Đặc sản địa phương sẵn sàng phục vụ thị trường Tết

10:01, 19/01/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dịp Tết năm nay, dự báo nhu cầu tiêu dùng mặt hàng nông sản miền núi và các sản phẩm của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trong tỉnh tăng cao, nên nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người dân đang tập trung chuẩn bị hàng hóa, tăng sản lượng để đưa ra thị trường.
[links()]
Đặc sản miền núi vào mùa Tết
 
Những năm gần đây, gia đình anh Đinh Văn Hải, ở xã Sơn Long (Sơn Tây) đã có thu nhập ổn định, trở thành một trong những hộ có thu nhập cao của xã. Đó là nhờ gia đình anh trồng keo và chăn nuôi. Anh Hải chia sẻ: Hiện gia đình đang tập trung chăm sóc đàn heo ky và đàn gà thả vườn hàng trăm con để bán trong dịp Tết. Năm nào cũng vậy, cứ đến cận Tết là khách hàng đặt mua rất đông nên có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, giá heo lại cao. 
Ớt xiêm - đặc sản vùng cao trong tỉnh đã sẵn sàng phục vụ thị trường tết Tân Sửu 2021.                 Ảnh: H.HOA
Ớt xiêm - đặc sản vùng cao trong tỉnh đã sẵn sàng phục vụ thị trường tết Tân Sửu 2021. Ảnh: H.HOA
Nhiều tháng qua, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên (Sơn Tây), đã liên kết với người dân địa phương thu mua măng nứa để chế biến thành sản phẩm khô, đóng gói hút chân không trữ hàng bán Tết. Bên cạnh đó, các sản phẩm ớt xiêm, gạo lúa rẫy, gà thả vườn... cũng sẵn sàng phục vụ nhu cầu của thị trường Tết năm nay. 
 
Tại huyện Ba Tơ, để chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường Tết, HTX Nông nghiệp Cao Muôn Ba Tơ đã liên kết với người dân để thu mua sản phẩm heo ky, trâu bản địa, cá niên... Chị Phan Thị Quyến, thành viên HTX cho biết: Dịp Tết này, sản phẩm thịt trâu gác bếp đã có nhiều đơn hàng đặt trước trên 100kg. Nguồn hàng cung cấp cho thị trường cũng khá dồi dào. Hiện thịt trâu gác bếp có giá 750 nghìn đồng/kg, cá niên 450 - 500 nghìn đồng/kg, heo ky 150 - 170 nghìn đồng/kg tùy loại...
 
Để làm phong phú các sản phẩm, các thành viên HTX còn học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu ra nhiều cách chế biến các món ngon hấp dẫn, phục vụ mọi đối tượng khách hàng. Các sản phẩm như rượu sim, rượu sâm cau, mật ong... được đựng trong các chai, lọ thủy tinh có dung tích đa dạng; sản phẩm khô thì đựng trong túi hút chân không hoặc ngâm mắm để người tiêu dùng dễ dàng bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh sử dụng lâu dài mà không sợ bị hư, hỏng.
 
Sản phẩm OCOP tăng sản lượng
 
Cuối tháng 12.2020, UBND tỉnh ban hành các quyết định công nhận kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đối với 19 sản phẩm trên địa bàn tỉnh, trong đó có 1 sản phẩm được phân hạng 4 sao và 18 sản phẩm đạt 3 sao. Thời điểm này, các chủ cơ sở sản xuất các sản phẩm đạt OCOP đã có kế hoạch gia tăng sản xuất, tăng cường giới thiệu đặc sản Quảng Ngãi và phục vụ thị trường tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. 
Các sản phẩm của Công ty TNHH Hương quế Trà Bồng được công nhận và phân hạng OCOP hiện tăng sản lượng phục vụ người tiêu dùng.  Ảnh: X.HIẾU
Các sản phẩm của Công ty TNHH Hương quế Trà Bồng được công nhận và phân hạng OCOP hiện tăng sản lượng phục vụ người tiêu dùng. Ảnh: X.HIẾU
Dẫn đầu số điểm và được phân hạng 4 sao là sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế của Công ty TNHH Hương quế Trà Bồng. Ngoài ra, công ty cũng có 5 sản phẩm khác là nhang quế, nước lau sàn quế, nước rửa tay quế, bột quế và tinh dầu quế cũng được phân hạng 3 sao. Giám đốc Công ty TNHH Hương quế Trà Bồng Nguyễn Đức Lương cho biết: Hiện công ty đã tăng sản lượng sản xuất các mặt hàng lên từ 30 - 50%, các sản phẩm được ưa chuộng như tinh dầu quế, nhang quế thì tăng sản lượng lên gấp đôi, hoặc gấp ba lần trong tháng 1 để phục vụ nhu cầu thị trường tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
 
