Mỏi mòn với dự án 'treo'

05:04, 26/04/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhà xuống cấp đổ sập, nhưng không được sửa chữa; con cái lập gia đình ở riêng, nhưng không thể làm nhà để ở; không thể mua bán, chuyển nhượng khi có nhu cầu... Đó là cuộc sống của hơn 100 hộ dân, với hàng trăm nhân khẩu ở phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) bị ảnh hưởng bởi Dự án Khu thương mại dịch vụ Vina Universal Paradise (DA).

TIN LIÊN QUAN

Đã 10 năm trôi qua, những hạng mục đồ sộ mà dự án Vina Universal Paradise, do Tập đoàn Tân Tạo vẽ ra vẫn "nằm trên giấy"; còn cuộc sống của người dân trong vùng DA thì ngày càng khó khăn...

Dự án nghìn tỷ nằm trên giấy

Dự án Vina Universal Padarise Sơn Tịnh được cấp chứng nhận đầu tư năm 2008, với tổng vốn đăng ký đầu tư 1.196 tỷ đồng, quy mô 56,5ha. Ngay sau khi được cấp chủ trương đầu tư, Tập đoàn Tân Tạo tiến hành đền bù khoảng 4,6ha đất trồng lúa của người dân và tiến hành đổ đất, san nền, tạo quỹ đất để bố trí tái định cư và khai thác quỹ đất.

Khu dân cư nghèo dưới chân núi Long Đầu trở nên nhộn nhịp, với hàng trăm phương tiện cơ giới liên tục thi công. Người dân trong vùng DA háo hức, vì từ nay sẽ không còn sống trong cảnh chật vật nữa, mà sẽ về khu tái định cư khang trang hơn. Nhưng rồi, niềm vui đó không được kéo dài, vì nhà đầu tư ngừng thi công cho đến nay.

Ông Trần Minh Thuận mệt mỏi vì phải sống trong vùng quy hoạch treo suốt 10 năm qua.
Ông Trần Minh Thuận mệt mỏi vì phải sống trong vùng quy hoạch treo suốt 10 năm qua.


Người dân bức xúc, kiến nghị các cấp chính quyền từ cơ sở đến tỉnh, nhưng rồi đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Lãnh đạo Tập đoàn Tân Tạo đã viện dẫn đủ lý do để kéo dài DA, kể cả việc xin chuyển nhượng DA.

Khổ vì dự án "treo"

Tuyến đường bê tông dẫn từ đường Nguyễn Văn Linh về xóm Kèo Ngựa chỉ đến chân núi là hết. Đoạn đường còn lại là một dốc núi, đường đất nham nhở. Hai bên là những trụ điện mắc hàng chục dây điện sà sát mặt đường. Những ngôi nhà ẩm thấp nằm khuất giữa những rừng cây hoang vắng. Dạo một vòng quanh các khu dân cư là hình ảnh những ngôi nhà đổ sập, xóm làng hiu quạnh.

Trở về nhà sau một ngày phát dọn rẫy để trồng keo trên núi Long Đầu, ông Lê Minh Kỳ, tổ dân phố Liên Hiệp 1C bức xúc: Năm 2009, Tập đoàn Tân Tạo thu hồi hết đất ruộng, đền bù 1 sào (500m2) 80 triệu đồng, kèm theo đó là hứa sẽ tạo điều kiện sống tốt nhất cho người dân trong vùng, kể cả việc làm sau này. Nhưng từ đó đến nay, cái mà người dân nhận được là sự im lặng của chủ đầu tư.

“Mấy năm nay, nhà cửa xuống cấp, nhưng không sửa chữa, hay làm mới được, vì vướng quy hoạch. Nhà này giờ sửa lại thì chẳng khác nào xây mới, vì đụng đâu sập đến đó. Mảnh vườn hơn 1.000m2 bị vướng quy hoạch, nên không thể tách thửa bán, hay chia cho con làm nhà để ở, dù quyền sở hữu đất của gia đình tôi là hợp pháp. Nhiều gia đình trong vùng DA vì bức bách chỗ ở cho con nên đành xây nhà "lụi" trên chính đất của mình”, ông Trần Minh Thuận (71 tuổi), một hộ dân có đất trong vùng DA bức xúc.

