Đưa văn hoá địa phương vào trường học

10:04, 11/04/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều trường mầm non trong tỉnh đã đưa văn hoá địa phương vào giảng dạy trong nhà trường. Qua đó, giúp trẻ vui chơi, học tập, hình thành các kỹ năng và góp phần giáo dục tình yêu quê hương. 
[links()]
Giờ học ngoài trời của các bé lớp Lá, Trường Mầm non 17/3 (Sơn Hà) diễn ra trong không khí rộn ràng. Dưới sự hướng dẫn của cô giáo, các bé cùng nhau tìm hiểu về bản sắc văn hoá của dân tộc Hrê tại "Góc địa phương" được bố trí tại nhà sàn trong khuôn viên trường. Những mô hình về dệt thổ cẩm hay những chiếc gùi, nong, nia, giỏ đan... được sắp xếp gọn gàng, đẹp mắt. Mỗi vật dụng đều được cô giáo giới thiệu cặn kẽ để giúp trẻ nhận biết. 
Các bé Trường Mầm non 17/3 (Sơn Hà) nghe cô giáo giới thiệu về các đồ dùng, nông cụ truyền thống của dân tộc Hrê.
Các bé Trường Mầm non 17/3 (Sơn Hà) nghe cô giáo giới thiệu về các đồ dùng, nông cụ truyền thống của dân tộc Hrê.
Cô giáo Hồ Thị Minh Thu chia sẻ: Các em mẫu giáo có thể chưa hiểu sâu sắc, nhưng với những vật mô phỏng mà các em được tận mắt thấy, tận tay sờ, tận tai nghe các cô giáo thuyết minh bước đầu tạo được nhận thức và dần khắc sâu vào tâm trí của các em hình ảnh về cuộc sống xung quanh.
 
Hiệu trưởng Trường Mầm non 17/3 Nguyễn Thị Hồng Thư cho hay: Toàn trường có khoảng 25% học sinh là người Hrê. Nhà trường luôn cố gắng xây dựng môi trường học tập thân thiện, gần gũi đối với trẻ. Bên cạnh khu vực học tập chung ở sân trường, mỗi lớp đều xây dựng “Góc địa phương” để giới thiệu đến học sinh nét văn hóa của địa phương. Đa số vật dụng ở "Góc địa phương"  đều do giáo viên tự làm.
 
Nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động để trẻ được trải nghiệm các trò chơi dân gian, làm bánh ngày xuân, phiên chợ dân tộc vùng cao, văn nghệ để trẻ có cơ hội mặc trang phục truyền thống, thể hiện những điệu múa, lời hát của dân tộc mình... Qua đó, góp phần phát triển thể chất, thẩm mỹ và giáo dục trẻ biết bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cũng như cảm nhận, lưu giữ sâu sắc về các nét đẹp đặc trưng của bản sắc văn hóa dân tộc.
 
Còn tại Trường Mầm non Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ), các bé được cô giáo dạy về cột mốc chủ quyền biển đảo, lễ hội truyền thống của ngư dân... Các cô giáo đã tự làm những đồ dùng dạy học mô phỏng về nghề đánh bắt cá, về biển đảo, lễ hội... để học sinh hiểu hơn về công việc của gia đình và văn hóa truyền thống của địa phương. Hiệu trưởng Trường Mầm non Phổ Thạnh Trịnh Thị Nữ cho biết: Trường đã đưa ca dao, dân ca của cư dân miền biển vào chương trình giảng dạy cho học sinh. Các bé rất thích thú với các bài học về lịch sử, văn hóa địa phương. 
 
Bài, ảnh: TRUNG ÂN
 
 
 

.