lại khó khăn nên 2 - 3 tháng, tôi mới về thăm nhà một lần. 
 
Khó khăn chồng chất, nhất là khi HS và phụ huynh không rành tiếng Kinh... Nhưng rồi, cô Thanh đã nỗ lực vượt qua và gắn bó với sự nghiệp giảng dạy ở miền đất khó. “Phụ huynh rất quý mến GV. Nhiều phụ huynh xung phong chặt lồ ô, nứa, lá làm nhà ở cho GV và hỗ trợ lương thực, thực phẩm. Những tình cảm thân thương ấy là động lực để chúng tôi tiếp tục bám lớp, bám trường", cô Thanh chia sẻ. 
 
Chia tay các thầy, cô giáo ở vùng cao, chúng tôi nhớ mãi về hình ảnh những GV băng rừng, lội suối đến với học trò. Tình thương và trách nhiệm đã thôi thúc bước chân của các thầy, cô giáo đến khắp nẻo nơi đại ngàn!
 
KIM NGÂN - TRỊNH PHƯƠNG
 
 
 
 
 

.