Tập trung xử lý nợ xấu

04:03, 22/03/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cùng với hoạt động cho vay, ngành ngân hàng đang tập trung xử lý nợ xấu theo hướng vừa đồng hành, vừa thu hồi nợ, trích dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, hiện số nợ quá hạn tại một số ngân hàng vẫn còn cao, nhất là lĩnh vực kinh tế biển.
[links()]
Gia tăng nợ xấu
 
Những năm qua, với nhiều chính sách khuyến khích của Nhà nước, cùng sự hỗ trợ vốn của các tổ chức tín dụng, ngư dân trong tỉnh đã có cơ hội nâng cấp, đóng mới tàu công suất lớn để vươn khơi. Tuy nhiên, cũng chính sự phát triển “nóng” đã dẫn đến nợ xấu ở lĩnh vực cho vay kinh tế biển tăng, nhất là vay đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ và cho vay đóng tàu, mua sắm ngư lưới cụ hành nghề lưới kéo, giã cào ở các xã Nghĩa An, Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi). 
Hoạt động đánh bắt kém hiệu quả, nhiều chủ tàu mất khả năng trả nợ cho các ngân hàng.
Hoạt động đánh bắt kém hiệu quả, nhiều chủ tàu mất khả năng trả nợ cho các ngân hàng.
Thực tế, sau khi phát sinh nợ xấu, các ngân hàng đã chủ động tạo điều kiện gia hạn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các chủ tàu. Tuy nhiên, số nợ lớn, thời gian kéo dài, nên đến nay các ngân hàng cũng không còn khả năng để gia hạn nợ nữa.
 
Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2020, nợ xấu trong toàn ngành là 1.550 tỷ đồng, so với cuối năm 2019 tăng 8,2%, chiếm 2,8%/tổng dư nợ. Riêng đối với dư nợ cho vay theo Nghị định 67 của Chính phủ, đến cuối năm 2020, tổng số tiền cam kết cho vay trên 387 tỷ đồng, đã giải ngân trên 383 tỷ đồng, chiếm 0,77% tổng dư nợ. Đáng chú ý là dư nợ cho vay trên 318 tỷ đồng, tương ứng 62 khách hàng, nhưng chỉ có 18 tàu hoạt động hiệu quả, 44 tàu đã phát sinh nợ quá hạn 268,7 tỷ đồng, tăng 105,1% so với cuối năm 2019, chiếm 84,4% tổng dư nợ cho vay theo Nghị định 67.
 
Tập trung thu hồi nợ
 
Trước số nợ phát sinh từ cho vay kinh tế biển quá lớn, Vietcombank Quảng Ngãi đã thực hiện nhiều giải pháp để thu hồi nợ. Trong đó, biện pháp ưu tiên được ngân hàng áp dụng là tạo điều kiện cho khách hàng sản xuất, kinh doanh, để có tiền trả các khoản nợ hằng tháng phù hợp. Vì vậy, đến nay, Vietcombank Quảng Ngãi đã thu hồi nợ được khoảng 300 tỷ đồng.
 
“Đối với những khách hàng không còn khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh và không có khả năng trả nợ, ngân hàng sẽ cùng với khách hàng bán tài sản (chủ yếu là tàu cá nằm bờ) để thu hồi nợ. Riêng đối với những khách hàng vẫn hoạt động kinh doanh bình thường, nhưng không đảm bảo các điều kiện như không đăng kiểm, không mua bảo hiểm và không có thiện chí trong việc trả nợ, ngân hàng sẽ tiến hành khởi kiện để thu hồi nợ”, Giám đốc Vietcombank Quảng Ngãi Võ Văn Linh cho biết.
 
Bên cạnh các khoản nợ từ cho vay thương mại, các khoản vay theo Nghị định 67 đều đã phát sinh nợ xấu tại các ngân hàng Vietcombank Quảng Ngãi, Vietcombank Dung Quất, Agribank Quảng Ngãi, BIDV Dung Quất. Đặc biệt, trong 6 chiếc tàu có dư nợ tại BIDV Quảng Ngãi, thì tất cả đều phát sinh nợ xấu, với số tiền hơn 60 tỷ đồng. Hiện ngân hàng này đã tiến hành khởi kiện một số chủ tàu hoặc phối hợp tổ chức bán đấu giá tài sản, để thu hồi nợ, nhưng chưa có người mua.
 
Dù các ngân hàng đã có nhiều giải pháp trong thu hồi nợ quá hạn, nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do nhiều chủ tàu không có ý thức trả nợ, trong khi đó, ngân hàng không thể giám sát được dòng tiền của ngư dân, khi tiền không vào tài khoản, các tàu lại đánh bắt và cập cảng ở các tỉnh, thành phố khác...
 
Để thu hồi nợ, khống chế nợ ở mức thấp nhất, Ngân hàng Nhà nước tỉnh chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục chủ động phối hợp với các cấp, các ngành liên quan đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội, nhất là nợ xấu phát sinh cho vay đóng tàu khai thác thủy sản...
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 
 

.