Giáo dục 4.0: Xu hướng tất yếu của giáo dục đại học tương lai

09:07, 22/07/2017
.

Sự xuất hiện các công nghệ mới đã làm thay đổi nền tảng sản xuất, dịch vụ, đặt ra những yêu cầu mới về năng lực nhân sự, từ đó đòi hỏi các trường đại học (ĐH) phải đổi mới cho phù hợp. Giáo dục 4.0 đang được xem là mô hình tất yếu của nền giáo dục trong tương lai để đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0.

 

GS.Gottfried Vossen, ĐH Munster (CHLB Đức) khẳng định, cuộc CMCN 4.0 đang lan tỏa, gắn kết các thành phần kinh tế, thúc đẩy sự phát triển vượt trội các thành tựu khoa học-công nghệ
GS.Gottfried Vossen, ĐH Munster (CHLB Đức) khẳng định, cuộc CMCN 4.0 đang lan tỏa, gắn kết các thành phần kinh tế, thúc đẩy sự phát triển vượt trội các thành tựu khoa học-công nghệ


Đó là ý kiến của đa số các nhà khoa học đến từ các trường ĐH trong nước và thế giới như Đức, Pháp, Malaysia, Mỹ, Hàn Quốc, Canada, Anh… tại hội thảo “Giáo dục 4.0 - nền tảng giáo dục đại học của thế kỷ 21” do ĐH Nguyễn Tất Thành (TPHCM) tổ chức ngày 20/7 tại TPHCM.

PGS.TS. Trần Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho rằng, CMCN 4.0 tác động tới mọi lĩnh vực của xã hội, trong đó có giáo dục. Theo đó, các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học từ các trường ĐH sẽ đối mặt với các yêu cầu cải cách và cạnh tranh mới. Bởi vì, sự thay đổi “chóng mặt” của cuộc CMCN 4.0 đòi hỏi giáo dục phải đem đến cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản lẫn tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với các thách thức và yêu cầu của công việc luôn thay đổi nhằm tránh nguy cơ bị đào thải.

Chính vì những điều trên, Bộ GD&ĐT đã khuyến khích các trường ĐH triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo để hướng tới một nền giáo dục hiện đại, hội nhập quốc tế theo hướng đổi mới phương pháp dạy học, thi và đánh giá; phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; xây dựng thương hiệu riêng của từng trường để thu hút người học và điều quan trọng nhất là đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao về nhân lực của xã hội.

Để đáp ứng được những thay đổi đó, các trường ĐH cần đặt ra câu hỏi làm thế nào để đổi mới phương pháp giảng dạy, thay đổi chương trình đào tạo, ứng dụng các tiến bộ công nghệ thông tin (CNTT), đồng thời cần áp dụng mô hình nào, bắt đầu từ đâu. Hội thảo quốc tế “ĐH 4.0 - mô hình cho giáo dục ĐH của thế kỷ 21” của ĐH Nguyễn Tất Thành sẽ góp phần tìm câu trả lời cho những vấn đề nêu trên, PGS.TS. Trần Anh Tuấn khẳng định.

Mô hình giáo dục hiện đại trong thế kỷ 21

Theo xu thế của thời đại, tiến bộ CNTT làm xuất hiện những loại hình đào tạo mới như đào tạo trực tuyến đại chúng MOOC, đào tạo online. Như vậy, những thách thức trên đòi hỏi các trường ĐH phải đẩy mạnh nghiên cứu các công nghệ mới, mặt khác đổi mới mô hình đào tạo của mình cho phù hợp với yêu cầu mới của thời đại.

Chia sẻ về vai trò và tác động của CMCN 4.0 đến xã hội và nền giáo dục ĐH, GS.Gottfried Vossen, ĐH Munster (CHLB Đức) khẳng định, cuộc CMCN 4.0 đang lan tỏa, gắn kết các thành phần kinh tế, thúc đẩy sự phát triển vượt trội các thành tựu khoa học-công nghệ. Nó tác động rất lớn đến nền kinh tế, có thể thay đổi, làm triệt tiêu nhiều ngành nghề trong tương lai.

Ví dụ, trong lịch sử, với sự ra đời của điện thoại thông minh, nghề chụp ảnh gần như đã không còn tồn tại. Hay với sức mạnh của internet, báo giấy là một trong những ngành có nguy cơ triệt tiêu. Mới đây nhất là sự ra đời của dịch vụ Uber, Grab làm chao đảo taxi truyền thống, đã cho thấy những ngành nghề truyền thống sẽ nhanh chóng bị mất đi trong xu thế phát triển của CMCN 4.0.

“Như vậy, nền giáo dục, trong đó giáo dục ĐH phải nhanh chóng có những thay đổi, đổi mới mô hình giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu thì mới có thể đáp ứng được nhu cầu nhân lực mới của xã hội”, GS. Gottfried Vossen khẳng định.

