Cửa hàng thương mại ở miền núi: Đã đến lúc cần xóa bỏ

03:04, 08/04/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 30 năm hoạt động, giờ đây những cửa hàng thương mại ở các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh đã rơi vào tình trạng kinh doanh không hiệu quả, bỏ hoang, nhếch nhác. Những cơ sở này cần được xóa bỏ, thu hồi đất để sử dụng vào mục đích khác, tránh lãng phí như hiện nay.
 
"Đất vàng" bỏ hoang
 
Hàng chục năm nay, có một công trình 2 tầng nằm ngay vị trí đắc địa giữa thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ) đóng cửa im ỉm. Một số người dân thuê phần vỉa hè của công trình này để bán bánh mì, trứng vịt lộn, cá viên chiên. Theo báo cáo của UBND huyện Ba Tơ, nơi đây ban đầu là Cửa hàng thương mại miền núi Ba Tơ (thuộc Công ty CP Thanh niên xung phong), được tỉnh cho thuê đất để kinh doanh. Thời hạn thuê đất là 20 năm (1998 - 2018), khi gần hết hợp đồng thuê đất, công ty lại đầu tư xây dựng công trình nhà hàng hai tầng, nhưng không kinh doanh, mà cho thuê bán cà phê, trưng bày gỗ. 
Cửa hàng thương mại miền núi tại thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ) hiện không được sử dụng đúng mục đích.
Cửa hàng thương mại miền núi tại thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ) hiện không được sử dụng đúng mục đích.
Theo tài liệu phóng viên thu thập được, vị trí xây dựng công trình nói trên thuộc thửa đất số 53, tờ bản đồ số 12, diện tích 684m2. Tuy nhiên, do quản lý  lỏng lẻo, nên để xảy ra lấn chiếm, diện tích hiện chỉ còn 603m2. Thời hạn hợp đồng thuê đất đã hết hiệu lực hơn 2 năm, nhưng công ty không bàn giao đất lại cho huyện Ba Tơ quản lý.
 
Cũng trên địa bàn huyện Ba Tơ, Công ty CP Thanh niên xung phong còn được giao một thửa đất khác để xây dựng cửa hàng thương mại ở thôn Giá Vực, xã Ba Vì. Hàng chục năm qua cũng không sử dụng, đã hết thời gian thuê đất, nhưng công ty cũng không chịu bàn giao cho địa phương.
 
Ở huyện miền núi Minh Long, trước đây có 2 vị trí đất ngay trung tâm huyện lỵ được tỉnh cho Công ty CP Thanh niên xung phong thuê xây dựng cửa hàng thương mại. Trong đó, một cửa hàng xây dựng từ năm 1987 và đã bị sập vào năm 2018, nên UBND huyện Minh Long đã thu hồi đất để xây dựng khu công viên. Cửa hàng thứ 2 xây dựng vào năm 2005, nhưng công ty không kinh doanh mà cho cá nhân thuê để bán vật liệu xây dựng.
 
Tại huyện Trà Bồng, Công ty CP Thanh niên xung phong có 2 cửa hàng thương mại miền núi được nhà nước cho thuê đất xây dựng, trong đó có 1 cửa hàng tại trung tâm xã Trà Phong và 1 tại thị trấn Trà Xuân. Cả hai cửa hàng này đều bỏ hoang hàng chục năm qua, xuống cấp nghiêm trọng.
 
Cần thu hồi đất
 
Công ty CP Thanh niên xung phong tỉnh có 6 cửa hàng thương mại miền núi tại các huyện Minh Long, Ba Tơ, Trà Bồng và Sơn Hà. Các cửa hàng này được Công ty Thương mại tổng hợp tỉnh chuyển giao cho Công ty CP Thanh niên xung phong vào năm 1998. Đại diện Công ty CP Thanh niên xung phong thừa nhận, sau khi nhận bàn giao, do khó khăn về tài chính, nên việc đầu tư kinh doanh các cửa hàng này gần như đi vào bế tắc. Công trình hết thời hạn sử dụng, nguy cơ sụp đổ, nhưng do không có kinh phí để xây mới, nên bỏ hoang. Hiện đã có 2 cửa hàng thương mại ở miền núi được chính quyền địa phương đang quản lý phần diện tích đất: 1 cửa hàng tại huyện Minh Long (do bị sập) và 1 tại huyện Sơn Hà.
 
Cách đây hơn 1 năm, ngày 28.2.2020, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 131/QĐ-UBND về việc thu hồi đất đối với Công ty CP Thanh niên xung phong, do hết thời hạn thuê đất kinh doanh cửa hàng thương mại thị trấn Di Lăng (Sơn Hà). Tại quyết định này, UBND tỉnh đã giao đất cho Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Sơn Hà quản lý để lập phương án đưa vào đấu giá quyền sử dụng đất. Theo Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Đinh Thị Trà, huyện đang thực hiện thủ tục để đấu giá quyền sử dụng đất, thu nộp ngân sách theo chỉ đạo của tỉnh.
 
Các cửa hàng thương mại miền núi khác của Công ty CP Thanh niên xung phong cũng trong tình trạng tương tự như ở Sơn Hà, song đến nay vẫn chưa được xem xét thu hồi đất, giao lại cho địa phương quản lý. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Lữ Đình Tích cho biết: "Địa phương đã kiến nghị với tỉnh nhiều lần, nhưng đến nay tỉnh vẫn chưa ban hành quyết định thu hồi. Đây là công trình bỏ hoang, kinh doanh không đúng mục đích, cần phải giải quyết dứt điểm".
Không có trong quy hoạch
 
Đại diện Sở Công thương cho rằng, trong Đề án phát triển thương mại của tỉnh đến năm 2030, không có loại hình "cửa hàng thương mại miền núi", vì vậy không nên để tồn tại. Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Văn Điết kiến nghị tỉnh sớm thu hồi đất để khai thác hiệu quả hơn, tránh tình trạng sử dụng sai mục đích, lãng phí đất công.
Bài, ảnh: THANH NHỊ
 
 
 
 

.