Tại cơ sở sản xuất của Công ty TNHH MTV Sản xuất  - Thương mại và Dịch vụ Mười Quý (Bình Sơn), những ngày này, chủ cơ sở quyết định gia tăng sản xuất gần gấp đôi so với trước, với tổng sản lượng trong tháng 1.2021 ước tính hơn 7.000 thùng nước mắm các loại. Gần Tết, doanh nghiệp sẽ tuyển thêm công nhân thời vụ và tăng ca làm việc, để sản xuất phục vụ thị trường. Chúng tôi cũng thay đổi mẫu mã bao bì sản phẩm, để phục vụ nhu cầu tặng quà dịp Tết của người dân”.
 
Trong khi đó, người trồng rau ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) và các thành viên của HTX Nông nghiệp rau sạch Mầm Việt phấn khởi khi rau cải và rau dền ba màu của HTX được UBND tỉnh công nhận và phân hạng là sản phẩm OCOP 3 sao. Sau các đợt bão lũ liên tiếp, hiện hầu hết diện tích tại làng rau đã được canh tác để có sản phẩm phục vụ thị trường. Giám đốc HTX Nguyễn Tấn Phụng thông tin: “Sau thời gian ngắn khôi phục sản xuất sau các trận bão lũ, HTX đã xuất bán các loại rau ra thị trường từ 70 - 100kg/ngày. Từ đầu tháng 1.2021, sản lượng rau xuất bán ra thị trường tăng lên 200 - 300kg/ngày, để phục vụ khách hàng dịp tết Nguyên đán.
 
Các chủ cơ sở sản xuất các sản phẩm OCOP vừa được UBND tỉnh công nhận, cũng như 10 sản phẩm được công nhận và phân hạng vào tháng 9.2020, như: HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bình Phú (nén Bình Phú); HTX Nông nghiệp sạch Sơn Hà (gà kiến Sơn Hà, gà đen Sơn Hà, mắm cá niên); HTX Sản xuất kinh doanh Nấm Đức Nhuận (nấm bào ngư); cơ sở sản xuất bánh tráng Lê Thái Cường (bánh tráng Huy Cường)… đều thông tin sẽ gia tăng sản xuất để phục vụ thị trường Tết.
Phân phối qua các kênh hiện đại
 
Bên cạnh các điểm bán hàng, hiện người dân còn dễ dàng mua sắm sản phẩm OCOP, đặc sản nông nghiệp miền núi qua các sàn thương mại điện tử như lazada.vn, shopee.vn, foodmart... Siêu thị Big C Go Quảng Ngãi, Co.op Mart Quảng Ngãi cũng bày bán, quảng bá số lượng lớn sản phẩm OCOP, nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp tết Nguyên đán. Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Sơn Hà Phạm Đình Nghĩa cho biết: Cả 3 sản phẩm gà kiến, gà đen và mắm cá niên đều đã vào Siêu thị Big C, Co.op Mart và đạt được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, góp phần tăng thêm uy tín, chất lượng với người tiêu dùng, giúp tiêu thụ mạnh hơn và nâng cao thu nhập cho nông dân.

HỒNG HOA - XUÂN HIẾU

 
 
       
                                                                                                                                                                                      
 
 

.