Theo GS. Leon Shyue-Liang Wang, ĐH Quốc gia Kaohsiung (Đài Loan, Trung Quốc), giáo dục 4.0 là mô hình ứng dụng các tiến bộ CNTT để nâng cao hiệu quả cho việc đào tạo, giúp hoạt động dạy và học diễn ra mọi nơi. Đặc biệt hơn là nó còn góp phần thay đổi tư duy và cách tiếp cận về mô hình ĐH. Trong nền giáo dục 4.0, trường ĐH không chỉ là nơi đào tạo, nghiên cứu, mà còn là trung tâm đổi mới sáng tạo, giải quyết các vấn đề thực tiễn, mang giá trị cho xã hội.

Cũng bàn về mô hình giáo dục 4.0, GS.TS. Vương Thanh Sơn đến từ ĐH British Columbia (Canada), chuyên gia về lĩnh vực internet vạn vật (IOT) đánh giá, CMCN 4.0 hay IOT sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giáo dục ĐH trên 2 phương diện là về nội dung hay đề cương giảng dạy và về mô hình đào tạo, nghiên cứu.

Trong đó, mô hình đào tạo mới sẽ theo hướng mở và thoáng, cởi bỏ giới hạn của không gian, thời gian và môi trường học thuật. Vì vậy, các ĐH trên thế giới và nhất là các trường ĐH ở Việt Nam nói riêng đều cần cải cách theo hướng ĐH 4.0 vì nhu cầu và tính cạnh tranh cao, gia tăng nhanh chóng theo thời gian.

Do đó, chỉ có mô hình giáo dục 4.0 mới là mô hình đào tạo phù hợp với cuộc CNCM 4.0 và sự phát triển của xã hội trong tương lai - GS.TS. Vương Thanh Sơn và GS. Leon Shyue-Liang Wang khẳng định.
 

Một giờ học của sinh viên ĐH Nguyễn Tất Thành
Một giờ học của sinh viên ĐH Nguyễn Tất Thành


Cần một mô hình thí điểm ‘ĐH 4.0’

Nhìn nhận hướng đi tất yếu này trong dòng chảy như vũ bão của cuộc CMCN 4.0, ĐH Nguyễn Tất Thành đã xây dựng Đề án phát triển nhà trường theo “Mô hình giáo dục ĐH 4.0” trình Bộ GD&ĐT cũng như đã làm việc với Bộ GD&ĐT bước đầu về mô hình này.  

PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, để đẩy mạnh và phát triển mô hình giáo dục 4.0, trong thời gian vừa qua nhà trường cũng đã tổ chức nhiều buổi hội thảo trong nước và quốc tế về giáo dục 4.0, cùng nhiều hoạt động thiết thực để triển khai áp dụng mô hình này.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đánh giá cao về đề án xây dựng mô hình giáo dục 4.0 của trường và đã chỉ đạo thành lập nhóm chuyên gia nghiên cứu phối hợp với nhà trường để triển khai thí điểm mô hình.

Bên cạnh đó, để thực hiện tốt mô hình, ĐH Nguyễn Tất Thành đã triển khai xây dựng Trung tâm công nghệ nghiên cứu, phát triển chuyển giao công nghệ cao, Trung tâm đào tạo công nghệ cao, Công viên triển lãm khoa học tại khu công nghệ cao TPHCM… Đây sẽ là hệ sinh thái trường học bao gồm các khoa đào tạo, trung tâm đào tạo, trung tâm nghiên cứu, trung tâm khởi nghiệp… nhằm giúp sinh viên và giáo viên của trường tiệm cận mô hình giáo dục mới này.

Theo PGS.TS. Trần Anh Tuấn, việc ĐH Nguyễn Tất Thành tiên phong trong xây dựng đề án phát triển ĐH theo mô hình giáo dục 4.0 đã cho thấy tầm nhìn chiến lược của nhà trường là phát triển phù hợp với xu hướng của thế giới và yêu cầu đào tạo nhân lực của đất nước cũng như của thế giới. Đặc biệt, việc tổ chức hội thảo quốc tế lần đầu tiên này đã minh chứng cho sự quyết tâm của nhà trường trong công cuộc đổi mới nền giáo dục ĐH theo định hướng của Đảng và Chính phủ.

Cũng từ đề án trình Chính phủ và Bộ GD&ĐT của ĐH Nguyễn Tất Thành về mô hình GD 4.0, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Ngọc Nhạ đã chỉ đạo đưa vào nghiên cứu cấp Nhà nước đề tài nghiên cứu ĐH 4.0 để xây dựng nền tảng khoa học cho chính sách giáo dục ĐH trong thời gian tới.
 

Theo Thanh Thủy/Chinhphu.vn

 


.