Thư viện thân thiện

02:12, 01/12/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Có riêng những tiết học để đọc sách và được đọc trong không gian rộng rãi, thú vị với nhiều sắc màu, kết hợp với các trò chơi phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Đó là cách mà Trường Tiểu học Sơn Mùa (Sơn Tây) xây dựng mô hình thư viện thân thiện, nhằm hình thành văn hóa đọc, tăng cường khả năng đọc hiểu của học sinh vùng cao.

TIN LIÊN QUAN

Thu hút học sinh

Trong không gian rộng rãi, các loại sách được sắp xếp gọn gàng, ngay ngắn theo từng ô màu tương ứng với từng khối học, các em học sinh có thể thoải mái lựa chọn những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi, sở thích của mình. Vừa đến chọn cuốn sách mình yêu thích,  em Đinh Nhĩ Ca, lớp 3A phấn khởi nói: “Mỗi khối lớp sẽ được chia 3 màu, chúng em được lấy sách trong những ngăn ô màu tương ứng với khối lớp mình. Những thể loại sách đã được cô thư viện phân loại sẵn, nên chúng em dễ dàng tìm kiếm. Chúng em rất thích khi đọc sách ở thư viện, vì phòng đọc sạch sẽ và trang trí đẹp, chỗ ngồi cũng thoải mái”.

Học sinh Trường Tiểu học Sơn Mùa hứng thú khi đọc sách ở thư viện thân thiện.
Học sinh Trường Tiểu học Sơn Mùa hứng thú khi đọc sách ở thư viện thân thiện.


Các loại sách ở thư viện được sắp xếp xung quanh học sinh, các em dễ dàng lấy sách mà không cần đợi chờ đến lượt. Trang trí ở thư viện đầy sắc màu, có nhiều hình vẽ gần gũi như nàng Bạch Tuyết, cô bé quàng khăn đỏ... Khi học sinh vào thư viện, tất cả đều để dép ở bên ngoài, sau đó mỗi em tự lựa chọn cuốn sách mình thích và ngồi trên những tấm đệm để đọc, vừa đọc vừa chơi, nên học sinh rất hứng thú. Chị Đoàn Thị Hạnh, nhân viên thư viện cho biết: Thư viện không chỉ là nơi lưu giữ sách, mà còn  là nơi vui chơi, giải trí của học sinh sau những giờ học căng thẳng. Thư viện thường xuyên tổ chức các trò chơi cho học sinh như thi đấu cờ vua, vẽ tranh theo chủ đề và thi đọc, kể chuyện...

Hình thành văn hóa đọc

Không chỉ đọc sách ngoài giờ học, học sinh ở Trường Tiểu học Sơn Mùa còn được Ban giám hiệu nhà trường bố trí những tiết học dành cho việc đọc sách ở thư viện trường. Tùy chương trình học của từng khối lớp, trung bình mỗi lớp được trường sắp xếp giờ đọc sách thư viện từ 1-2 tiết/tuần. Trong tiết thư viện, các em được đọc sách theo lớp và giáo viên chủ nhiệm sẽ phụ trách việc định hướng, giúp đỡ học sinh khi các em có thắc mắc.

Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Mùa Vũ Thị Luận, cho biết: Trường có 334/381 học sinh là người đồng bào Ca Dong. Với mong muốn tăng cường khả năng đọc hiểu, viết tiếng Việt của các em người dân tộc thiểu số và hình thành thói quen đọc sách ngay từ nhỏ, trường đã bố trí việc đọc sách theo tiết học như học các môn văn hóa khác. Đọc sách sẽ giúp các em có thêm nhiều kiến thức và nuôi dưỡng tâm hồn. Đặc biệt, ở các khối từ lớp 1-3, giáo viên sẽ kèm, tập đánh vần thêm cho các em, với các em còn yếu tiếng Việt thì đây là một tiết học bổ trợ rất hữu ích.

Mô hình thư viện thân thiện được xây dựng với sự đầu tư của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới.  Sau hơn 1 năm thực hiện, Trường Tiểu học Sơn Mùa đã tạo cho học sinh thói quen và sự thích thú khi đọc sách. Ở lứa tuổi thiếu nhi, các em chưa đủ kiến thức để lựa chọn những hoạt động bổ ích và những thói quen tốt cho bản thân, thì chính mô hình thư viện thân thiện đã góp phần quan trọng định hướng và tạo nền tảng vững chắc để các em hình thành những thói quen tốt, niềm say mê với sách từ khi còn nhỏ.
 

Bài, ảnh: HIỀN THU
 


.