Vùng cao khởi sắc

11:06, 10/06/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, từ trung ương đến địa phương đã quan tâm đầu tư nguồn lực để thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và người dân miền núi. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân.  
 
[links()]
 
Nâng cao đời sống người dân  
 
Việc triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững (Chương trình 135) giai đoạn 2016 - 2020 và chính sách hỗ trợ theo Quyết định 2085/2016/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, đã đem lại hiệu quả. Hệ thống kết cấu hạ tầng như giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, điện thắp sáng, trường học, trạm y tế... được đầu tư xây dựng, từng bước làm thay đổi diện mạo vùng DTTS và miền núi. Việc triển khai các chính sách dân tộc thông qua các chương trình, dự án đầu tư hỗ trợ của Nhà nước đã nâng cao đời sống của người dân, góp phần đẩy lùi các tệ nạn, hủ tục, giữ vững quốc phòng - an ninh...
 
Mô hình trồng bưởi da xanh ở huyện Sơn Tây bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.                Ảnh: THANH KHÁNH
Mô hình trồng bưởi da xanh ở huyện Sơn Tây bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Ảnh: THANH KHÁNH
Đến nay, đường đến các huyện miền núi cơ bản hoàn thiện; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Có 100% xã có trạm y tế đủ điều kiện khám, chữa bệnh cho người dân; 100% xã đặc biệt khó khăn có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng. Trên 75% hộ dân ở xã, thôn đặc biệt khó khăn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...
 
Trong quá trình thực hiện các chính sách dân tộc, miền núi, các địa phương đã ưu tiên nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi ngành nghề, cho vay vốn phát triển sản xuất. Ông Phạm Văn Ngam, ở thôn Đá Chát, xã Ba Liên (Ba Tơ) cho biết, năm 2019, được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho vay 50 triệu đồng, gia đình tôi đầu tư trồng cây lâm nghiệp và làm chuồng trại nuôi trâu... Vừa rồi, tôi bán keo và đã trả nợ cho ngân hàng. Ngoài ra, gia đình tôi còn được Nhà nước hỗ trợ trâu giống. Nhờ đó, hằng năm, gia đình tôi có nghé con để bán, nên đời sống ngày càng ổn định. 
 
Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Xuân Vinh cho biết, những năm qua, huyện luôn quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các chính sách dân tộc, miền núi. Trong đó, tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt là triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 30a, Chương trình 135, chính sách hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất cho người dân. Trong quá trình thực hiện, huyện ưu tiên nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi ngành nghề, cho vay vốn phát triển sản xuất. Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm đáng kể. Đặc biệt, tháng 3/2022, huyện Ba Tơ đã chính thức thoát huyện nghèo, giai đoạn 2021 - 2025.
 
Trợ lực để phát triển
 
Để hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, trong 2 năm (2019 -2020), tỉnh đã bố trí  hơn 112 tỷ đồng đầu tư phát triển đường giao thông, công trình thủy lợi, nhà sinh hoạt cộng đồng... Đồng thời, bố trí hơn 25 tỷ đồng thực hiện hợp phần phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. 
 
Cán bộ Ban Dân tộc tỉnh khảo sát khu vườn ươm cây quế bản địa ở xã Trà Phong (Trà Bồng).                                              Ảnh: B.S
Cán bộ Ban Dân tộc tỉnh khảo sát khu vườn ươm cây quế bản địa ở xã Trà Phong (Trà Bồng). Ảnh: B.S
Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hoàng Anh Ngọc cho hay, từ các chương trình, dự án, huyện đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, huyện chú trọng thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo như mua quế giống bản địa phát cho người dân; hỗ trợ người dân trồng gừng gió, chuối, chè... Qua đó, giúp các hộ dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
 
Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Thế Nhân cho biết, việc thực hiện Tiểu dự án 1 về hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật và Tiểu dự án 2 về hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu, thôn đặc biệt khó khăn, đã tạo động lực cho các địa phương phát triển. Đặc biệt, Chương trình 135 đã góp phần quan trọng làm thay đổi hệ thống hạ tầng vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh, góp phần thực hiện chủ trương giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện cho miền núi phát triển. Đồng thời, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, hướng tới sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Qua đó, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực miền núi. 
 
BÁ SƠN
 
 
 
 

.