Để quản lý hiệu quả vùng đới bờ: Dựa vào sức dân

09:03, 31/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vùng đới bờ (được tính từ bờ biển ra 6 hải lý) của tỉnh rộng khoảng 2.000km2 , với hệ sinh thái và nguồn tài nguyên đa dạng. Tuy nhiên, do diện tích rộng lớn trải dài, nên để quản lý hiệu quả vùng đới bờ, ngoài sự vào cuộc của các ngành chức năng, người dân vẫn đóng vai trò then chốt.

TIN LIÊN QUAN

Theo ông Nguyễn Minh Tú- Phó phòng khai thác (Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh), mặc dù đã có quy định cụ thể liên quan đến việc cấm đánh bắt cá bằng xung điện, chất nổ, chất độc và các loài thuộc danh mục cấm khai thác nhưng tình trạng ngư dân cố tình vi phạm vẫn diễn ra. Song, điều khó khăn nhất hiện nay là với số lượng tàu khai thác gần bờ lên đến 1.169 tàu, đó là chưa kể đến các phương tiện khai thác gần bờ khác như thúng, mành chà... thì chi cục không đủ nhân lực để kiểm tra, kiểm soát. Vì vậy, ý thức, trách nhiệm của mỗi ngư dân giữ vai trò rất quan trọng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Ngư dân đánh bắt gần bờ ngày càng gặp khó khi thủy sản ven bờ đang dần cạn kiệt.
Ngư dân đánh bắt gần bờ ngày càng gặp khó khi thủy sản ven bờ đang dần cạn kiệt.


Vì thế, thời gian qua, một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung kêu gọi người dân chung tay vào công tác bảo vệ vùng đới bờ. Nhờ đó, hệ sinh thái, nguồn tài nguyên vùng đới bờ tại một số địa phương ven biển đã dần được khôi phục. “Lúc mới thành lập tổ tự quản, người dân chưa hiểu được tầm quan trọng của bảo vệ rong mơ vùng ven bờ, nên rất khó chịu mỗi khi được tuyên truyền, nhắc nhở khai thác rong mơ theo đúng lịch thời vụ. Nhưng giờ đây, sau khi bà con được tận mắt chứng kiến việc bảo vệ rong mơ đã giúp các loại cá gần bờ tưởng chừng suy kiệt, trở về sinh sản. Mà cá về thì ngư dân chính là người được lợi. Nên hiện giờ, không chỉ 8 thành viên trong tổ tự quản, mà người dân thôn Châu Thuận Biển này, ai cũng tham gia vào công tác tự quản. Khi phát hiện trường hợp tự ý khai thác rong mơ trước lịch thời vụ là người dân lập tức điện thoại thông báo cho chúng tôi ngay”, ông Võ Tấn Miên - Tổ trưởng Tổ tự quản quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển tại thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn) cho biết.

Lan tỏa hiệu quả từ mô hình tự quản ở thôn Châu Thuận Biển, hiện xã Bình Hải (Bình Sơn) đã thành lập các tổ tự quản nhằm bảo vệ hệ sinh thái, tài nguyên ven bờ, đặc biệt là rong mơ. Đây là một tín hiệu vui trong quản lý, bảo vệ vùng đới bờ, khi giảm được gánh nặng cho cơ quan quản lý nhà nước và nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân.

“Nếu người dân sống ở vùng ven bờ không đồng lòng với việc bảo vệ vùng đới bờ, thì công tác quản lý khó đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Do đó, trong kế hoạch quản lý tổng hợp vùng đới bờ giai đoạn 2016 – 2020, Sở TN&MT đã đề ra các giải pháp nâng cao ý thức cho người dân như giải pháp truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng; thành lập các nhóm tuyên truyền viên nòng cốt hỗ trợ công tác truyền thông về quản lý tài nguyên và môi trường đới bờ tại các xã ven biển... để người dân hiểu về tầm quan trọng và đồng hành cùng chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ”, ông Đỗ Ngọc Vinh - Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo Quảng Ngãi cho biết.
 

Bài, ảnh: Ý THU
 


.