Doanh nghiệp "gồng mình" trong mùa dịch Covid-19

09:04, 06/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Theo phản ánh của nhiều chủ doanh nghiệp (DN), với diễn biến của dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, hoạt động của các DN, hộ sản xuất, kinh doanh đang gặp rất nhiều khó khăn.
“Căng mình” vì dịch
 
Một trong những DN bị ảnh hưởng khá nặng do tác động của dịch Covid-19 là Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR)- đơn vị quản lý vận hành Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất, bởi nhu cầu xăng dầu trên thế giới và trong nước giảm rất mạnh. Các khách hàng của BSR gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, nên lượng xăng dầu bán ra giảm từ 30 - 40% so với cùng kỳ các năm trước, trong đó nhiên liệu bay Jet A1 có mức giảm sâu nhất. 
 Kỹ sư vận hành tại Phòng Điều khiển trung tâm Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.                      ẢNH: P.D
Kỹ sư vận hành tại Phòng Điều khiển trung tâm Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. ẢNH: P.D
Theo hợp đồng kỳ hạn năm 2020, khối lượng xăng dầu BSR giao mỗi tháng cho các khách hàng vào khoảng 634.000m3, gồm 302.000m3 xăng 95/92; 272.000m3 dầu DO và 60.000m3 nhiên liệu bay Jet A1. Tuy nhiên, do dịch Covid-19, xăng dầu của BSR tồn kho cũng đang có xu hướng tăng nhanh. Riêng sản phẩm LPG và hạt nhựa PP, nhiều khách hàng cũng đề nghị giảm sản lượng nhận hàng và giãn thời gian giao, nhận hàng.
 
Tổng Giám đốc BSR Bùi Minh Tiến cho biết: Đứng trước khó khăn, BSR đang nỗ lực nghiên cứu, áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ. Chúng tôi đang tích cực làm việc với từng khách hàng, đưa ra các giải pháp, chính sách hỗ trợ để tối đa hoá khả năng tiếp nhận hàng hoá của khách hàng. Đồng thời, từng bước điều chỉnh giảm công suất của NMLD Dung Quất để phù hợp với sức chứa của nhà máy và khả năng tiếp nhận của khách hàng. Phương án gửi hàng hoá tại tổng kho của các đầu mối phân phối lớn cũng đã được nghiên cứu và triển khai khi thị trường tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu.
 
Không chỉ BSR, từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN trên địa bàn tỉnh cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa, hoặc do thiếu nguyên liệu nên chỉ sản xuất cầm chừng. Với một số dự án lớn đang triển khai, do thiếu nguồn nhân lực là chuyên gia nước ngoài nên chậm tiến độ...
“Cục Thuế đã phân công công chức theo dõi từng DN, phân tích tình hình sản lượng tiêu thụ, sản lượng tồn kho, giá bán đầu ra, chi phí để đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với DN, nhất là DN trọng điểm, có số thu lớn như BSR, Công ty CP Thép Hòa Phát - Dung Quất... Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị có liên quan nắm bắt thông tin các DN thuộc ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp như nhập khẩu, thương mại, du lịch, DN có sử dụng lao động là người nước ngoài thực hiện các dự án lớn tại KKT Dung Quất để dự báo mức độ ảnh hưởng”.
 
Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh NGUYỄN VĂN TIẾP
Nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp
 
Trước tình hình khó khăn do tác động của dịch Covid-19 gây ra, thời gian qua, một số DN đã gửi văn bản kiến nghị. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan tạo điều kiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN. Trong đó, Công ty TNHH MTV Vinacem xin được vay vốn từ nguồn Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh, hoặc các nguồn vốn vay ưu đãi khác để phục vụ sản xuất kinh doanh. Công ty TNHH Giống cây trồng miền Trung thì đề nghị tỉnh có ý kiến để các ngân hàng trên địa bàn tỉnh hỗ trợ giảm lãi vay cho DN. Còn Công ty CP Nông sản thực phẩm đề nghị các ngân hàng mở rộng hạn mức vay ngắn hạn để duy trì sản xuất của các nhà máy mì. Ngoài ra, một số DN kiến nghị tỉnh chấp thuận cho phép sử dụng lao động người nước ngoài; miễn, giảm, gia hạn nộp thuế...
 
Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nguyễn Văn Tiếp cho hay: Hiện nay, Cục Thuế tỉnh đang hướng dẫn DN, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại bởi dịch Covid-19 lập hồ sơ, gửi thủ trưởng cơ quan quản lý thuế trực tiếp đề nghị miễn tiền chậm nộp, gia hạn nộp thuế. Đặc biệt là các DN, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt may; điện tử, máy vi tính; vận tải, kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải; dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức du lịch.
 
Đối với các trung tâm thương mại, các chợ có đơn xin giảm thuế tập thể, chi cục thuế ở các địa phương khảo sát doanh thu theo từng ngành nghề, xin ý kiến tư vấn thuế của hội đồng tư vấn thuế, ban quản lý chợ để thực hiện theo đúng thực tế. Đối với các cá nhân kinh doanh riêng lẻ có đơn xin giảm thuế khoán do thay đổi doanh thu vì tác động của dịch, Cục Thuế tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ giảm thuế của cá nhân kinh doanh. Những đối tượng nào tạm ngừng kinh doanh sẽ được giảm thuế trong thời gian đó; hộ kinh doanh nào bị ảnh hưởng với mức độ biến động doanh thu giảm trên 50% sẽ được điều chỉnh mức thuế cho phù hợp...
 
Hiện nay, Cục Thuế tỉnh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Quản lý thuế về gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp đến người nộp thuế. Đồng thời, chủ động triển khai hệ thống hỗ trợ, hướng dẫn người nộp thuế bị thiệt hại do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lập hồ sơ, thủ tục và kịp thời xử lý gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp theo thẩm quyền cho người nộp thuế đúng quy định hiện hành của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đối với những trường hợp vượt thẩm quyền, Cục Thuế tỉnh sẽ lập văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ báo cáo về Tổng cục Thuế để xem xét xử lý hoặc báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét quyết định.
 
P.DANH - H.HOA
 
 
 
 

.