Nợ xấu ngân hàng đang tăng

10:11, 11/11/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Doanh nghiệp làm ăn khó khăn, ngư dân vay vốn đóng tàu đánh bắt kém hiệu quả, ngành chăn nuôi gặp sự cố dịch bệnh tả heo Châu Phi... đã gây khó cho việc thu hồi nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng. Hiện nay, tình trạng nợ xấu gia tăng đã gây áp lực lên các ngân hàng.
TIN LIÊN QUAN

Gặp khó vì "tàu 67"

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và UBND tỉnh, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai những giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho ngư dân như cơ cấu nợ, chấp thuận một thời gian trả chậm, cho vay vốn lưu động.
 Tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67 nằm bờ, ngư dân không có khả năng trả nợ, khiến nợ xấu ngân hàng tăng.
Tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67 nằm bờ, ngư dân không có khả năng trả nợ, khiến nợ xấu ngân hàng tăng.
Ngân hàng cũng đã làm việc với từng khách hàng để xác định lộ trình trả nợ quá hạn, tuy nhiên việc thu hồi nợ vẫn gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ dù ngân hàng cơ cấu lại khoản nợ cho khách hàng, nhưng khi biết khoản nợ cơ cấu lại không được hỗ trợ lãi suất, nhiều chủ tàu không chấp nhận cơ cấu lại, không hợp tác, không mua bảo hiểm khi đã hết hạn bảo hiểm; có tư tưởng trông chờ Nhà nước xóa nợ. Một số chủ tàu có các nguồn thu khác để trả nợ, nhưng vẫn không đồng ý trả nợ ngân hàng.

Không còn giải pháp nào khác, các ngân hàng đã khởi kiện các chủ tàu ra tòa. Song đến nay, tình trạng trả nợ của các chủ tàu vẫn không mấy khả quan. Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Quảng Ngãi cho biết: Trong số các chủ tàu mà ngân hàng khởi kiện hiện chỉ có một chủ tàu trả nợ. Điều này khiến công tác thu hồi nợ của ngân hàng gặp nhiều khó khăn.

Theo đánh giá của ngành ngân hàng, trong số 11 tàu vỏ thép trên địa bàn tỉnh đóng mới theo Nghị định 67, thì có đến 10 chiếc đã rơi vào tình trạng nợ xấu, hoặc gặp khó trong khả năng trả nợ. Hiện chỉ có 1 chiếc là “sống được”, nhưng cũng nhờ chủ tàu có kinh doanh ngành nghề khác nên bù vào. Ngoài ra, hàng chục chiếc tàu vỏ gỗ cũng làm ăn kém hiệu quả, nên không có khả năng trả nợ ngân hàng.

Đến ngày 30.10.2019, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã ký hợp đồng tín dụng cho vay vốn 64 tàu theo Nghị định 67, dư nợ 338 tỷ đồng, nợ xấu 105 tỷ đồng, chiếm 30% tổng dư nợ. Các khoản vay và nợ xấu tập trung ở BIDV Quảng Ngãi, Vietcombank Quảng Ngãi và đang có chiều hướng lan ra một số chi nhánh khác.
Nợ xấu vượt mức cho phép

Đến cuối tháng 10.2019, tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh đạt 49 nghìn tỷ đồng, nợ xấu 3,02% (mức cho phép của Ngân hàng Nhà nước là 3%). Trước tình trạng trên, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo cho ngành ngân hàng tỉnh chỉ đạo các ngân hàng thương mại siết chặt cho vay đối với các lĩnh vực nhiều rủi ro như kinh doanh bất động sản, cho vay đầu tư chứng khoán... Song do nhiều nguyên nhân, nợ xấu vẫn tiếp tục tăng.

Về lĩnh vực nông nghiệp, những năm qua, giá cả bấp bênh cùng với dịch bệnh bùng phát, khiến người chăn nuôi gặp khó, kéo theo nợ ngân hàng. Cụ thể, trong đợt dịch tả heo Châu Phi vừa qua, toàn tỉnh có 67 tỷ đồng đã được xếp vào diện nợ quá hạn. Đối với cho vay phát triển kinh tế biển, ước có khoảng 2.000 tỷ đồng cho vay đang gặp khó trong công tác thu nợ.

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hồ Bân cho biết: Những năm trước, Ngân hàng Nhà nước đã cảnh báo về mức độ rủi ro đối với cho vay kinh tế biển. Tuy nhiên, theo Luật Các tổ chức tín dụng quy định, các tổ chức tín dụng được quyền kinh doanh, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước kết quả hoạt động kinh doanh của mình. Vì vậy, nhận thấy đầu tư vào ngành nghề kinh tế biển, kết hợp với chính sách của Nhà nước khuyến khích có hiệu quả, nên các ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay lĩnh vực này, dẫn đến nợ xấu ngày càng tăng.

Mục tiêu của ngành ngân hàng là đưa tổng nợ xấu về dưới 3% vào năm 2020. Tuy nhiên, trước tình trạng nợ “leo thang” như hiện nay, xem ra để thực hiện được mục tiêu này, ngành ngân hàng cần phải có những giải pháp kiểm soát và thu hồi nợ hữu hiệu hơn.

Bài, ảnh: HỒNG HOA

 

.