Tác động của dịch Covid-19: Doanh nghiệp cần được "ứng cứu" kịp thời

09:04, 20/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Do chịu tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng nghìn doanh nghiệp (DN) của Quảng Ngãi gặp rất nhiều khó khăn; nhiều DN đứng trước nguy cơ giải thể, phá sản. Trong 3 tháng đầu năm nay, số lượng DN thành lập mới thấp hơn so với cùng kỳ.
 
Toàn tỉnh có 262 DN, chi nhánh được thành lập, với tổng vốn đăng ký kinh doanh đạt hơn 808 tỷ đồng, giảm gần 1.000 tỷ đồng so với năm 2019, trong khi DN ngừng hoạt động, giải thể tự nguyện tăng lên. Nếu dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài, tình trạng DN phá sản sẽ gia tăng mạnh. Thế nên, trước mắt DN rất cần được "bơm vốn" để duy trì sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm cho người lao động. 
Giải quyết hồ sơ vay vốn tại HDBank - Chi nhánh Quảng Ngãi.                                    Ảnh: P.V
Giải quyết hồ sơ vay vốn tại HDBank - Chi nhánh Quảng Ngãi. Ảnh: P.V
Mới đây, Chính phủ quyết định triển khai gói hỗ trợ DN lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng nhằm giúp DN vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, điều DN mong muốn trong lúc này là chính sách cần được thực thi kịp thời, hỗ trợ đúng đối tượng và tránh tình trạng trục lợi chính sách. 
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên: "Sử dụng tín dụng hỗ trợ DN đúng đối tượng"
 
Dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Nhiều tháng qua, trong khả năng có thể, tỉnh đã tích cực hỗ trợ các DN duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn. Để triển khai các nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn hiện nay, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo xử lý, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong đó, giao Sở KH&ĐT là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, nắm bắt, tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của DN, nhà đầu tư qua tất cả các kênh thông tin để tham mưu Ban Chỉ đạo các giải pháp, biện pháp tháo gỡ khó khăn; đề xuất cấp thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư trên địa bàn tỉnh.
 
Về tín dụng, các ngân hàng trên địa bàn đã chủ động tái cơ cấu nợ, giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất khoản nợ cũ, hạ lãi suất khoản vay mới cho các DN chịu tác động trực tiếp từ dịch Covid-19. Quỹ Đầu tư phát triển của tỉnh cũng đang thực hiện giải pháp hỗ trợ tín dụng cho DN theo chỉ đạo của Chính phủ. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các địa phương đang xây dựng kịch bản phát triển kinh tế - xã hội sau dịch, trong đó đặc biệt quan tâm hỗ trợ DN khôi phục sản xuất, nhất là DN nhỏ và vừa. Tỉnh mong muốn Chính phủ sớm triển khai gói tín dụng hỗ trợ DN để địa phương có cơ sở thực hiện. Tỉnh sẽ làm hết trách nhiệm trong việc lựa chọn đúng đối tượng hỗ trợ, đảm bảo sử dụng nguồn vốn đúng mục đích; cải cách quy trình, thủ tục để DN có thể tiếp cận sớm nhất gói tín dụng hỗ trợ của Chính phủ.
 
Giám đốc Sở Công thương Võ Đình Trà: "Quan tâm hỗ trợ DN vừa và nhỏ"
 
Doanh nghiệp của Quảng Ngãi đa số là DN vừa và nhỏ, đối tượng chịu tổn thương nặng nề nhất sau đại dịch Covid-19, cần phải được ưu tiên quan tâm hỗ trợ. Chính phủ và tỉnh cần tập trung hỗ trợ cho chuỗi chế biến xuất khẩu để tiêu thụ nông sản cho nông dân, vừa giúp DN xuất khẩu có điều kiện hoạt động trở lại. Tập trung hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ, đáp ứng nhu cầu trong nước khi thị trường thế giới vẫn chưa sẵn sàng mở cửa trở lại để nhập thiết bị, máy móc. 
 
Bên cạnh đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ cho DN. Kịp thời có chính sách áp dụng các biện pháp hỗ trợ khác như miễn tiền thuê đất, cho vay trả nợ lương công nhân, giãn và miễn thuế... Việc triển khai các chính sách này cần sự giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng trục lợi chính sách, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách lớn dành cho DN trong bối cảnh hiện nay.
 
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Đăng Lộc: "Tham mưu UBND tỉnh kịp thời hỗ trợ DN"
 
Trong quý I/2020, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên tất cả các tiêu chí về DN đều giảm so với cùng kỳ, nhất là tiêu chí về số DN thành lập mới giảm 21,1%, vốn đăng ký giảm 55,7%. Nhóm DN bị tác động nặng nhất là du lịch, thương mại và dịch vụ. Sự tác động còn ảnh hưởng đến cả nông dân đã ký hợp đồng tiêu thụ với DN.
 
Chính phủ đã có Chỉ thị số 11 đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ DN. Riêng tỉnh đang nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ với từng loại hình DN, nhất là các DN nhỏ và vừa. Yêu cầu các ngân hàng kéo dài thời gian thanh toán nợ gốc vay của DN, ưu đãi lãi suất, đối với DN khó khăn thì khoanh nợ, giãn nợ; cơ cấu lại thời gian trả nợ trong thời gian DN không hoạt động. Về chính sách thuế thì giảm thời gian nộp thuế môn bài, đối với DN thuê đất có chính sách miễn giảm tiền thuê đất tương ứng. Thực thi các chủ trương, chính sách của Chính phủ và của tỉnh, Sở KH&ĐT sẽ tham mưu UBND tỉnh đề ra chính sách hỗ trợ kịp thời đảm bảo DN sớm tiếp cận được các giải pháp hỗ trợ thiết thực nhất. Với truyền thống cần cù, chịu khó và biết thích nghi để phát triển, tôi tin rằng, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh sẽ vượt qua để vươn lên phát triển.
 
Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Quảng Ngãi Vi Nhất Trường: "Đại dịch Covid-19 là "cú sốc" đối với DN"
 
Dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trên địa bàn tỉnh. Đây thực sự là “cú sốc” đối với tất cả các DN, khi con số DN phá sản, ngưng hoạt động trong 3 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh tăng cao. Nhưng đó cũng là khởi đầu cho thử thách “sức bền” của các DN. Điều này đòi hỏi các DN trên địa bàn tỉnh cần nhanh chóng thích nghi và thay đổi quan điểm kinh doanh, nhìn nhận thị trường và triển khai phương hướng làm ăn phù hợp cho giai đoạn tới.
 
Hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh từng trải qua một số “va đập” trên thương trường, song đợt đại dịch Covid-19 này mới thực sự là đón giáng chí mạng. Tôi cho rằng, đây cũng là cơ hội sàng lọc DN. Anh nào làm ăn chân chính, có nền tảng tốt thì sẽ vượt qua, còn anh nào làm ăn chụp giật thì sẽ phải rút ra bài học xương máu. Trong cái khó hiện nay không hẳn sẽ “bịt” tất cả mọi hướng đi, mà đây cũng là cơ hội cho những DN có tầm nhìn chiến lược. Nhưng để cộng đồng DN sống được, nhất là đối với nhóm DN vừa và nhỏ, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương cần sớm triển khai các chính sách, gói hỗ trợ theo chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, tỉnh cần có những chính sách hỗ trợ về nguồn nhân lực, đất đai, cải cách thủ tục hành chính...
 
 
 T.Nhị - L.Đức 
(thực hiện)
 

.