Hỗ trợ doanh nghiệp "vượt" dịch Covid-19: Cần giải pháp tổng thể

03:03, 21/03/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng đến nền kinh tế của Việt Nam và các nước trên thế giới, với những con số khá cụ thể. Để thực hiện được mục tiêu vừa chống dịch, vừa chống suy thoái doanh nghiệp (DN), giữ vững sản xuất, ổn định đời sống người lao động, các cấp, ngành cần có giải pháp tổng thể.
Đồng loạt giảm lãi suất
 
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế trên phạm vi toàn cầu, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4.3.2020 triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội... 
 
Ngân hàng đảm bảo thanh khoản tốt, đáp ứng nhu cầu vốn của các cá nhân, doanh nghiệp. Ảnh: H.Hoa
Ngân hàng đảm bảo thanh khoản tốt, đáp ứng nhu cầu vốn của các cá nhân, doanh nghiệp. Ảnh: H.Hoa
 
Để phù hợp với kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính quốc tế và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ ngày 17.3.2020. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6% xuống 5%; lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) giảm từ 4% xuống 3,5%; trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5% xuống 4,75%; lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên từ 6% xuống 5,5%; lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc là 1%...
 
Nhập cuộc với các giải pháp của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn Quảng Ngãi đã thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng về mức trần 4,75%/năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Các kỳ hạn dưới 1 tháng cũng được đưa về mức 0,5%/năm.
 
Giám đốc Vietcombank Quảng Ngãi Võ Văn Linh cho biết: Bắt đầu từ ngày 17.3, Vietcombank Quảng Ngãi đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng xuống 4,3%/năm, kỳ hạn 3 tháng xuống 4,7%/năm, giảm 0,1% so với trước đó. Trước đó, Vietcombank Quảng Ngãi cũng đã giảm lãi suất từ 1 - 1,5% đối với dư nợ vay Việt Nam đồng ngắn hạn và trung, dài hạn; giảm lãi suất 0,5 - 0,75%/năm đối với dư nợ vay USD ngắn hạn,  trung, dài hạn, nhằm hỗ trợ DN bị ảnh hưởng dịch do dịch Covid-19 gây ra.
 
Một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi. Đơn cử như LienVietPostBank giảm tới 0,4% đối với lãi suất kỳ hạn từ 1 - 2 tháng; kỳ hạn 3 tháng đến dưới 5 tháng, lãi suất huy động chỉ còn 4,8%/năm, giảm 0,2%. Tương tự, TPBank cũng điều chỉnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng về mức tối đa 4,7%/năm. So với bảng lãi suất huy động đầu tháng 3, ngân hàng này đã giảm tới 0,25 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng. Tại Sacombank Quảng Ngãi, lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng cũng được ngân hàng này điều chỉnh dao động từ 4,3% đến 4,7% tùy thuộc vào kỳ hạn gửi, giảm mạnh so với mức 4,9 - 5%/năm áp dụng trước đó.
 
Theo các chuyên gia ngành tài chính, ngân hàng, việc điều chỉnh lãi suất huy động nhằm cơ cấu lại nguồn vốn. Do trước đó, một số ngân hàng đã chủ động huy động đủ vốn để đáp ứng quy định về an toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước theo quy định mới, nên không có áp lực huy động vốn tại thời điểm này. Đây cũng là giải pháp vừa tự cứu mình là ngăn chặn nợ xấu tăng và chia sẻ khó khăn cho khách hàng, là giải pháp tốt cho nền kinh tế.
 
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Quảng Ngãi, tính đến hết tháng 2.2020, dư nợ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh là 2.563 tỷ đồng, với 54 khách hàng; dư nợ được ngân hàng miễn giảm lãi vay trên 211 tỷ đồng; cho vay mới trong tháng 2 trên 175 tỷ đồng.
 
Cần giải pháp tổng thể
 
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, ngành ngân hàng đang tích cực triển khai các gói tín dụng chia sẻ khó khăn với các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với tổng giá trị dự kiến lên tới 285.000 tỷ đồng. Cụ thể, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đăng ký hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng, Ngân hàng NN&PTNT: 100 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Quân đội: 35.000 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Á Châu: 15.000 tỷ đồng... Hiện các gói tín dụng này đang được các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh đưa vào triển khai thực hiện theo quy định chung của từng hệ thống ngân hàng. 
 
