Nghề làm nước mắm, chế biến hải sản gặp khó

08:08, 14/08/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nếu như mọi năm, từ tháng Giêng đến tháng 8 âm lịch là khoảng thời gian rộn ràng nhất tại các làng nghề sản xuất nước mắm, chế biến hải sản truyền thống, thì năm nay, người làm nghề này đành phải sản xuất cầm chừng, do thiếu nguyên liệu và ảnh hưởng của dịch Covid-19.
[links()]
Sản lượng giảm, giá tăng
 
Từ đầu năm đến nay, do thị trường liên tục bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cộng với sản lượng đánh bắt cá cơm giảm so với mọi năm, nên nguyên liệu đầu vào cho nghề làm mắm truyền thống vừa thiếu, vừa tăng giá so với mọi năm. 
Các cơ sở làm cá hấp tại xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) đang hoạt động cầm chừng vì thiếu nguyên liệu.
Các cơ sở làm cá hấp tại xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) đang hoạt động cầm chừng vì thiếu nguyên liệu.
Tại làng nghề sản xuất nước mắm xã Đức Lợi (Mộ Đức), nơi cung ứng ra thị trường khoảng 3 triệu lít mắm mỗi năm, từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất của người dân bị ảnh hưởng do nguồn nguyên liệu đầu vào là cá cơm bị thiếu nghiêm trọng. “Đã sắp bước sang mùa biển động, nhưng cơ sở của tôi mới thu mua được lượng cá cơm chỉ bằng 50% so với các năm trước. Thậm chí, vì không mua được cá cơm tại tàu đánh bắt của ngư dân cập về cửa Lở, chúng tôi chấp nhận mua qua thương lái với giá cao hơn, nhưng cũng không có hàng để mua”, chị Nguyễn Thị Lệ Phương, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Phương Loan, chia sẻ.
 
Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Mười Quý Đào Trọng Mười cho biết, bình quân mỗi năm, tôi nhập từ 60 - 80 tấn cá cơm để làm mắm, còn năm nay, phần vì thị trường bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, phần vì mỗi tấn cá cơm nguyên liệu tăng từ 2 - 2,5 triệu đồng so với mọi năm, nên từ đầu năm tới nay, tôi chỉ nhập khoảng 30 tấn, giảm hơn 50% so với mọi năm.
 
Sản xuất cầm chừng
 
Được mệnh danh là “thủ phủ” của nghề chế biến cá hấp tại Quảng Ngãi, nhưng thời gian qua, gần 20 cơ sở hấp cá tại xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) đành sản xuất cầm chừng, vì không đủ nguyên liệu đầu vào.
 
Chị Nguyễn Thị Khiết, chủ một cơ sở chế biến hải sản khô tại xã Tịnh Kỳ cho biết, mọi năm, từ tháng Giêng đến tháng 8 âm lịch, lò hấp cá của chúng tôi lúc nào cũng đỏ lửa, nhân công làm việc không ngơi tay, lượng cá làm ra có lúc lên đến 5- 7 tấn/ngày. Còn năm nay, số lượng cá nục, cá cơm mà cơ sở mua được chỉ có thể tính bằng tạ/ngày. Thậm chí có tháng, chúng tôi phải chờ từ 7 - 10 ngày mới nhập được nguyên liệu để làm.
 
Tạm gác lại việc đi biển suốt 15 ngày qua, chủ tàu Võ Thành Việt, ở xã Tịnh Kỳ, bộc bạch, tàu đánh bắt cá cơm, cá nục cách bờ chỉ từ 30 - 50 hải lý, mỗi chuyến biển của chúng tôi thường đánh bắt được từ 1 - 3 tấn cá cơm, cá nục. Nhưng riêng năm nay, lượng cá cơm đánh bắt giảm hẳn, có chuyến chỉ tính bằng tạ. Trong khi đó, do giá dầu tăng, nên mỗi chuyến biển dù chỉ kéo dài khoảng 24 tiếng, nhưng tiêu tốn tới 5 triệu đồng tiền chi phí nhiên liệu, ăn uống... Vì vậy, trong 2 tháng gần đây, khi sản lượng đánh bắt không đạt, tàu liên tục bị lỗ tổn,  tôi đành cho tàu nằm bờ nửa tháng qua.
 
Theo thống kê của Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Tịnh Kỳ Phan Hữu Nhất, toàn xã Tịnh Kỳ có khoảng 100 tàu làm nghề pha xúc và lưới vây, chuyên đánh bắt cá nục, cá cơm. Đây là 2 loại cá được sử dụng làm nguyên liệu chính cho nghề hấp cá truyền thống của địa phương. Song, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến đầu ra sản phẩm bấp bênh, việc tìm bạn đi biển trong những ngày dịch bệnh khó khăn hơn trước, cộng với sản lượng cá cơm, cá nục vùng lộng năm nay sụt giảm hẳn so với mọi năm, nên nguồn nguyên liệu cho nghề chế biến cá hấp đã sụt giảm hẳn so với trước đây.
 
Bài, ảnh: Ý THU
 
 
 

.