Thực hiện Nghị định 17 của Chính phủ: Gỡ chỗ này, vướng chỗ kia

10:09, 05/09/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, thực hiện Nghị định 17 của Chính phủ (Nghị định 17), đến thời điểm này, UBND tỉnh đã phê duyệt đóng mới 10 chiếc tàu composite. Tuy nhiên, hiện chỉ có 2 chiếc tàu hoàn thành đưa vào sử dụng, số còn lại chưa tiến hành các thủ tục đóng mới.
TIN LIÊN QUAN

Tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ ngư dân

“Năm 2017, việc triển khai thực hiện Nghị định 17 gặp rất nhiều khó khăn vì ngư dân trên địa bàn tỉnh không đủ nguồn lực để ứng vốn đóng mới tàu”, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) Phùng Đình Toàn cho biết. Theo Nghị định 67, khi đóng mới tàu công suất lớn, chủ tàu chỉ cần đảm bảo 5% tổng giá trị đầu tư chiếc tàu, số còn lại (95%) ngân hàng thương mại sẽ giải ngân cho vay, nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất theo từng năm. Tuy nhiên, theo Nghị định 17 thì chủ tàu phải bỏ ra 100% kinh phí đóng mới tàu cá, sau đó nhà nước sẽ hỗ trợ 1 lần, nhưng định mức tối đa không quá 8 tỷ đồng/tàu. Cụ thể, tàu cá có tổng công suất máy chính từ 800CV đến dưới 1.000CV, chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới, nhưng không quá 6,7 tỷ đồng/tàu; tàu cá có tổng công suất máy chính từ 1.000CV trở lên, chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới, nhưng không quá 8 tỷ đồng/tàu.
Tàu Trúc Thủy Ngân, công suất 829CV vừa hạ thủy đầu tháng 7.2019.
Tàu Trúc Thủy Ngân, công suất 829CV vừa hạ thủy đầu tháng 7.2019.
So với Nghị định 67, Nghị định 17 được đánh giá là có nhiều ưu điểm hơn, nhất là việc hỗ trợ một lần sau đầu tư sẽ giúp ngư dân toàn quyền sử dụng và chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động của chiếc tàu. Vì vậy, để ngư dân mạnh dạn tham gia đóng mới tàu theo Nghị định 17, ngành nông nghiệp chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với chính quyền các địa phương tập trung tuyên truyền sâu rộng nội dung, cũng như những chính sách hỗ trợ; tăng cường hướng dẫn và hỗ trợ ngư dân trong quá trình thực hiện các thủ tục, hồ sơ. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh kiến nghị với trung ương điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp, giúp ngư dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn này.

Đến giữa năm 2019, số hồ sơ xin đóng mới tàu composite theo Nghị định 17 trên địa bàn tỉnh là 10 chiếc, tăng 8 chiếc so với đầu năm 2018. “Nếu ngư dân tính toán cẩn thận nguồn lực đầu tư, ngành nghề sản xuất, hiệu quả sử dụng, thì Nghị định 17 sẽ giúp bà con chủ động hơn trong việc đóng mới tàu công suất lớn”, đại diện chủ tàu composite Trúc Thủy Ngân, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) lý giải.

Rào cản từ phía ngân hàng

Để đóng mới tàu cá, hầu hết ngư dân đều trông cậy vào nguồn vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, khác với Nghị định 67, hầu hết các ngân hàng thương mại đều siết chặt việc vay vốn đóng mới tàu theo Nghị định 17. “Nghị định 17 hỗ trợ tối đa 35% tổng giá trị chiếc tàu, nên một số chủ tàu đăng ký vay 30% tổng giá trị đầu tư chiếc tàu, nhưng ngân hàng vẫn chưa chấp thuận. Vì vậy, nhiều ngư dân không xoay được nguồn vốn đầu tư, đành gác lại ước mơ sở hữu tàu composite công suất lớn”, Giám đốc Công ty TNHH MTV Minh Quang Đỗ Ngọc Vinh cho biết.

Nguyên nhân khiến các ngân hàng thương mại “ngại” cho ngư dân vay vốn đóng mới tàu theo Nghị định 17 là lo phát sinh nợ xấu. Bởi thực tế, trong số 64 tàu cá (11 tàu vỏ thép, 52 tàu vỏ gỗ và 1 tàu vỏ composite) vay vốn theo Nghị định 67, hiện có 6 tàu vỏ thép và hàng chục tàu gỗ công suất lớn phải nằm bờ do làm ăn thua lỗ, nên nhiều chủ tàu không trả được nợ cho ngân hàng. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng thương mại cũng đang loay hoay với khoản nợ trên 1.000 tỷ đồng (trong đó có trên 60% nợ xấu và gần xấu) cho ngư dân vay vốn đóng mới tàu hành nghề lưới kéo.

Trước "khúc mắc" này, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục theo dõi, kiểm tra việc trả nợ của các chủ tàu đã vay ở các ngân hàng thương mại để đóng mới tàu cá (kể cả những tàu không theo Nghị định 67 và  Nghị định 17). Từ đó, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, tham mưu UBND tỉnh có giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện để ngư dân tiếp cận các chính sách, yên tâm bám biển.

Bài, ảnh: MỸ HOA


 

.