Vào vụ trồng rừng

08:10, 05/10/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi đang bước vào vụ trồng rừng mới. Năm nay, diện tích trồng rừng tăng, vì vậy các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống cần chủ động nguồn giống đảm bảo chất lượng.
[links()]
 
Hối hả trồng rừng
 
So với năm 2020, mùa mưa năm nay đến sớm hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở các huyện miền núi trồng rừng. Những ngày này, đi dọc các cung đường về các huyện miền núi trong tỉnh, không khí sản xuất tại các vườn ươm luôn nhộn nhịp. Các chủ vườn ươm đang huy động nhân công để làm đất, sản xuất thêm cây giống. Còn các chủ rừng thì vận chuyển keo lên rẫy cho kịp xuống giống vụ mới.
 
Một vườn ươm giống keo giâm hom ở huyện Ba Tơ.
Một vườn ươm giống keo giâm hom ở huyện Ba Tơ.
Chị Phạm Thị Thôn, ở thôn Mang Lùng I, xã Ba Tô (Ba Tơ) cho biết, mấy hôm nay trời mưa, nên tôi tranh thủ tìm đến vườn ươm mua 6.000 cây keo giâm hom về trồng. Ở đây nhà nào cũng trồng cây keo lai hết. Cũng nhờ cây keo mà mấy năm nay, gia đình tôi có tiền xây nhà, mua xe, cho con ăn học.
 
Tại huyện Trà Bồng, người dân cũng tranh thủ chuẩn bị phân bón, keo giống đưa lên rẫy, để trồng rừng. Anh Hồ Văn Sơn, ở xã Trà Thủy bày tỏ, cây keo là nguồn thu nhập chính của người dân ở đây, nên sau khi khai thác xong, mưa xuống là mua giống trồng lại. Hồi trước, cuộc sống khó khăn, nhiều người thường lấy hạt keo của mùa trước để gieo, nhưng nhiều năm nay, nhà nào cũng đến vườn ươm mua giống về trồng cho cây nhanh lên, chất lượng tốt hơn.
 
Mùa trồng rừng chính của Quảng Ngãi bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm. Tuy nhiên, tùy theo điều kiện, diện tích, người dân có thể chủ động trồng vào các thời điểm khác trong năm. Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tổng diện tích trồng rừng năm 2021 của tỉnh khoảng 29.070ha; trong đó, rừng phòng hộ 150ha, rừng sản xuất 23.000ha và diện tích ngoài quy hoạch 3 loại rừng hơn 5.920ha.
 
Bên cạnh trồng rừng sản xuất, việc trồng rừng phòng hộ cũng đang được các đơn vị chức năng triển khai. Để đảm bảo diện tích trồng rừng phòng hộ, thời gian qua, ngành kiểm lâm đã làm việc với người dân và chính quyền các địa phương, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân giao lại đất cho đơn vị chức năng quản lý. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.
 
Nỗi lo chất lượng cây giống
 
Để cung ứng giống cho vụ trồng rừng năm 2021, từ nhiều tháng qua, các doanh nghiệp, cơ sở ươm cây giống trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn giống. Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trà Bồng HuỳnhThị Thanh Thúy, trên địa bàn huyện có hàng chục cơ sở, hộ cá nhân sản xuất keo giống, đáp ứng nhu cầu trồng rừng của người dân địa phương. Tuy nhiên, năm nay, các chương trình hỗ trợ cây giống vẫn chưa có, nên cơ sở sản xuất giống cũng không dám sản xuất nhiều như những năm trước. Bên cạnh đó, năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 9, số lượng hoa quế đậu quả ít, nên thiếu hạt giống quế bản địa để ươm.
 
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 350 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cây giống (chủ yếu giống keo giâm hom). Tuy nhiên, số lượng cơ sở sản xuất cây giống có đăng ký kinh doanh chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại người dân làm mang tính tự phát, nên việc kiểm soát chất lượng gặp nhiều khó khăn. Số lượng cây sản xuất trong năm 2021 ước đạt trên 81,7 triệu cây. Trong đó, giống keo chiếm 80,5 triệu cây, còn lại là các loại cây muồng đen, lim xanh, sao đen, dầu rái, sưa đỏ.
 
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phạm Duy Hưng cho biết, toàn bộ diện tích keo ngã đổ do bão số 9 năm 2020 đã được người dân khai thác hết, nên năm nay, diện tích trồng rừng tăng nhiều so với các năm. Vì vậy, các cơ sở sản xuất, chính quyền các địa phương cũng cần tính toán lượng giống; đồng thời, chủ động đặt hàng ngoài tỉnh chuyển về khi nhu cầu tăng. Đối với các chủ rừng, nhất là người dân ở miền núi, nên tìm đến các cơ sở sản xuất giống uy tín trên địa bàn để có được cây giống chất lượng.
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 
 

.