Triển khai phương án dạy học trực tuyến

10:09, 13/09/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Để thích ứng với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, với phương châm "tạm dừng đến trường, không dừng học", ngày 13/9 các trường học trên địa bàn tỉnh bắt đầu năm học 2021 - 2022 với hình thức dạy học trực tuyến.
[links()]
 
Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trước mắt tổ chức dạy học trực tuyến, trừ bậc học mầm non nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho giáo viên (GV) và học sinh (HS).
 
Chủ động dạy và học trực tuyến
 
Những ngày qua, các trường học trong tỉnh đã tập trung chuẩn bị triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 với các phương án cụ thể nhằm thích ứng với các mức độ diễn biến của dịch Covid-19. Các trường đã tổ chức tập huấn cho GV về cách thức sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến, đồng thời phân công GV chủ nhiệm các lớp liên hệ với HS, phụ huynh để hướng dẫn cài đặt, sử dụng phần mềm học trực tuyến. Nhiều trường học, lớp học đã tổ chức cho HS tựu trường và họp phụ huynh trực tuyến để sẵn sàng cho việc dạy và học trực tuyến vào ngày 13/9. 
 
Giáo viên Trường THPT Chuyên Lê Khiết tổ chức dạy học trực tuyến.  Ảnh: PV
Giáo viên Trường THPT Chuyên Lê Khiết tổ chức dạy học trực tuyến. Ảnh: PV
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tư Nghĩa Trương Quang Dũng cho biết, từ cuối tháng 8/2021, đơn vị đã phối hợp với Viettel Quảng Ngãi, VPNT Quảng Ngãi tập huấn sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến cho GV. Vì vậy, GV trong toàn huyện đã sẵn sàng để dạy học trực tuyến. “Cần xác định việc dạy học trực tuyến là xu hướng tất yếu trong giai đoạn chuyển đổi số của ngành giáo dục chứ không phải ứng phó tạm thời trong mùa dịch bệnh nên các thầy, cô giáo hãy nỗ lực hết sức mình để toàn ngành có thể tổ chức dạy học đồng bộ từ ngày 13/9 đến, không có trường nào, HS nào phải bỏ lại phía sau”, ông Trương Quang Dũng nhấn mạnh.  
 
Việc lựa chọn phần mềm học trực tuyến tùy vào điều kiện của từng trường. Hiện nay, có nhiều phần mềm được các trường sử dụng như Microsoft Teams, Zoom, Google Meet...  Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi)  Nguyễn Thị Kim Trang cho biết, trường sử dụng Google Meet để dạy học trực tuyến cho HS từ khối lớp 1 đến lớp 5. Đối với HS tiểu học, việc học trực tuyến cần có sự hỗ trợ của phụ huynh, vì vậy GV các lớp đã liên hệ với phụ huynh và thống nhất khung giờ giảng dạy phù hợp.
 
Đối với Trường Tiểu học thị trấn Di Lăng số 1 (Sơn Hà), GV được tập huấn nhiều lần để sử dụng thành thạo phần mềm dạy học trực tuyến vì đây là lần đầu tiên ứng dụng phương thức dạy học mới này. Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Di Lăng số 1 Phan Khắc Hiền cho biết, có 70% HS của trường tham gia học trực tuyến. Qua buổi tựu trường trực tuyến vào ngày 6/9, GV và HS rất phấn khởi, tất cả đã sẵn sàng cho việc dạy và học trực tuyến vào ngày 13/9. Trong 2 tuần đầu, trường tổ chức dạy Toán và Tiếng Việt cho HS từ khối lớp 1 đến lớp 5, riêng môn tiếng Anh dạy cho HS các khối lớp 3, 4, 5.  
 
Tại Trường Tiểu học Sơn Thượng (Sơn Hà), mặc dù chỉ có 40 HS trong tổng số hơn 470 HS toàn trường đủ điều kiện tham gia học trực tuyến, song nhà trường vẫn tổ chức giảng dạy. Theo lãnh đạo nhà trường, tuy ít nhưng có HS đăng ký học trực tuyến đã là niềm vui, trách nhiệm của GV là phải giảng dạy cho các em, đây cũng là dịp để GV ở vùng sâu, vùng xa ứng dụng công nghệ thông tin vào việc dạy học.   
 
Còn nhiều trường hợp cần được hỗ trợ
 
Dạy học trực tuyến là giải pháp tình thế trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, không phải HS nào cũng có điều kiện để học trực tuyến, mặc dù các em rất muốn tham gia học tập. Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Ngọc Thái, nhiều trường gặp khó khăn trong việc dạy học trực tuyến. Nhiều HS nghèo không có điều kiện để học. Phụ huynh gặp khó trong việc hỗ trợ, theo dõi con em học trực tuyến. Điều kiện cơ sở hạ tầng tại các huyện miền núi chưa đáp ứng tốt cho việc dạy học trực tuyến...
 
Trước thực tế đó, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục linh hoạt thực hiện các hình thức dạy học nhằm đảm bảo khung kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022; huy động các nguồn lực hỗ trợ HS khó khăn không có phương tiện học trực tuyến nhằm đảm bảo công bằng trong tiếp cận phương thức dạy và học mới...
 
Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trà Bồng Đinh Thị Thu Hương, khoảng 70% HS trên địa bàn huyện không có điều kiện học trực tuyến. Riêng một số trường học ở trung tâm huyện có khoảng 60 - 70% HS có đủ điều kiện học trực tuyến. Tại xã Trà Sơn, hầu hết HS không có điều kiện học trực tuyến, bởi hầu hết phụ huynh là người dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn, không có các thiết bị để con học trực tuyến. "Những em không đủ điều kiện học trực tuyến thì GV sẽ gửi bài về nhà cho HS và sẽ có đánh giá đối với bài làm của các em. Tùy vào tình hình thực tế ở địa phương, các trường sẽ có biện pháp giảng dạy phù hợp, truyền đạt cho HS nắm bắt những kiến thức cốt lõi", bà Đinh Thị Thu Hương nói.
 
Hầu hết các trường thực hiện phương án giao bài về nhà cho HS nếu các em không đủ điều kiện học trực tuyến. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây Bùi Thế Giới cho biết, việc dạy học trực tuyến ở huyện Sơn Tây không thể thực hiện vì hầu hết HS không có điều kiện tham gia. Do đó, GV các trường sẽ giao bài về nhà cho HS. Đối với một số ít gia đình có tivi thì GV hướng dẫn phụ huynh nhắc nhở con em tham gia học tập trên đài truyền hình. 
 
 
Học sinh ở miền núi đăng ký học trực tuyến đạt thấp
 
Theo thống kê của Sở GD&ĐT, bậc THPT có 90,8% HS đủ điều kiện học trực tuyến, trong đó các trường ở miền núi đạt 62,3%. Bậc THCS có 71,3% HS đủ điều kiện học trực tuyến; các huyện miền núi tỷ lệ HS đủ điều kiện học trực tuyến đạt thấp như: Sơn Tây (12,7%), Minh Long (14,2%), Ba Tơ (15,6%)... Đối với bậc tiểu học, toàn tỉnh có 57,8% HS đủ điều kiện học trực tuyến; các địa phương có tỷ lệ HS đủ điều kiện học trực tuyến đạt thấp là Ba Tơ (9,5%), Sơn Hà (11%), riêng huyện Minh Long là 0%.
P.LÝ - TR.PHƯƠNG
 
 
 
 
 

.