Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Cơ hội chuyển dịch cơ cấu lao động

04:04, 01/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Không chỉ là “đòn bẩy” của tiến trình hiện đại hóa nông thôn, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn được xem là cơ hội để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

TIN LIÊN QUAN

Lao động nhiều, hiệu quả thấp

“Diện tích eo hẹp, không có kinh phí giải phóng mặt bằng là những rào cản trong việc thu hút doanh nghiệp về nông thôn. Việc chuyển dịch cơ cấu lao động vì thế cũng gặp rất nhiều khó khăn do phần lớn người dân sống nhờ nông nghiệp, số ít ly hương làm ăn xa”, ông Phan Thanh Trinh - Phó Chủ tịch UBND xã Hành Minh (Nghĩa Hành) nói về thực trạng kinh tế ở nông thôn. Cũng theo ông Trinh, chính việc khan hiếm doanh nghiệp ở nông thôn đã gây ra tình trạng “thừa người, thiếu việc”.

 Nhà máy Gạch tuynen Phú Điền đầu tư tại xã Hành Minh (Nghĩa Hành) giúp hơn 100 lao động trở thành công nhân công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động của địa phương này.                                                                                                        Ảnh: H.T
Nhà máy Gạch tuynen Phú Điền đầu tư tại xã Hành Minh (Nghĩa Hành) giúp hơn 100 lao động trở thành công nhân công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động của địa phương này. Ảnh: H.T


Tại Quảng Ngãi, cơ cấu lao động nông – lâm – ngư nghiệp hiện chiếm đến 45%. Trong khi công nghiệp xây dựng là 29% và dịch vụ 26%. Hơn nữa, sự chênh lệch cơ cấu lao động ở khu vực thành thị và nông thôn còn ở mức cao; tỷ trọng lao động trong nông nghiệp ở nông thôn chiếm trên 70%. Điều này phản ánh, khu vực nông thôn, miền núi có nguồn lao động dồi dào nhưng hiệu quả sản xuất còn rất thấp.

 

Phấn đấu đạt trên 65 triệu đồng/ha

Ngày 20.6.2013, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững (Đề án). Trên cơ sở đó, Quảng Ngãi cũng đã xây dựng Đề án và ban hành kế hoạch hành động. Theo Đề án, mục tiêu đến năm 2020, ngành nông nghiệp tỉnh phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 4%, giá trị sản xuất đạt trên 65 triệu đồng/ha, tỷ trọng chăn nuôi chiếm 40%, độ che phủ rừng đạt 50%, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo nghề nông nghiệp tối thiểu đạt 80%...

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, bình quân một lao động nông nghiệp qua đào tạo chỉ sử dụng 1/3 thời gian. Nếu sử dụng 100% thời gian thì 2/3 lao động nông nghiệp sẽ dôi dư, dẫn đến tình trạng thừa lao động, thiếu việc làm ngày càng gia tăng. Trong khi đó, số lượng lao động tăng mới cũng như nhu cầu chuyển dịch khỏi ngành nông nghiệp hằng năm là rất lớn. Điều này không chỉ tạo nên áp lực chuyển đổi lao động và việc làm tại khu vực nông thôn, mà còn gây ra nhiều vấn đề xã hội phức tạp.

Theo chính quyền các địa phương, để phát huy hiệu quả sử dụng lao động nông thôn thì điều kiện tiên quyết là phải thu hút được doanh nghiệp. Đơn cử như tại xã Hành Minh. Chỉ riêng Nhà máy sản xuất gạch tuynen Phú Điền cũng đã giúp hơn 100 lao động nông nghiệp của địa phương này trở thành công nhân công nghiệp với thu nhập từ 2 triệu đồng/người/tháng trở lên.  

Tạo việc, tăng hiệu quả

“Hình thành các vùng chuyên canh trong sản xuất sẽ giải phóng công lao động; đồng thời phân công lao động địa phương”, ông Huỳnh Văn Như - Chủ tịch UBND xã Đức Hiệp (Mộ Đức) khẳng định. Thực tế, lao động nông nghiệp ở nông thôn thừa nhưng thiếu. Nguyên nhân, quy hoạch vùng sản xuất chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn khiến việc ứng dụng cơ giới hóa nhiều nơi còn hạn chế, người lao động vì thế cũng nhọc công. Nhiều nơi người dân đi làm ăn xa nhưng mỗi khi đến vụ sản xuất hay thu hoạch phải lặn lội trở về phụ giúp gia đình. Bởi, “nếu đường sá đàng hoàng, máy gặt đập liên hợp ra được tận ruộng thì mình đâu phải chạy đi chạy về, vừa tốn kém lại lỡ việc”, anh Nguyễn Tám, thôn Năng Xã, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) cho biết.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp góp phần chuyển dịch lao động nông nghiệp ở nông thôn.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp góp phần chuyển dịch lao động nông nghiệp ở nông thôn.


Do đó, ngay khi triển khai thực hiện Đề án, các địa phương cũng băn khoăn với mục tiêu chuyển đổi lao động nông nghiệp, nông thôn. Mà cốt lõi là hình thành đội ngũ công nhân nông nghiệp. Dù Đề án xác định phải theo cơ chế thị trường và doanh nghiệp chính là yếu tố dẫn dắt, đưa chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp đi đến thành công nhưng vấn đề là, cơ chế tích tụ ruộng đất như thế nào? Cá nhân hay tập thể chịu trách nhiệm hỗ trợ thị trường? Việc áp dụng kỹ năng quản lý vào sản xuất cho nông dân được thực hiện ra sao?...

Giải quyết những vướng mắc trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ cho rằng, quá trình thực hiện Đề án, ngành nông nghiệp và các địa phương cần tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyên môn hóa lao động và ngành nghề; đẩy mạnh liên kết, phát triển thương mại – dịch vụ nông sản nhằm phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hiện đại, an toàn, xanh, sạch. Đồng thời, chuyển đổi mạnh lao động nông nghiệp sang khu vực dịch vụ và công nghiệp – xây dựng, tạo việc làm ổn định cho nông dân, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống dân cư nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại.
 

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.