Cần chấn chỉnh dạy thêm, học thêm

10:01, 19/01/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù ngành giáo dục đã có nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức các cuộc thanh tra, nhưng vẫn không giải quyết dứt điểm tình trạng dạy thêm, học thêm đang gây bức xúc trong dư luận.
[links()]
Học thêm là nhu cầu
 
Dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật và thiết thực của các bậc phụ huynh, học sinh (HS) lẫn giáo viên (GV). Một phụ huynh có con học tại một trường tiểu học trên địa bàn TP.Quảng Ngãi chia sẻ: “Con trai tôi lên lớp 4, nhà trường chỉ dạy học 1 buổi. Trong khi đó, vợ chồng đều đi làm bận rộn nên phải gửi con cho cô giáo chủ nhiệm dạy thêm. Ngoài ra, tôi cũng cho con học thêm tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ, mời GV về nhà củng cố thêm từ vựng và ngữ pháp cho con. Sau một thời gian, tôi thấy con tiến bộ rõ rệt”. 
Người thầy giỏi, có tâm sẽ hướng học sinh đến với các hoạt động cụ thể.
Người thầy giỏi, có tâm sẽ hướng học sinh đến với các hoạt động cụ thể.
Anh P.N.T, có con học lớp 2 tại một trường tiểu học trên địa bàn TP.Quảng Ngãi cũng cho rằng, cho con học thêm là giải pháp tốt nhất. Bởi vì, vợ chồng anh đều bận rộn từ sáng sớm đến khuya, còn chương trình giáo dục có nhiều thay đổi, nên phải gửi con cho cô giáo chủ nhiệm dạy thêm sau khi kết thúc giờ học trên trường.
 
Nhiều phụ huynh muốn cho con học thêm để vững kiến thức, tham gia thi chuyển cấp đạt kết quả tốt. Em Nguyễn Thị Thương, Trường THPT số 2 Tư Nghĩa chia sẻ: “Đây là năm cuối cấp, nên ngoài thời gian học tại trường, em còn sắp xếp thời gian đi học thêm để đảm bảo kiến thức thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học". 
Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Văn Phu cho rằng: Sở GD&ĐT chỉ trực tiếp quản lý các đơn vị trực thuộc. Các đơn vị trường học còn lại là do UBND các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp quản lý. Thời gian tới, Sở sẽ tăng cường tổ chức các đợt thanh, kiểm tra đột xuất. Trường hợp phát hiện sai phạm sẽ xử phạt vi phạm hành chính và xử lý kỷ luật hành chính.
Còn tình trạng ép học sinh học thêm
 
Có không ít cán bộ quản lý giáo dục, GV và phụ huynh trăn trở khi phải chứng kiến cảnh dạy thêm, học thêm tràn lan nhưng chưa có cách xử lý dứt điểm. “Dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng, nhưng một bộ phận giáo viên xem đó như “cần câu cơm” để tìm cách buộc HS phải học thêm. Những giáo viên thực sự có năng lực thì chắc chắn HS sẽ tìm đến để lĩnh hội kiến thức. Còn giáo viên thiếu tâm lẫn tầm thì chọn cách đưa ra các chiêu trò”, một giáo viên bày tỏ.
 
Chị N. có con học tại một trường THCS trên địa bàn TP.Quảng Ngãi bức xúc vì ngay từ khi con gái bước vào lớp 6, cô giáo bộ môn đã "làm khó", buộc chị phải cho con gái học thêm. Chị N. cũng xác định sẽ tìm GV  có uy tín để cho con học thêm nhằm củng cố, lấp lỗ hổng kiến thức nhưng vì cô giáo gây khó dễ nên chị đành cho con theo học cô giáo đang dạy con mình.
 
Nhưng cũng cần nhìn nhận thực tế, phụ huynh cho con học thêm nhiều nơi để chạy theo thành tích, mà quên rằng việc tạo áp lực cho con trẻ sẽ dẫn đến những hệ quả không tốt. Các nhà quản lý giáo dục cho rằng, người thầy giỏi, có tâm với nghề sẽ đối xử công bằng với HS, biết hướng các hoạt động cụ thể cho từng đối tượng HS trong mỗi bài học.
 
Bài, ảnh: DUY KHANG
 
 
 

.