Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

04:08, 19/08/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tính đến ngày 31/7/2021, vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh mới giải ngân hơn 1.478 tỷ đồng, bằng 41,2% kế hoạch vốn đã phân khai. Theo chỉ đạo của tỉnh, từ nay đến 30/9/2021, phải giải ngân đạt tối thiểu 70% kế hoạch vốn được giao, nên các chủ đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
[links()]
Còn nhiều vướng mắc
 
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 trung ương giao cho Quảng Ngãi trên 3.585 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách địa phương trên 2.588 tỷ đồng (bao gồm vốn thu từ tiền sử dụng đất 950 tỷ đồng), vốn ngân sách trung ương trên 997 tỷ đồng. Đến ngày 31/7/2021, đã giải ngân trên 1.478 tỷ đồng, bằng 41,2% kế hoạch vốn đã phân khai.
 
Công trình Trung tâm xã Ba Giang (Ba Tơ) đang tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng.
Công trình Trung tâm xã Ba Giang (Ba Tơ) đang tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng.
Trên thực tế, việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh trong 2 quý đầu năm thường rất chậm, bắt đầu từ quý III trở đi các đơn vị mới tăng tốc để đảm bảo kế hoạch năm. Bên cạnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm do một số nguyên nhân tồn tại từ nhiều năm trước, như vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, công tác xây dựng kế hoạch vốn của các đơn vị, chủ đầu tư còn chưa sát với khả năng thực hiện dự án; một số nhà thầu có quá nhiều công trình, không đủ lực thực hiện đúng tiến độ...
 
Tính đến hết tháng 7/2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn huyện Mộ Đức đạt gần 37% kế hoạch vốn, thấp hơn so với tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh. Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Phạm Ngọc Lân cho biết, nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân của huyện đạt thấp là do thị trường bất động sản chững lại, nhu cầu mua đất của người dân không nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu từ đấu giá đất, dẫn đến kế hoạch vốn bố trí cho các công trình không đạt kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc. Một số chủ đầu tư chưa chú trọng trong công tác quản lý chất lượng hồ sơ thiết kế, dự toán, có dự án phải điều chỉnh nhiều lần làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình...
 
Không chỉ các dự án được bố trí vốn từ nguồn thu quỹ đất cấp huyện, mà những dự án được bố trí từ nguồn thu tiền sử dụng đất cấp tỉnh cũng không thể triển khai được. Đơn cử như dự án Nâng cấp, sửa chữa hồ chứa nước Lỗ Thùng, ở xã Đức Phú (Mộ Đức), có vốn đầu tư 30 tỷ đồng, nhưng hiện vẫn chưa được bố trí kinh phí thực hiện. Do đó, để đảm bảo năng lực chứa nước, an toàn hồ đập trong mùa mưa bão, chủ đầu tư và đơn vị thi công thống nhất gia cố trước các điểm xung yếu.
         
Phải giải ngân đạt 100% kế hoạch
 
Những năm trước, chủ đầu tư dự án thường dồn đến cuối năm mới hoàn tất thủ tục để giải ngân; còn trường hợp không kịp thì tạm ứng, đầu năm sau thực hiện giải ngân. Tuy nhiên, năm nay tỉnh yêu cầu siết tiến độ, buộc các chủ đầu tư phải thực hiện công tác giải ngân kịp thời.
 
Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đinh Xuân Sâm cho biết, tính đến cuối tháng 7/2021, huyện đã giải ngân hơn 50% kế hoạch vốn. Địa phương đang gấp rút giải quyết những vướng mắc của các công trình, dự án để có thể đẩy nhanh công tác thi công, giải ngân theo đúng quy định, đảm bảo kế hoạch năm.
 
Giải ngân vốn đầu tư công được xem là một trong những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Bởi, phần lớn các công trình, dự án đầu tư công thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, nếu hoàn thành đúng tiến độ đưa vào khai thác sẽ tạo ra các đột phá trong phát triển kinh tế. Ngược lại, giải ngân vốn đầu tư công chậm đồng nghĩa với việc công trình, dự án thi công kéo dài. Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, đến cuối năm phải đảm bảo giải ngân 100% vốn, không chờ hết niên độ ngân sách. Lãnh đạo sở, ngành, địa phương nào giải ngân thấp, không đạt kế hoạch phải chịu trách nhiệm trước tỉnh; đồng thời xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ.
 
Dịch Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, thêm vào đó, những tháng cuối năm rơi vào mùa mưa bão, nên việc triển khai các công trình sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, để đảm bảo giải ngân đúng kế hoạch, các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách cần tập trung thực hiện các phần việc, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo điểm dừng kỹ thuật trước mùa mưa bão.
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 

.