Sử dụng sách giáo khoa lớp 1 tại "ngôi trường đặc biệt"

02:11, 10/11/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh (Trung tâm), sách giáo khoa (SGK) lớp 1 đã được sử dụng theo cách riêng để giảng dạy cho các em. 
[links()]
Xây dựng chương trình riêng  
 
Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh là cơ sở giáo dục duy nhất trên địa bàn tỉnh sử dụng SGK tiếng Việt của bộ sách Cánh Diều. Đây là bộ sách dư luận phản ứng về những “hạt sạn” ngữ liệu được sử dụng.  
Giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh linh động điều chỉnh chương trình để phù hợp với năng lực của từng học sinh.
Giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh linh động điều chỉnh chương trình để phù hợp với năng lực của từng học sinh.
Phó Giám đốc Trung tâm Nguyễn Thị Nhi cho biết: “Thực hiện theo chỉ đạo của ngành, năm học 2020 - 2021, Trung tâm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và thay SGK mới lớp 1, nhưng có sự điều chỉnh cho phù hợp với năng lực của học sinh (HS). Riêng sách tiếng Việt, Trung tâm chọn bộ sách Cánh Diều. Đây là bộ sách có nhiều hình ảnh minh họa, trực quan, sinh động, phù hợp với đặc thù của HS trung tâm.
 
Theo cô giáo Nhi, sách Cánh Diều có một số từ ngữ không phù hợp, gây khó hiểu. Tuy nhiên, Trung tâm chỉ chọn những nội dung phù hợp và luôn linh hoạt thay thế những từ địa phương để trẻ dễ hiểu và tiếp thu bài. Giáo viên của Trung tâm xây dựng lại chương trình dựa vào khung chương trình của Bộ GD&ĐT dành cho trẻ khuyết tật, chương trình giáo dục phổ thông và khả năng của trẻ. Trung tâm có hai đối tượng chính gồm: Khiếm thính; khuyết tật trí tuệ và tự kỷ. Ngoài chương trình giáo dục phổ thông, trung tâm xây dựng chương trình cho 3 môn đặc thù. Đối với các lớp khiếm thính thì có thêm các môn phát triển giao tiếp, ký hiệu ngôn ngữ, luyện nghe âm nhạc. Các lớp dành cho HS khuyết tật trí tuệ có thêm các môn kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng xã hội và kỹ năng giao tiếp.
Toàn tỉnh có khoảng 94% trường học chọn sách giáo khoa tiếng Việt và Toán của bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”. Riêng sách tiếng Việt của bộ Cánh Diều chỉ có duy nhất Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh lựa chọn. Đến thời điểm này, tất cả các trường học có khối lớp 1 đều đang triển khai giảng dạy SGK mới. Sở GD&ĐT vẫn chưa nhận phản hồi của các trường học hay giáo viên về nội dung SGK lớp 1.
Linh hoạt trong giảng dạy 
 
Trung tâm có tất cả 10 lớp với 10 chương trình cứng cụ thể. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên dựa trên chương trình cứng đã được xây dựng lại để linh động điều chỉnh cho phù hợp với từng đối tượng HS. Cô giáo Võ Thị Kim Huệ, dạy lớp khiếm thính 1A cho hay: Học sinh khuyết tật không thể nắm hết chương trình giáo dục phổ thông nên giáo viên luôn phải điều chỉnh cho phù hợp với năng lực của các em. Chẳng hạn ở hoạt động luyện tập, HS  khiếm thính không thể đọc tiếng để nhận dạng các âm, thanh. Vì vậy, giáo viên cho các em tham gia hoạt động tìm âm trong tiếng để nhận dạng. Đối với môn Toán, giáo viên cũng chủ động bỏ những bài khó và thay thế những câu chữ đơn giản, dễ hiểu để trẻ làm bài”.
 
Tất cả các môn học đều được giáo viên Trung tâm linh động điều chỉnh để phù hợp. Riêng đối với bộ môn thể dục, HS khiếm thính phần đông yêu thích bộ môn này. Với các em khuyết tật trí tuệ và tự kỷ thì  hạn chế trong bộ môn này. Giáo viên cho các em vui chơi là chính. Các trò chơi thường được giáo viên áp dụng cho học sinh như: Chạy tiếp sức, nhảy lò cò...
 
"Mỗi lớp chỉ từ 8 - 10 HS. Trong một lớp có nhiều đối tượng HS  khác nhau, giáo viên phải có sự điều chỉnh phù hợp. Chẳng hạn đối với những em yếu, đi lại khó khăn thì giáo viên cho các em đi bộ, giữ thăng bằng và các động tác đơn giản”, thầy giáo Lê Thành Hưng, dạy môn thể dục chia sẻ.
 
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 
 

.