Để trở thành giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi

02:01, 06/01/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nhà trường và ngành giáo dục luôn duy trì việc tổ chức hội thi để công nhận giáo viên chủ nhiệm (GVCN) lớp giỏi. Tuy nhiên, việc công nhận  thông qua hội thi chưa thực sự thuyết phục, bởi để trở thành GVCN lớp giỏi đòi hỏi phải có nhiều yếu tố.
[links()]
Vai trò quan trọng của giáo viên chủ nhiệm 
 
Có thâm niên hàng chục năm trong ngành giáo dục và có luận văn thạc sĩ về công tác quản lý GVCN, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Bình Sơn) Ngô Quang Vinh bày tỏ quan điểm: "Hội thi GVCN lớp giỏi là cơ hội để các thầy, cô giáo học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình làm công tác chủ nhiệm. Tuy nhiên, để xứng đáng với danh hiệu GVCN lớp giỏi đòi hỏi nhiều yếu tố. Danh hiệu đó thực sự có ý nghĩa khi được phụ huynh, học sinh (HS) và nhà trường công nhận...". 
Giáo viên chủ nhiệm phải nắm bắt tâm lý học sinh để sẻ chia và giúp các em tiến bộ hơn.
Giáo viên chủ nhiệm phải nắm bắt tâm lý học sinh để sẻ chia và giúp các em tiến bộ hơn.
Theo thầy Vinh, vai trò của GVCN gần như quyết định tất cả công việc chung của nhà trường từ nền nếp, chất lượng giáo dục... Vì vậy, việc chọn GVCN là rất khó đối với nhà quản lý. Người quản lý phải làm thế nào để phân công công tác chủ nhiệm giữa các khối lớp cho phù hợp. Nếu GVCN không làm tốt thì sẽ làm ảnh hưởng đến cả một thế hệ HS.
 
“Giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi phải hiểu được vai trò, nhiệm vụ của mình và phải thực sự yêu nghề, yêu trẻ. Giáo viên chủ nhiệm là người tổ chức mọi hoạt động của lớp. Công tác sắp xếp ban cán sự lớp cũng đóng vai trò quan trọng. Nếu GVCN thực sự giỏi sẽ chọn được "thủ lĩnh" làm lớp trưởng. Muốn phát hiện thủ lĩnh đòi hỏi phải có sự quan sát, tổng hợp tốt để chọn ra trợ thủ đắc lực cho GVCN", thầy Vinh chia sẻ.
 
Nhiều ý kiến cho rằng, GVCN lớp phải yêu thương HS của mình thì mới cảm nhận để chia sẻ và có hưởng xử lý những vấn đề trong lớp. Giáo viên chủ nhiệm cần nắm được tâm lý HS, khoan dung, động viên, khen thưởng các em thay vì sử dụng các hình thức kỷ luật cứng nhắc.
 
Phải được công nhận từ thực tế
 
Cô giáo Trần Thị Thu Hà - Chủ nhiệm lớp 12 Sử - Địa, Trường THPT chuyên Lê Khiết cho rằng: Hội thi GVCN lớp giỏi chỉ là một hội thi, còn trên thực tế không phải như thế. Nhiều giáo viên chỉ mới làm công tác chủ nhiệm một vài năm nhưng lại có giải cao hơn những GVCN lâu năm. Bởi vì các thầy, cô giáo đó có khả năng thuyết trình và "diễn xuất" nhiều hơn. Tuy nhiên, công nhận GVCN lớp giỏi đòi hỏi phải từ thực tế đánh giá của nhà trường, HS, phụ huynh và đồng nghiệp.
 
Theo Hiệu trưởng Trường THCS Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) Hồ Quang Bình, nhà trường tổ chức hội thi cấp trường, chọn ra giáo viên đảm bảo các yếu tố vừa có tinh thần trách nhiệm, vừa có phương pháp chủ nhiệm, có kế hoạch, giải pháp đối với lớp chủ nhiệm và có những ý tưởng sáng tạo để tham gia hội thi GVCN giỏi cấp tỉnh. Mỗi GVCN sẽ có cách thức riêng để làm tốt vai trò của mình, đưa lớp ngày một đi lên trong các phong trào và hoạt động.
 
Em Ngô Xuân Nguyên, lớp 6G, Trường THCS Chánh Lộ bộc bạch: “Em nghĩ, GVCN lớp giỏi là người hiểu và chia sẻ với HS. Các thầy, cô giáo sử dụng các hình thức xử lý nhẹ nhàng thay vì kỷ luật mang tính răn đe. Tuy nhiên, bản thân chúng em cũng phải có ý thức học tập và đảm bảo nội quy của trường, lớp”.
 
Một giáo viên chủ nhiệm suốt cấp học thì chỉ cần tìm hiểu HS ở năm đầu tiên. Còn nếu giáo viên chủ nhiệm từng năm thì phải tìm hiểu thông qua người chủ nhiệm trước và có sự phân định, tìm hiểu những quan điểm của GVCN cũ để đối chứng và mở dần khúc mắc giữa GVCN cũ với HS, tránh những định kiến cá nhân để đánh giá sai lệch HS. Điều quan trọng nhất là GVCN phải luôn bên cạnh học trò để điều chỉnh lại ý thức của các em.
 
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 
 
 

.