Kiểm soát hoạt động tàu thuyền: Chồng chéo, lỏng lẻo

02:03, 26/03/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Toàn tỉnh có trên 5.500 chiếc tàu, trong đó có hơn 3.600 chiếc tàu có công suất từ 90CV trở lên. Tuy nhiên, vì thiếu phương tiện và nguồn nhân lực, nên công tác quản lý và kiểm soát hoạt động tàu thuyền chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

TIN LIÊN QUAN

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Lê Văn Sơn cho biết: Quảng Ngãi là tỉnh duy nhất ở khu vực miền Trung không có tàu phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát hoạt động tàu thuyền trên biển. Chính vì vậy, nhiệm vụ kiểm soát hoạt động tàu thuyền trên biển lẽ ra thuộc trách nhiệm của ngành nông nghiệp, nhưng phải... chuyển giao cho lực lượng biên phòng.

 Các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuyên truyền và kiểm tra việc chấp hành pháp luật của ngư dân.
Các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuyên truyền và kiểm tra việc chấp hành pháp luật của ngư dân.


Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có trên 1.500 chiếc tàu được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện tham gia đánh bắt hải sản xa bờ, được thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhiên liệu theo Quyết định 48 (QĐ 48). Tuy nhiên, một trong những điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ theo QĐ 48 là ngư dân không được hành nghề nhà nước cấm, hoặc nghề không được khuyến khích phát triển, như: Nghề lặn, nghề lưới kéo (giã cào).

Tuy nhiên, vì công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá lỏng lẻo, nên mới xảy ra tình trạng ngư dân đăng ký hành nghề được khuyến khích (như lưới câu, lưới rê, lưới vây...), để được hưởng chính sách theo QĐ 48, nhưng thực tế lại hoạt động nghề lưới kéo!

Bên cạnh đó, nhiều ngư dân trong tỉnh cũng đề nghị các ngành chức năng cần xem xét việc một tàu được đăng ký 2 – 3 máy. “Chẳng ai chạy cùng lúc 2 – 3 máy cho tốn nhiên liệu, trừ khi có sự gian lận, để trục lợi chính sách”, ngư dân V.Đ.H, xã Bình Châu (Bình Sơn) cho biết. Theo QĐ 48, công suất máy tàu càng lớn, số tiền hỗ trợ càng cao.

Cụ thể: Tàu có công suất từ 90 – 150CV được hỗ trợ 22 triệu đồng; từ 150 – 250CV được hỗ trợ 30 triệu đồng; từ 250 – 400CV hỗ trợ 55 triệu đồng; từ 400 – 700CV hỗ trợ 75 triệu đồng; từ 700CV trở lên hỗ trợ 100 triệu đồng. Vì vậy, nhiều trường hợp ngư dân gian lận, bằng cách đăng ký công suất máy tàu 700CV, nhưng chia làm 2 máy (một máy 300CV, một máy 400CV). Vì vậy, dù thực tế chỉ chạy 1 máy, nhưng chủ tàu lại được hỗ trợ 100 triệu đồng, thay vì 55 triệu đồng.

Để chấn chỉnh tình trạng này, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Đồn Biên phòng Sa Kỳ Lê Đình Trọng, kiến nghị: “Các ngành chức năng xem xét thay đổi cách quản lý và kiểm soát hoạt động tàu thuyền theo QĐ 48, để tránh chồng chéo”. Trong khi đó, Chi cục Thủy sản cũng kiến nghị UBND tỉnh xem xét đầu tư phương tiện và trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, đáp ứng các yêu cầu theo khuyến cáo của Ủy ban Châu Âu; đồng thời nghiên cứu Ban hành Quy định tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ theo QĐ 48, để nâng cao hiệu quả và trách nhiệm quản lý giữa các đơn vị liên quan.

Sẽ không hỗ trợ những chủ tàu gian lận, trục lợi chính sách

Mới đây, Chi cục Thủy sản đã phát hiện 4 trường hợp chủ tàu gian lận theo kiểu “một tàu vươn khơi mang theo 3 máy”. Vì vậy, Chi cục Thủy sản dừng xem xét hỗ trợ 2 chuyến biển cuối năm và không chi trả chi phí 2 chuyến biển đầu năm 2018 đối với cả 4 chủ tàu, với tổng số tiền trên 1,2 tỷ đồng. Riêng năm 2019, Chi cục Thủy sản tiếp tục không xem xét hồ sơ hỗ trợ nhiên liệu theo QĐ 48 đối với 4 chủ tàu này.


Bài, ảnh: THANH PHONG

 


.