Chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Cần bước đi vững chắc

10:10, 25/10/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)-  Năm năm trở lại đây, kinh tế tỉnh ta tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch đúng hướng, quy mô tổng sản phẩm tăng lên đáng kể: Năm 2015 đạt 12.410 tỷ đồng, tăng 3.652 tỷ đồng so với năm 2010. GRDP bình quân đầu người đạt 2.485 USD, vượt 13% chỉ tiêu Nghị quyết. Vì thế, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh cần tiếp tục có những bước đi vững chắc...

TIN LIÊN QUAN

“Đầu tàu” vẫn là công nghiệp

“Sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại” là mục tiêu quan trọng của tỉnh Quảng Ngãi trong giai đoạn phát triển 5 năm đến (2015 -2020).

Năm 2015, tỷ trọng ngành công nghiệp của tỉnh chiếm 62%, dịch vụ 24% và nông nghiệp chiếm 14% trong tổng GRDP. So với chỉ tiêu Nghị quyết XVIII thì chỉ tỷ trọng công nghiệp là đạt, trong khi đó tỷ trọng dịch vụ còn thấp và nông nghiệp còn cao. Qua đó cho thấy, ngành công nghiệp vẫn là “đầu tàu” trong hành trình phát triển kinh tế của tỉnh, với giá trị sản xuất năm 2015 đạt 22.234 tỷ đồng, tăng 4.474 tỷ đồng so với năm 2010. Để có được kết quả ấy, giai đoạn 2011-2015, tỉnh ta đã phân bổ nguồn lực từ ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển công nghiệp là 2.272 tỷ đồng. Hạ tầng từng bước được đầu tư hoàn thiện đã tạo động lực thu hút đầu tư.

Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế cần gắn liền với chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng dần lao động ở khu vực công nghiệp, dịch vụ.                                                                                                    Ảnh: H.T
Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế cần gắn liền với chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng dần lao động ở khu vực công nghiệp, dịch vụ. Ảnh: H.T


Trong 5 năm trở lại đây, tổng vốn đăng ký đầu tư vào Quảng Ngãi gần 3.250 triệu USD, trong đó KKT Dung Quất 2.550 triệu USD, các khu công nghiệp của tỉnh 155 triệu USD, còn lại là những dự án ngoài các KCN, KKT. Tại KKT Dung Quất, đến nay có 80/122 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư đi vào hoạt động, giải quyết việc làm trên 20.000 lao động. Còn ở KCN Tịnh Phong và Quảng Phú (tỷ lệ lấp đầy 80-100%) có 60/100 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm trên 15.000 lao động.

Cần đẩy mạnh phát triển dịch vụ

Năm 2015, giá trị sản xuất ngành dịch vụ của tỉnh đạt 6.494 tỷ đồng, tăng 2.937 tỷ đồng so với năm 2010, tăng bình quân 12,8%/năm (không đạt chỉ tiêu Nghị quyết XVIII là 15-16%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 38.050 tỷ đồng, tăng bình quân 17,2%/năm. Doanh thu du lịch tăng bình quân 20,7%/năm; vận tải tăng 23%. Hệ thống hạ tầng thương mại, chợ, cửa hàng, siêu thị tiếp tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp, hình thành mạng lưới phân phối hàng hóa rộng khắp các vùng miền.

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế thì phát triển dịch vụ vẫn là một khâu yếu của Quảng Ngãi nhiều năm qua. Những ngành dịch vụ có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao chưa nhiều; thiếu các dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho phát triển công nghiệp. Du lịch và dịch vụ chưa được quan tâm đầu tư nên đóng góp chưa nhiều cho tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm cho người dân. Đó cũng là những thách thức cho việc thực hiện chỉ tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong 5 năm đến của tỉnh ta: Đến năm 2020 tỷ trọng công nghiệp chiếm 60-61%; dịch vụ 28-29% và nông nghiệp 11-12%. Trong đó, phấn đấu giá trị sản xuất ngành dịch vụ tăng bình quân 12%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đến năm 2020 khoảng 70.000 tỷ đồng; tỷ lệ lao động dịch vụ trong tổng lao động của tỉnh chiếm trên 28%.

Phát triển dịch vụ, du lịch và kinh tế biển, đảo được Đảng bộ tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm đến. Bởi đây cũng là những ngành, lĩnh vực có sự liên kết khá chặt chẽ với nhau. Theo đó, bên cạnh quy hoạch, đầu tư từng bước hoàn thiện hạ tầng du lịch để phát triển ngành này, Quảng Ngãi khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ; ưu tiên phát triển các dịch vụ có giá trị gia tăng cao, dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho phát triển công nghiệp và phục vụ dân sinh như: Dịch vụ kỹ thuật công nghiệp, tài chính ngân hàng, thông tin viễn thông, vận tải, giáo dục, y tế, môi trường, nhà ở cho công nhân và người có thu nhập thấp... Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả Chiến lược Biển Việt Nam và sẽ xây dựng Lý Sơn thành đảo du lịch, mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng, an ninh.

Chú trọng chuyển dịch cơ cấu lao động

Cùng với tập trung đầu tư phát triển, tăng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, thì vấn đề quan trọng là phải thực hiện có hiệu quả đào tạo, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng nâng cao tỷ trọng lao động trong công nghiệp, dịch vụ. Theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH, 5 năm qua toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 182.400 lao động (bình quân 36.480 lao động/năm), trong đó tạo việc làm mới cho 96.100 người, tăng thêm việc làm 66.800 người. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, đến năm 2015 lao động công nghiệp-xây dựng 28%; nông, lâm, ngư nghiệp 47% và thương mại, dịch vụ 25%.

Tuy nhiên, những con số trên cũng cho thấy việc chuyển dịch cơ cấu lao động chưa tương xứng theo tỷ trọng cơ cấu kinh tế. Kết quả giải quyết việc làm chưa thật sự chuyển biến tích cực, chất lượng đào tạo nghề chưa cao, việc làm của người lao động chưa bền vững...

Quảng Ngãi đề ra mục tiêu đến năm 2020 lao động trong lĩnh vực công nghiệp-xây dựng 32%, nông-lâm-ngư nghiệp 40% và dịch vụ 28%; hằng năm giải quyết việc làm cho trên 40.000 lao động; đào tạo nghề mỗi năm tăng 2%. Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay là phải gắn chuyển dịch cơ cấu kinh tế với chuyển dịch cơ cấu lao động. Để làm được việc này, bên cạnh tạo đột phá trong phát triển công nghiệp, chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ và phát triển nông lâm, thủy sản, xây dựng nông thôn mới, chúng ta cần phải thực hiện tốt các giải pháp về thị trường lao động, giới thiệu giải quyết việc làm, đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Đặc biệt là phát triển mạng lưới dạy nghề của tỉnh, chú trọng đào tạo các nghề trọng điểm cấp quốc gia, tăng cường gắn kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp; liên kết quốc tế trong đào tạo nghề. Ngoài ra, phải tăng cường mối liên hệ giữa các địa phương với các đơn vị quản lý KKT, KCN và cơ sở dạy nghề để nắm bắt nhu cầu thị trường lao động...


PHẠM DANH



 


.