Ngày đầu tiên học trực tuyến: Nỗ lực của cả thầy và trò

10:09, 14/09/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sáng 13/9, học sinh (HS) trong tỉnh bước vào buổi học trực tuyến đầu tiên của năm học 2021 - 2022. Cả thầy và trò đều nỗ lực vượt qua những khó khăn về thiết bị, đường truyền... để hoàn thành việc dạy và học. 
[links()]
 
Học sinh hào hứng
 
Dẫu không được đến trường nhưng qua đường truyền, qua các phòng học trên các ứng dụng như Microsoft Teams, Zoom, Google Meet...  HS vẫn hào hứng khi gặp lại bạn bè, thầy, cô giáo trong buổi học đầu tiên.
 
Trung tâm Dạy nghề - Giáo dục thường xuyên và Hướng nghiệp tỉnh  có 65 lớp, với hơn 2.000 học viên. “Buổi học đầu tiên, Trung tâm có 32 lớp, với gần 1.200 học viên tham gia học thành công trên hai phần mềm Google Meet và Classroom. Thời gian đến, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai đến các lớp còn lại và tăng cường ứng dụng các chức năng dạy học hiện có nhằm quản lý chặt chẽ việc học tập của học viên, tăng độ tương tác khoa học, nâng cao chất lượng dạy học của giáo viên và học tập của học viên trên môi trường trực tuyến”, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề - Giáo dục thường xuyên và Hướng nghiệp tỉnh Nguyễn Trà cho biết.
 
Em Võ Ngọc Cẩm, lớp 5B, Trường Tiểu học Đức Hiệp (Mộ Đức) học trực tuyến vào sáng 13/9.     Ảnh: Đăng Sương
Em Võ Ngọc Cẩm, lớp 5B, Trường Tiểu học Đức Hiệp (Mộ Đức) học trực tuyến vào sáng 13/9. Ảnh: Đăng Sương
Sáng 13/9, cô và trò Trường Tiểu học Đức Hiệp (Mộ Đức) bước vào buổi học trực tuyến đầu tiên của năm học mới. Để quá trình học trực tuyến thuận lợi, suôn sẻ, một tuần trước đó 16 giáo viên chủ nhiệm của 16 lớp học trong toàn trường đã hướng dẫn phụ huynh, HS kết nối trang học trực tuyến Zavi, Google Meet. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đức Hiệp Trịnh Thị Hồng cho biết, trường có 385 HS, trong đó có 265 em có thiết bị máy tính, điện thoại thông minh để kết nối với việc học trực tuyến. Các em rất hào hứng khi tham gia lớp học trực tuyến. Số HS còn lại, nhà trường cùng giáo viên liên lạc với phụ huynh qua điện thoại để gửi bài giảng, giao bài tập cho các em hoặc trực tiếp đến nhà để giảng bài...
 
Tại các huyện miền núi, hải đảo việc dạy và học trực tuyến có phần khó khăn hơn. Nhiều HS không có điều kiện, phương tiện để học trực tuyến. Tuy nhiên, các trường đã nỗ lực dạy và học bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm đảm bảo hoàn thành khung kế hoạch thời gian năm học.
 
Đường truyền không ổn định
 
Theo cô giáo Trương Thị Kim Hà - Tổ trưởng chuyên môn 1, Trường Tiểu học số 1 Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi), để đáp ứng yêu cầu của việc dạy và học trực tuyến, cô đã cẩn trọng xây dựng các bài giảng, nhất là phù hợp với tâm lý HS lớp 1. Vì thế, trong quá trình xây dựng bài học, cô Hà đã chia ra nhiều hoạt động để tránh sự nhàm chán. Tuy nhiên, điều cô Hà trăn trở là đường truyền Internet không ổn định, ảnh hưởng đến hoạt động của lớp. "Giáo viên không thể truyền tải hết những nội dung đã xây dựng đến HS, vì đường truyền bị đứt quãng. Do đó, các cấp cần quan tâm đề xuất nhà mạng nâng cao chất lượng đường truyền; đồng thời có gói Internet ưu đãi cho HS thuận lợi hơn trong việc học trực tuyến”, cô Hà kiến nghị.
 
Buổi học trực tuyến của lớp 5A, Trường Tiểu học Đức Hiệp (Mộ Đức) do cô giáo Phạm Thị Mỹ Trinh chủ nhiệm bắt đầu từ 7 giờ 30 phút đến 9 giờ 30 phút. Trong buổi học trực tuyến đầu tiên, cô Trinh dạy môn Toán, tập đọc và chính tả, với 30 phút/tiết. Từ lúc 7 giờ, cô Trinh đã mở máy tính, bật sẵn phần mềm bài giảng trên PowerPonit cùng các hình ảnh liên quan đến bài học. Tuy nhiên đến giờ bắt đầu học, lớp của cô Trinh chỉ có 16 HS kết nối thành công. Số còn lại vẫn trong tình trạng xuất hiện chập chờn do đường truyền yếu.
 
“Nếu đường truyền mạng ổn định thì việc học trực tuyến giúp em nắm bắt được kiến thức rất tốt. Dẫu vậy, em vẫn mong nhanh chóng được đến trường để có những tiết học vui vẻ bên bạn bè, thầy cô giáo hơn”, em Võ Ngọc Cẩm, lớp 5B, Trường Tiểu học Đức Hiệp bày tỏ.
 
 
Gần 66 nghìn học sinh chưa có điều kiện học trực tuyến
 
Theo Sở GD&ĐT, toàn tỉnh có gần 66 nghìn học sinh chưa có điều kiện học trực tuyến (chiếm trên 30% học sinh toàn tỉnh); trong đó, bậc tiểu học có gần 36.600 em (chiếm gần 56%), bậc THCS có gần 23.700 em (chiếm hơn 36%) và bậc THPT có gần 5.400 em (chiếm hơn 8%).

 

TR.PHƯƠNG - ĐĂNG SƯƠNG
 
 
 
 
 

.