Chế biến hải sản ở xã Tịnh Kỳ: Thiếu mặt bằng để phát triển

10:03, 31/03/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Vì thiếu mặt bằng, nhiều hộ dân làm nghề chế biến hải sản tại xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) "đành" phát triển cơ sở chế biến trong khu dân cư. Điều này làm cho đời sống của nhiều người dân địa phương bị ảnh hưởng.
[links()]
Nhiều năm nay, người dân thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ đã quá quen thuộc với cảnh khoảnh đất trống ngay bên cạnh chợ An Vĩnh, trở thành sân phơi hải sản của cơ sở chế biến cá T.K. Dù lượng cá phơi hằng ngày tương đối lớn, lại phơi ở nơi đông người qua lại, nhưng bà K chỉ đầu tư vỉ phơi, chứ không xây dựng hệ thống giàn phơi. Thành thử, các vỉ phơi cá tại cơ sở bà K được trải trên đất, vừa ảnh hưởng đến vệ sinh, chất lượng sản phẩm làm ra, vừa ảnh hưởng đến hoạt động đi lại của người dân địa phương. Mặt khác, cơ sở chế biến hải sản của bà K dù có lượng lớn nước thải phát sinh từ việc hấp cá, nhưng do không có hệ thống thu gom, xử lý, nên toàn bộ lượng nước thải này đều được xả thẳng ra biển, gây mất vệ sinh và mỹ quan. 
Nhiều cơ sở chế biến hải sản tại xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) phơi cá ngay trên nền đất trong khu dân cư.                                             Ảnh: ĐÔNG YÊN
Nhiều cơ sở chế biến hải sản tại xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) phơi cá ngay trên nền đất trong khu dân cư. Ảnh: ĐÔNG YÊN
Theo khảo sát của phóng viên, không chỉ riêng cơ sở của bà K, mà hầu hết các cơ sở chế biến cá hấp tại thôn An Vĩnh đều trực tiếp xả nước hấp cá ra bãi cát ven biển. Điều này làm cho bãi biển tại thôn An Vĩnh bị ô nhiễm. “Ngày trước, bãi biển này lúc nào cũng sạch đẹp, nên mọi người vẫn thường đi dạo mát vào buổi chiều. Sau này, khi các cơ sở xả nước hấp cá ra biển, bờ biển mất vệ sinh, chúng tôi chẳng còn dám đi bộ trên đó”, ông T.V cho biết.
 
Không chỉ người dân than phiền về hoạt động chế biến hải sản tại khu dân cư gây ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan; mà ngay chính những hộ dân chế biến hải sản cũng mong có một nơi sản xuất tập trung để thuận lợi hơn trong sản xuất.
 
“Việc mua được đất để mở rộng quy mô sản xuất đối với các hộ làm nghề như chúng tôi là một vấn đề nan giải. Bởi giá đất tại Tịnh Kỳ rất đắt đỏ, nên để mua được đất thì cần kinh phí rất lớn. Vì vậy, chúng tôi chỉ mong có nơi sản xuất tập trung và được thuê đất lâu dài để yên tâm đầu tư hạ tầng, trang thiết bị”, bà Nguyễn Thị Hà, chủ cơ sở chế biến cá tại Tịnh Kỳ chia sẻ.
 
Theo Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ Nguyễn Hoài Thanh, toàn xã hiện có khoảng 20 cơ sở chế biến hải sản, giải quyết việc làm cho khoảng 200 - 300 lao động tại địa phương. Song, các cơ sở này đều nằm xen kẽ trong khu dân cư. Vì vậy, việc có một cụm công nghiệp tập trung là giải pháp vừa tạo điều kiện cho nghề chế biến hải sản phát triển, vừa đảm bảo môi trường.
Cụm công nghiệp “trên giấy”
 
Tháng 4.2011, Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp (CCN) Sa Kỳ tại xã Tịnh Kỳ đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tháng 8.2015, dự án tiếp tục được UBND tỉnh đưa vào quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tại QĐ 1428/QĐ-UBND. Theo đó, CCN hậu cần nghề cá Sa Kỳ là một trong 3 CCN được ưu tiên quy hoạch, phát triển trên địa bàn TP.Quảng Ngãi, với diện tích giai đoạn 1 khoảng 17ha. Trong đó, đến hết năm 2015, sẽ đầu tư khoảng 10ha. Tiếp sau đó, tỉnh tiếp tục điều chỉnh quy hoạch và thành lập mới CCN hậu cần nghề cá Sa Kỳ với diện tích 7,76ha vào năm 2017, nhưng đến nay CCN này vẫn còn nằm “trên giấy”.

 

Bài, ảnh: ĐÔNG YÊN
 
 
 
 
 

.