Người lao động trong các làng nghề: Sức khỏe, tính mạng cần có sự bảo vệ

10:06, 10/06/2011
.

(QNg)- Bên cạnh tình trạng ô nhiễm môi trường và trang thiết bị sản xuất thô sơ, lạc hậu thì nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh ta lại do chính sự bất cẩn của con người. Điều này đòi hỏi cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ để có biện pháp hữu hiệu, ngăn chặn TNLĐ và bảo vệ tính mạng, sức khỏe người lao động (NLĐ) trong làng nghề.

Làng nghề và nhiều mối lo

Quảng Ngãi hiện nay đang tồn tại hai mô hình làng nghề cơ bản: Thuần tuý thủ công và kết hợp giữa thủ công và máy móc. Đội ngũ lao động  có trình độ của các làng nghề tại tỉnh ta thấp, nguyên nhân là do các nghề tại địa phương chủ yếu là nghề đơn giản, không yêu cầu trình độ cao, thời gian học nghề ngắn... Hiếm có lao động chuyên nghiệp, thường NLĐ chỉ coi nghề đang làm là nghề phụ, làm vào các thời điểm nông nhàn. NLĐ ở một số nghề chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em.
 
Làng thu mua và tái chế lốp xe ô tô phế thải ở Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), các hộ dân làm nghề không có bất cứ một dụng cụ bảo hộ lao động nào trong khi làm việc.
Làng thu mua và tái chế lốp xe ô tô phế thải ở Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), các hộ dân làm nghề không có bất cứ một dụng cụ bảo hộ lao động nào trong khi làm việc.

Lợi dụng NLĐ có trình độ hiểu biết kém, để giảm chi phí sản xuất, một số cơ sở sản xuất lớn trong làng nghề thường "quên" việc trang bị các phương tiện bảo hộ lao động cá nhân cho NLĐ như quần áo, khẩu trang, kính, mũ, găng tay... Viện dẫn lý do "chỉ là làng nghề", chủ các cơ sở cũng không chịu đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, có độ an toàn cao mà chỉ sử dụng loại máy móc thiết bị cũ đã qua sử dụng nhằm thu hồi vốn đầu tư nhanh.

Mặt khác, các quyền lợi của NLĐ làm việc tại cơ sở sản xuất trong các làng nghề như ký kết hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... thường cũng bị "quên". Chủ sử dụng lao động thường đưa ra các lý do như chỉ là cơ sở sản xuất theo mùa vụ và những lao động là người nhà làm việc trong lúc nông nhàn, chỉ cần giao việc bằng miệng và trả lương đầy đủ là xong.

Chính những NLĐ do sự hiểu biết có hạn nên cũng không muốn tham gia các quyền lợi của mình, họ lý giải chỉ cần tiền công cao là được, do vậy nên khi xảy ra các TNLĐ, họ không có bất kỳ một chế độ gì, phải tự lo mọi khoản chi phí, chủ sử dụng lao động chỉ "hỗ trợ" một phần nhỏ kinh phí.

Tỉnh ta có 8 làng nghề được UBND tỉnh công nhận gồm: Dệt thổ cẩm Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ); sản xuất nem, chả phường Lê Hồng Phong; sản xuất thịt bò khô phường Nguyễn Nghiêm; sản xuất đường kẹo đặc sản phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi); sản xuất chổi đót thôn Đại An Đông, xã Hành Thuận; sản xuất bánh tráng, bún, thôn Hiệp Phổ Trung xã Hành Trung; làng nghề trồng cây cảnh thôn Xuân Vinh xã Hành Đức (Nghĩa Hành); chế biến nước mắm Đức Lợi xã Đức Lợi (Mộ Đức)...

Không chỉ vậy mà còn có rất nhiều "làng nghề" tự phát như: Sản xuất gạch ngói, mộc dân dụng, sơ chế nguyên liệu ván ép, nguyên liệu giấy, nông cụ cầm tay, chế biến nông lâm sản (xay xát, ép dầu, làm nấm, ấp trứng), giày da, may mặc, điện tử... và phát triển một số nghề mới như: Sản xuất nhang, trầm, quế; nghề sản xuất cơ khí phục vụ nông nghiệp, tái chế lốp xe ô tô cũ… giải quyết cho hàng ngàn người lao động ở địa phương.

Tuy nhiên, làng nghề càng phát triển thì nguy cơ TNLĐ lại tăng cao. Ví như, nhiều người dân các xã Đức Nhuận, Đức Chánh (Mộ Đức) sống nhờ vào nghề sản xuất gạch ngói. Hiện nay trên địa bàn huyện vẫn còn tồn tại nhiều lò gạch thủ công, tuy giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động, nhưng cũng là một gánh nặng về suy thoái môi trường; TNLĐ và bệnh tật đe doạ tính mạng, sức khoẻ người lao động với nguy cơ rất cao… Qua khảo sát, những lượt người đến khám - chữa bệnh tại các làng nghề thì  số người lao động tại các làng nghề bị mắc bệnh liên quan đến nghề nghiệp chiếm phần nhiều, trong đó chủ yếu là các bệnh về đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh điếc tiếng ồn, bệnh tim mạch...

Bảo vệ an toàn cho lao động làng nghề bằng cách nào?

Phần lớn máy móc, thiết bị trong các làng nghề đều không có tài liệu kỹ thuật để hướng dẫn vận hành an toàn thiết bị, hoặc có thì rất sơ sài. Ngoài ra còn có các máy tự chế, tự lắp ráp từ các loại máy móc cũ, chắp vá tạm bợ, nhiều chi tiết hỏng không được thay thế sửa chữa kịp thời. Đáng nói nhất, nhận thức về công tác ATVSLĐ của cả chủ cơ sở sản xuất lẫn NLĐ còn rất yếu, phần lớn lao động được đào tạo nghề theo kiểu truyền miệng, cầm tay chỉ việc...

Muốn giảm thiểu TNLĐ và bệnh nghề nghiệp trong các làng nghề thì việc đẩy mạnh tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ và chủ sử dụng lao động, các quy định tối thiểu về ATLĐ và bảo vệ môi trường phải được áp chế thực hiện. Điều đó đòi hỏi sự phối hợp từ các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương ở mỗi làng nghề. Chính quyền địa phương phải sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng về ATLĐ và môi trường để thường xuyên nâng cao sự hiểu biết cho NLĐ về ATVSLĐ và thực hiện đúng quy trình trong sản xuất, đồng thời thực hiện nghiêm quy định về ATLĐ và bảo vệ môi trường trong làng nghề.           

  Bài, ảnh: Xuân Hiếu

.