Vui mùa mực khơi

10:06, 02/06/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những phiên biển gần đây, ngư dân xã Bình Chánh (Bình Sơn) phấn khởi vì trúng đậm mực khơi. Thu nhập trong mỗi chuyến biển từ vài chục triệu đến hơn 100 triệu đồng/lao động.
 
[links()]
 
Hơn mười ngày qua, hàng chục tàu câu mực khơi ở xã Bình Chánh lần lượt cập bờ trong niềm vui của ngư dân. Ông Lê Hồng Hạnh, chủ tàu câu mực ở thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh chia sẻ, tàu chúng tôi ra khơi vào cuối tháng 2/2022, sau gần 3 tháng lênh đênh bám biển, tàu vừa cập bến bán mực với sản lượng 18 tấn, thu được khoảng 3,3 tỷ đồng. Tàu có 33 lao động, sau khi phân chia theo sản lượng đánh bắt, người cao nhất có thu nhập  110 triệu đồng, người thấp nhất cũng được 60 triệu đồng.
 
Sau khi cập bến, mực khơi được các cơ sở trên địa bàn xã Bình Chánh (Bình Sơn) thu mua, phân loại rồi sơ chế xuất bán.
Sau khi cập bến, mực khơi được các cơ sở trên địa bàn xã Bình Chánh (Bình Sơn) thu mua, phân loại rồi sơ chế xuất bán.
Đang tất bật vận chuyển lương thực, thực phẩm xuống tàu để chuẩn bị cho chuyến biển tiếp theo, anh Lê Văn Ngọt, chủ tàu câu mực ở thôn Mỹ Tân vui vẻ cho biết, mấy chuyến biển trước, tàu ra khơi trở về chỉ đủ phí tổn, hoặc có dư nhưng không nhiều. Chuyến biển đầu năm nay đánh bắt hiệu quả, mực được thương lái thu mua với giá cao nên ngư dân có thu nhập khá. Tàu của tôi có 43 lao động, sau khi trừ chi phí, mỗi người cũng được từ 50 - 100 triệu đồng.
 
Theo các ngư dân, so với năm ngoái, giá mực năm nay tăng từ 65 - 70 nghìn đồng/kg nên ai cũng phấn khởi. Tuy nhiên, do giá xăng dầu liên tục tăng cao, nên mỗi chuyến biển, mỗi tàu ra khơi phải tốn thêm từ 50 - 70 triệu đồng phí tổn. Hiện các tàu câu mực đang chuẩn bị cho chuyến câu mực thứ hai trong năm ở ngư trường Trường Sa. Thông thường, mỗi chuyến ra khơi kéo dài từ  2 - 3 tháng mới vào bờ, nên các tàu phải chuẩn bị một số lượng lớn lương thực, thực phẩm. So với các nghề đi biển khác, nghề câu mực nhọc nhằn hơn. Mực được xẻ phơi khô ngay trên tàu, sau đó đóng vào từng kiện ni lông (khoảng 1,5 tạ/kiện). Vì vậy, khi cập cảng, việc mua bán mực diễn ra nhanh chóng.
 
Mực được mùa, được giá không chỉ giúp cho các chủ tàu và thuyền viên có thêm thu nhập, mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động nữ ở vùng biển. Hiện tại, xã Bình Chánh có 2 cơ sở thu mua mực có quy mô lớn, giải quyết lao động cho khoảng 100 lao động ở địa phương, với thu nhập từ 140 -180 nghìn đồng/người/ngày.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chánh Nguyễn Tiến Pháo cho biết, xã có 55 tàu hành nghề câu mực khơi. Sau gần 3 tháng ra khơi, bình quân mỗi tàu câu được 25 - 30 tấn mực, doanh thu từ 4,6 - 5,5 tỷ đồng/tàu. Chuyến biển vừa qua, tàu nào ra khơi cũng đều trúng nên về đến bờ, các chủ tàu đã tranh thủ bán mực, lấy phí tổn để chuẩn bị cho chuyến biển tiếp theo. Mực được mùa, được giá đã giúp ngư dân có thêm động lực để tiếp tục vươn khơi bám biển, vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
 
Bài, ảnh: AN NHIÊN
 
 
 

.