Chậm chuyển đổi nghề cho ngư dân

05:08, 10/08/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nghề khai thác thủy sản ven bờ đang rơi vào tình cảnh khó khăn. Vì thế, việc chuyển đổi nghề để đảm bảo sinh kế bền vững cho ngư dân đang là vấn đề đặt ra hiện nay.
Là gia đình có truyền thống 3 đời làm biển, nhưng khi kể về nghề đi biển của gia đình, lão ngư Nguyễn Xê, ở xã Đức Lợi (Mộ Đức) lại trầm ngâm: “Luồng lạch ra vào khó khăn, cá ven bờ cũng chẳng còn nhiều nữa, nên các con tôi đành “ly hương” vào miền Nam làm bạn chài cho thuyền đánh bắt xa bờ của người ta”.
 
Theo thống kê của UBND xã Đức Lợi, toàn xã có 929 ngư dân, thì đã có 634 ngư dân đến các vùng biển khác để mưu sinh, nhất là vào mùa biển động. Thực trạng này diễn ra từ hơn chục năm nay tại xã bãi ngang ven biển từng là nơi có nghề biển phát triển nhất của huyện Mộ Đức. 
 
Nguồn lợi thủy sản ven bờ cạn kiệt khiến ngư dân vùng bãi ngang huyện Mộ Đức loay hoay tìm hướng chuyển đổi nghề.
Nguồn lợi thủy sản ven bờ cạn kiệt khiến ngư dân vùng bãi ngang huyện Mộ Đức loay hoay tìm hướng chuyển đổi nghề.
Tại xã Bình Hải (Bình Sơn), nếu như những năm trước, cứ đến tháng 6, tháng 7 hằng năm, hơn 100 ngư dân nơi đây lại khấp khởi vui mừng khi bước vào mùa thu hoạch rong mơ với giá cả bình ổn, sản lượng dồi dào, thì năm nay, hầu hết ngư dân đều thở dài, khi rong mơ rớt giá thê thảm, chỉ còn ở mức 4.000 đồng/kg.
 
“Chẳng những giá giảm gần một nửa, mà sản lượng rong mơ cũng giảm hẳn so với những năm trước. Nếu như mọi năm, một ngày lặn chừng 8 tiếng là tôi hái được 10 - 12 tạ rong tươi, phơi khô còn cỡ 2 tạ, bán ra với giá 6.500 - 7.000 đồng/kg, thì nay, cả ngày quần quật cũng chỉ kiếm được 5 - 6 tạ rong tươi”, ngư dân Lê Tấn Hùng, ở làng chài Hải Hòa, xã Bình Hải chia sẻ.
 
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, toàn tỉnh có hơn 5.500 tàu cá, trong đó tàu hoạt động ở vùng lộng và ven bờ lên đến hơn 2.000 tàu. Tỷ lệ tàu hoạt động vùng lộng và ven bờ lớn khiến môi trường và nguồn lợi thủy sản ven bờ đang dần cạn kiệt. Trước thực trạng trên, việc chuyển đổi nghề cho ngư dân từ khai thác gần bờ sang xa bờ là giải pháp để nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường. Song, trên thực tế, không phải ngư dân nào cũng có điều kiện đầu tư phương tiện, ngư lưới cụ để chuyển nghề.
 
Một số ngư dân cho hay, chi phí chuyển đổi phương tiện, nâng công suất tàu và ngư lưới cụ xa bờ luôn ở mức cao, phải mất từ 1 tỷ đồng trở lên. Trong khi đó, thu nhập từ nghề đánh bắt thủy sản gần bờ thường ở mức trung bình, rất ít tích lũy, nên ngư dân không đủ vốn để mạnh dạn chuyển đổi. Hơn nữa, việc chuyển ngư trường từ gần bờ sang xa bờ đòi hỏi ngư dân phải học hỏi kinh nghiệm, làm quen với cách thức đánh bắt mới, nên nhiều ngư dân không tự tin chuyển đổi.
 
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Văn Mười cho biết: Quyết định số 555 của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030 cũng đã xác định giải pháp về chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp từ khai thác thủy sản ven bờ sang nuôi trồng, chế biến, dịch vụ thủy sản và nghề khác, nhằm giảm nghề khai thác thủy sản ven bờ có tính hủy hoại môi trường và nguồn lợi. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí, nên đến nay, ngư dân đánh bắt thủy sản ven bờ vẫn chưa được hỗ trợ chuyển đổi nghề.
 
Bài, ảnh: ĐÔNG YÊN
 
 
 

.