Còn ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Nhiều thì bị cây cỏ phủ rợp, gần như muốn đổ sập bất cứ lúc nào. Bà Nhiều cho biết: Mảnh vườn rộng 1.300m2, muốn chia cho các con cũng không được, trong khi các con lập gia đình phải đi thuê nhà để ở. Năm rồi, tôi bị bệnh, đi viện điều trị thiếu tiền phải vay mượn khắp nơi, giờ muốn bán một ít đất để trả nợ cũng không được.

Nhiều gia đình không còn đất ruộng, nhà cửa sập xệ cũng đành bỏ vào Nam mưu sinh. Ngay đầu dốc, căn nhà của bà Nguyễn Thị Dự, một bên mái đổ sập một nửa, một nửa còn lại thì chờ sập. “Từ ngày đất trồng lúa bị thu hồi, tôi chuyển sang đi mua phế liệu để sống. Nhà rách nát thế này, nhưng không có tiền để sửa, mà có sửa cũng khó, vì vướng quy hoạch. Mong sao được đền bù, rồi về khu tái định cư, chứ sống cảnh này mệt mỏi lắm”, bà Dự nói.

Cần sớm có quyết định xử lý

Trước những bức xúc của người dân, ngày 25.7.2017, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Văn Minh (nay là Bí thư Thành ủy Quảng Ngãi) đã có buổi làm việc với chủ đầu tư và “chốt” thời gian gia hạn cuối cùng để nhà đầu tư chuyển nhượng DA là đến 30.9.2017, sau mốc thời gian này nếu chủ đầu tư không thực hiện xong việc chuyển nhượng, UBND tỉnh sẽ chấm dứt DA, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Song, đến nay đã 32 tháng trôi qua mà chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện chỉ đạo của tỉnh.

Chủ tịch UBND phường Trương Quang Trọng Trương Thanh Thảo cho biết: DA treo quá lâu, phường cũng chỉ biết kiến nghị lên cấp trên, chứ không còn cách nào khác. Hàng trăm hộ dân sống khổ sở, điện, đường không đầu tư được, do vướng quy hoạch. Nhà đầu tư chây ì kiểu này thì khổ dân.

“Đề nghị UBND tỉnh quyết liệt yêu cầu nhà đầu tư hoàn thành việc chuyển nhượng DA để nhà đầu tư mới tiếp tục thực hiện.  Còn không thì UBND tỉnh thu hồi, xóa bỏ quy hoạch để người dân làm lại nhà để ở”, ông Thảo kiến nghị.

Cũng theo ông Thảo, trong 4,6ha đất mà chủ đầu tư thu hồi san nền, trong đó sẽ xây dựng 100 lô đất để tái định cư, số còn lại bán đất nền. Vừa qua, nhà đầu tư đã được cấp sổ đỏ 182 lô đất và tiến hành chuyển 72 lô cho người dân thông qua việc đặt cọc, với số tiền khoảng 12 tỷ đồng. Theo quy định, phải hoàn thiện hết DA thì mới được chuyển nhượng đất nền, nên trong quá trình chuyển nhượng DA, cơ quan công an đã yêu cầu dừng. Đối với 100 lô đất dự kiến để tái định cư đến nay vẫn chưa được cấp sổ đỏ.

Theo lãnh đạo Sở KH&ĐT, Tập đoàn Tân Tạo không đảm bảo năng lực tài chính để tiếp tục thực hiện DA, nên xin chuyển nhượng DA cho đối tác là một doanh nghiệp đến từ TP.Đà Nẵng. Song do DA không đủ điều kiện chuyển nhượng theo Luật Đầu tư, nên Sở không đồng ý tham mưu cho UBND tỉnh trong việc xử lý việc chuyển nhượng trên. Còn việc thu hồi DA, Sở sẽ tiếp tục có văn bản tham mưu UBND tỉnh để xử lý.                

Từng bị thu hồi 1 dự án

Trước đây, Tập đoàn Tân Tạo cũng được cấp phép đầu tư DA Khu Thương mại – Dịch vụ Vina Universal Paradise tại Sa Huỳnh (Đức Phổ), với quy mô 1.000ha, nhưng sau nhiều năm không triển khai đầu tư đúng cam kết, nên UBND tỉnh đã thu hồi DA.


    Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

 


.