Doanh nghiệp khó khăn vì dịch Covid-19

09:03, 17/03/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (Covid-19) đã và đang diễn biến phức tạp, tác động đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt là ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh.
Doanh nghiệp gặp khó
 
Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi (APFCO) là một trong những DN bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19. Công ty đang gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tinh bột sắn, bởi thị trường Trung Quốc đóng cửa. APFCO hiện có 15 nhà máy tinh bột sắn trong và ngoài nước, hằng năm sản xuất 400 - 420 nghìn tấn tinh bột sắn; tiêu thụ củ sắn tươi của nông dân từ 1,4 - 1,5 triệu tấn/năm.
 
Trong đó, tại Quảng Ngãi sản xuất khoảng 60 nghìn tấn/năm, tiêu thụ 200 nghìn tấn sắn tươi cho nông dân. Thị trường tiêu thụ của sản phẩm tinh bột sắn chủ yếu là Trung Quốc (chiếm 70%), còn lại là các thị trường Đài Loan, Nhật Bản và nội địa. 
 
Xuất khẩu sản phẩm thép tại cảng Hòa Phát Dung Quất.
Xuất khẩu sản phẩm thép tại cảng Hòa Phát Dung Quất.
 
Gần 2 tháng qua, công ty chỉ xuất bán khoảng 30% sản lượng đến các thị trường ngoài Trung Quốc. Tính từ đầu tháng 2 đến nay, APFCO chỉ sản xuất khoảng 70% công suất, trong khi hiện nay các nhà máy của công ty đều trong thời điểm chính vụ nguyên liệu.
 
Riêng vùng nguyên liệu trong tỉnh hiện còn khoảng 3.500ha mì đứng, thời gian thu hoạch hằng năm là đến hết tháng 4, để kịp trồng lại trước mùa nắng. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên công ty chỉ có thể sản xuất đến khoảng giữa tháng 3.2020. Vì vậy, ngoài việc người dân tiêu thụ cho các lò sản xuất thủ công trong tỉnh thì có nguy cơ 1.000 - 1.500ha (khoảng 18 - 25 nghìn tấn sắn tươi) không có nơi tiêu thụ và bị lỡ vụ trồng mới.
 
Do tình hình tiêu thụ và sản xuất bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh, lượng hàng tồn kho của công ty lên đến 80 nghìn tấn, trong đó tại Quảng Ngãi là 8.000 tấn. Dự kiến, đến giữa tháng 3.2020, lượng hàng tồn khoảng 110.000 tấn, trong đó tại Quảng Ngãi khoảng 12.000 tấn tinh bột sắn.
 
Khâu tiêu thụ bị đình trệ, lượng hàng tồn kho cao nên APFCO đang gặp khó khăn về nguồn vốn để duy trì sản xuất, hiện phải huy động từ khách hàng, cán bộ công nhân viên công ty... Bên cạnh đó, công ty cũng đang kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ngành của tỉnh đề nghị các ngân hàng BIDV, Vietcombank và Vietinbank Quảng Ngãi xem xét mở rộng hạn mức vay ngắn hạn để công ty duy trì thu mua nguyên liệu cho người dân đến ngày 30.4.2020. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND TP.Quảng Ngãi thanh toán khoản tiền bàn giao chợ Quảng Ngãi còn lại cho công ty là 23 tỷ đồng để giảm bớt khó khăn về vốn.
 
Hàng hóa ứ đọng
 
Theo lãnh đạo Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi, hiện nay có khoảng 20 nghìn tấn tinh bột sắn vận chuyển theo đơn hàng trước tết Nguyên đán chưa được xuất khẩu, còn lênh đênh trên tàu biển và sà lan ở cảng Móng Cái (Quảng Ninh). Bên cạnh đó, các hoạt động xuất khẩu chính ngạch bằng container sang Trung Quốc đến các cảng khác đều bị tạm dừng.
Nhiều ngành kinh tế giảm sút
 
Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Thị Mỹ Ái cho biết: Dịch Covid-19 xảy ra trong thời gian qua đã tác động đến tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, trong đó tác động chính đến các lĩnh vực: Du lịch, dịch vụ, thương mại, tiêu dùng, vận tải, xuất nhập khẩu. Một số DN, đặc biệt là các DN nhỏ của tỉnh gặp khó khăn về nguồn thu trong khi vẫn phải trả lãi vay cho ngân hàng. Các sàn giao dịch việc làm dự kiến tổ chức sau tết Nguyên đán Canh Tý đều bị tạm hoãn, làm mất đi cơ hội tìm kiếm việc làm của số người đang thất nghiệp...  
Tình hình sản xuất, tiêu thụ nguyên liệu mì của Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi đang gặp khó khăn.
Tình hình sản xuất, tiêu thụ nguyên liệu mì của Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi đang gặp khó khăn.
Trước tình hình khó khăn về tiêu thụ hàng nông sản trên địa bàn tỉnh, UBND các huyện, thành phố đang đề nghị tỉnh quan tâm, tìm giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người nông dân, hoặc có cơ chế, chính sách hỗ trợ thiệt hại cho nông dân để bà con an tâm phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
 
Hiện nay, toàn tỉnh có 33 dự án có yếu tố Trung Quốc, dưới tác động của dịch Covid-19, các nguồn nguyên liệu cần thiết phục vụ sản xuất rất hạn chế, đầu ra sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn. Cùng với đó, khoảng hơn 1.000 người lao động Trung Quốc không thể trở lại Quảng Ngãi để làm việc tại các DN, dự án (Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất, một số dự án tại KCN VSIP Quảng Ngãi), do bị tạm ngưng nhập cảnh, vì vậy hoạt động của các nhà máy sản xuất bị trì trệ, việc thi công các dự án bị gián đoạn, chậm tiến độ đề ra, gây thiệt hại cho các DN.
 
Với tinh thần đồng hành, hỗ trợ DN, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh gửi văn bản đến các DN trên địa bàn đề nghị báo cáo những khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị trong hoạt động sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây ra để xem xét tháo gỡ cho DN trong thời gian đến.
Xuất, nhập khẩu ảnh hưởng không đáng kể
 
Trong 2 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 80,6 triệu USD, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2019; kim ngạch nhập khẩu khoảng 79,7 triệu USD, tăng 19,6%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh không bị ảnh hưởng đáng kể bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số DN (như Doosan Vina) gặp khó khăn trong quá trình làm thủ tục hải quan, do Chính phủ Trung Quốc kéo dài kỳ nghỉ tết đến hết ngày 9.2.2020 và hiện tại các nhà xuất khẩu Trung Quốc vẫn chưa xin cấp được giấy chứng nhận hàng hóa mẫu E (C/O mẫu E) để gửi cho nhà nhập khẩu Việt Nam theo đúng thời hạn quy định.
 
 
 Bài, ảnh: PHẠM DANH
 
 
 
 

.