Tình hình sản xuất, tiêu thụ nguyên liệu mì của Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi đang gặp nhiều khó khăn.         Ảnh: P.Danh
Tình hình sản xuất, tiêu thụ nguyên liệu mì của Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: P.Danh
 
Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều DN ở Quảng Ngãi cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, nỗi lo lớn nhất của DN là thị trường hàng hóa bị ngưng trệ. Không bán được hàng, không có doanh thu, nợ ngân hàng sẽ khó trả. Vì vậy, nhu cầu cấp thiết nhất của DN trong lúc này chính là tái cơ cấu lại nợ, giãn nợ để DN tránh rơi vào nợ xấu.
 
Mới đây, tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu các DN báo cáo về tình hình khó khăn, hàng tồn kho để có giải pháp hỗ trợ trong thời gian tới. Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi đã báo cáo cụ thể về 110.000 tấn tinh bột mì tồn kho của 15 nhà máy trực thuộc, trong đó có 20.000 tấn đã xuất đi từ trước tết Canh Tý 2020, nhưng đến nay vẫn còn lênh đênh trên biển, không cập cảng được. Tình hình này khiến hoạt động của công ty rất khó khăn, có thể sẽ đóng cửa nhà máy vào cuối tháng 3 này.
 
Còn theo thông tin từ Cục Hải quan tỉnh, thời gian gần đây, lượng tờ khai hàng hóa xuất, nhập khẩu giảm từ 30 - 50%, đồng nghĩa với việc hoạt động xuất khẩu giảm tương ứng. Không chỉ DN xuất khẩu thu hẹp sản xuất, mà cả những DN nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài để sản xuất cũng nằm trong tình trạng này. Quy luật tất yếu, khi hoạt động của nhiều DN bị ngừng trệ, thậm chí dừng hẳn, vì thị trường hàng hóa ngưng trệ, sẽ dẫn đến nhu cầu vay vốn giảm. Gói tín dụng hỗ trợ lớn sắp triển khai thực tế chỉ có tác dụng khi thị trường hồi phục. Vì thế, tại thời điểm này, bên cạnh những gói tín dụng lãi suất thấp, cách tốt nhất là các ngân hàng nên xem xét miễn, giảm lãi vay với dư nợ hiện tại cho DN.
 
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 01/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Song, hiện nay việc cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi đối với các khoản dư nợ của DN tại một số ngân hàng vẫn chưa đi vào thực tiễn. Chính vì vậy, các ngân hàng cần tích cực thực thi chính sách, giúp DN vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh. 
 
Công nhân Nhà máy May Vinatex Dung Quất trong ca sản xuất.                                  Ảnh: T. Nhị
Công nhân Nhà máy May Vinatex Dung Quất trong ca sản xuất. Ảnh: T. Nhị
 
Đối với gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, chủ trương của Chính phủ đã có, vì vậy các DN mong muốn cơ quan thuế sớm đánh giá mức độ thiệt hại của DN và hộ kinh doanh, trên cơ sở đó đề xuất các chính sách, loại thuế nào cần giảm, phương án giảm cụ thể... nhằm hỗ trợ kịp thời cho các DN khắc phục thiệt hại do dịch Covid-19.
 
Lo thiếu nguyên liệu sản xuất
 
Theo Giám đốc Nhà máy May Vinatex Dung Quất Nguyễn Thanh An, thông tin dịch bệnh đang ngày càng dồn dập khiến DN rất khó tính toán cho dự án mới ngay lúc này. Nhà máy đang tập trung sản xuất theo các đơn hàng đã ký kết, với lượng nguyên phụ liệu đầu vào còn dự trữ trong kho. Điều quan trọng nhất đối với DN trong lúc này là sản xuất được ổn định, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Nếu tình hình dịch kéo dài, chắc chắn sẽ có không ít DN muốn sản xuất cũng không có nguyên liệu đầu vào, hoặc muốn bán hàng thì không có đầu ra.
 
T.NHỊ - H.HOA
 
 
 
 
 
 

.