Chế biến hải sản khô: Nhiều tiềm năng, nhưng chưa phát huy

01:04, 29/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lâu nay, các mặt hàng hải sản đã qua chế biến của tỉnh chủ yếu vẫn chỉ là hải sản, nhuyễn thể đông lạnh. Còn mặt hàng hải sản khô, tuy có giá trị kinh tế khá cao nhưng  lại chưa được chú trọng khai thác mà chỉ mới phát triển theo kiểu nhỏ lẻ, manh mún.

Nâng tầm giá trị thủy sản

Có vị mặn chát đặc trưng lại rất cứng sau khi phơi khô, nên mực xà hay còn gọi là mực ma do ngư dân Bình Chánh (Bình Sơn) đánh bắt ở ngư trường Trường Sa – Hoàng Sa có giá trị kinh tế không cao. Có những thời điểm, giá mỗi ký mực khô chỉ dao động ở mức từ 40 - 50 nghìn đồng. Sau những chuyến đi buôn mực khô thất bại khi đầu ra của loại mực xà này khá bấp bênh, bà Nguyễn Thị Loan ở xã Bình Chánh tìm ra quy trình chế biến, giúp mực xà địa phương tiêu thụ được ra thị trường. Theo đó, từ nguyên liệu mực khô mua về, bà Loan dùng máy cán mỏng cho mực dài và tơi ra rồi sau đó tẩm ướp gia vị và sấy khô, đóng gói. Với cách chế biến này, bà Loan chẳng những khắc phục được vị mặn chát đặc trưng của mực xà, mà còn giúp mực xà mềm, mỏng hơn.

Từ mực xà mặn chát, bà Loan đã chế biến được loại mực cán tẩm gia vị có giá trị kinh tế cao hơn.
Từ mực xà mặn chát, bà Loan đã chế biến được loại mực cán tẩm gia vị có giá trị kinh tế cao hơn.


Sau khi chế biến, sản phẩm mực cán, tẩm gia vị được bà Loan bán ra với mức 150 nghìn đồng/kg, tăng gấp 3 lần so với nguyên liệu thô. Bình quân mỗi năm, bà Loan bán ra thị trường gần 20 tấn, chủ yếu bán vào mỗi dịp Tết cho công nhân các nhà máy tại Khu Kinh tế Dung Quất mang về nhà làm quà biếu và gửi vào TP. Hồ Chí Minh theo đơn đặt hàng.

Cũng lựa chọn mực, bạch tuộc để chế biến hải sản khô, với giá mỗi ký mực nang thành phẩm dao động 350 - 400 nghìn đồng/kg; Công ty TNHH MTV Thanh Mai ở Phổ Thạnh (Đức Phổ) cũng xuất bán ra thị trường gần cả trăm tấn mực khô thương phẩm mỗi năm. Bà Lê Thị Mai - Giám đốc Công ty cho rằng, chế biến hải sản khô lợi thế hơn chế biến các sản phẩm đông lạnh ở chỗ, có thể bảo quản được lâu nên ít áp lực về thời gian tiêu thụ sản phẩm. Quá trình vận chuyển sản phẩm đến nơi tiêu thụ cũng vì thế mà ít rủi ro hơn.
 
Cần mở hướng để phát triển


Mang lại giá trị kinh tế cao, giải quyết được việc làm cho nhiều lao động nông thôn, nhưng trong số 107 doanh nghiệp, cơ sở chế biến thủy sản hiện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, số lượng cơ sở chế biến hải sản khô chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Theo ông Nguyễn Đức Bình- Phó chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, hiện nay, hầu hết các cơ sở chế biến hải sản khô trên địa bàn tỉnh chỉ sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống, chưa có sự đầu tư về máy móc, công nghệ. Các sản phẩm hải sản khô chủ yếu bán ra thị trường theo dạng thô, không nhãn mác, chứ chưa sản xuất được sản phẩm hải sản khô cao cấp.

Cũng theo ông Bình, phần vì tâm lý của người dân vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của đăng ký thương hiệu và in bao bì, nhãn mác cho sản phẩm, phần vì dây chuyền công nghệ phục vụ cho ngành chế biến sản phẩm hải sản khô cao cấp đòi hỏi vốn đầu tư lớn, mặt bằng rộng nên các cơ sở chế biến, nhất là tại các xã ven biển khó có thể thực hiện được vì chưa được địa phương quan tâm quy hoạch khu vực chế biến riêng.

Bài, ảnh: Ý THU
 


.