Lồng ghép nội dung giáo dục địa phương: Học sinh được trải nghiệm thực tế

08:12, 17/12/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau vài tuần triển khai tích hợp nội dung giáo dục địa phương vào giảng dạy, học sinh (HS) lớp 1 trong tỉnh dần được trang bị các kiến thức về lịch sử - địa lý, kinh tế - xã hội, văn hóa, môi trường, nghề truyền thống... của địa phương. Hình thức giáo dục này giúp các em hiểu và yêu nơi mình sinh sống, qua đó bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước cho các em.
[links()]
Gần gũi với học sinh
 
Đây là năm đầu tiên cô và trò Trường Tiểu học số 1 Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) dạy, học tích hợp nội dung giáo dục địa phương. Các em được học tích hợp nội dung giáo dục địa phương theo tài liệu đã được biên soạn chung cho toàn tỉnh thay vì mỗi giáo viên, mỗi trường tự lồng ghép vào tiết học như trước. 
Học sinh Trường Tiểu học số 1 Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) được cô giáo giới thiệu các sản phẩm truyền thống của làng nghề xã Tịnh Ấn Tây.
Học sinh Trường Tiểu học số 1 Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) được cô giáo giới thiệu các sản phẩm truyền thống của làng nghề xã Tịnh Ấn Tây.
Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Trương Quang Trọng Bùi Thị Hồng Vân cho hay: “Nhà trường đã triển khai giảng dạy tích hợp nội dung giáo dục địa phương vào hoạt động trải nghiệm tất cả các môn học. Chẳng hạn, đối với hoạt động trải nghiệm, giáo viên tích hợp làng nghề truyền thống đan lát xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi) vào giảng dạy. Nhà trường chưa có điều kiện đưa HS đi tham quan thực tế tại các làng nghề, vì vậy, giáo viên chủ nhiệm đã xây dựng góc trưng bày các sản phẩm đan lát của làng nghề Tịnh Ấn Tây như cái rế, thúng, rổ... Hay đối với lễ hội đua thuyền truyền thống, các cô giáo truyền đạt cho các em nắm về lễ hội đua thuyền diễn ra hằng năm vào dịp lễ, tết. Trong giờ giáo dục thể chất, giáo viên hướng dẫn các em tham gia sinh hoạt vui chơi, đua thuyền trên cạn...
 
Thông qua những cảnh đẹp, nhân vật lịch sử, văn hóa địa phương, các em được giáo dục đạo đức, lối sống, hình thành ý thức, trách nhiệm về gìn giữ, bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương và dân tộc.
 
Em Nguyễn Thảo Nguyên, lớp 1C, Trường Tiểu học số 1 Trương Quang Trọng chia sẻ: “Ở nhà con không sử dụng đồ đan tre nứa lá nên con rất thích khi được cô giáo giới thiệu các sản phẩm đan lát của làng nghề xã Tịnh Ấn Tây. Con mong ba mẹ cũng mua và sử dụng các đồ dùng bằng các vật liệu có sẵn trong thiên nhiên như vậy để góp phần bảo vệ môi trường”.
 
Giáo viên phải tích hợp phù hợp
 
Việc lồng ghép nội dung giáo dục địa phương đã tạo sự hứng thú cho HS, giúp các em có những trải nghiệm thực tế, tăng cường kỹ năng giao tiếp, tự tin trước đám đông...
 
Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT) Nguyễn Thị Thành cho biết: Khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT chỉ đạo mỗi tỉnh phải viết một tài liệu hoạt động giáo dục địa phương của tỉnh. Tài liệu này nhằm dạy tích hợp trong hoạt động trải nghiệm.
 
Đối với lớp 1, hoạt động trải nghiệm có 105 tiết. Giáo viên sẽ nghiên cứu các nội dung chủ đề trong tài liệu giáo dục địa phương để tích hợp vào hoạt động trải nghiệm, tùy theo chủ đề và tùy theo bài học. Các cô giáo tích hợp vào các môn học để giới thiệu, giáo dục thêm cho các em về những nội dung liên quan như nghề truyền thống, cảnh đẹp, giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương. Sở GD&ĐT đã tổ chức dạy học thực nghiệm tại điểm trường đồng bằng và miền núi. Quá trình thực nghiệm cho thấy các em có sự tiếp nhận tốt. Giáo viên phát huy tính sáng tạo đúng theo định hướng.
 
Là một trong hai trường được chọn dạy thực nghiệm, Trường Tiểu học Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) đã sớm được tiếp cận với tài liệu giáo dục địa phương. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chánh Lộ Nguyễn Thị Thắng bày tỏ: Sách, khổ sách, hình ảnh, nội dung tài liệu giáo dục địa phương phù hợp với lứa tuổi HS lớp 1. Ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục địa phương được tích hợp trong hoạt động trải nghiệm. Tích hợp hoặc sử dụng trong dạy học các môn học ở từng lớp gắn với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của địa phương; các hoạt động xã hội và tìm hiểu một số nghề nghiệp gần gũi với HS... góp phần hình thành và phát triển phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của HS tiểu học.
 
Trong xu thế hội nhập và phát triển, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục những giá trị sống tốt đẹp của quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ là điều cần thiết. Việc lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục địa phương tạo nên những bước chuyển biến về môi trường học tập tích cực, hứng thú cho HS.
 
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 
 
 

.