Thị trấn Di Lăng chuyển mình

09:11, 14/11/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau nhiều năm tập trung nguồn lực đầu tư, thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) đã đạt tiêu chí đô thị loại V và đang phấn đấu trở thành đô thị loại IV vào năm 2025. Hiện tại, một số tiêu chí "khó" đã và đang được triển khai, hình thành một phố núi Di Lăng khang trang, hiện đại, đậm đà bản sắc vùng cao.
 
[links()]
 
Những công trình đa mục tiêu
 
Dự án giao thông đi qua thị trấn Di Lăng được người dân huyện Sơn Hà và các vùng lân cận chờ đợi nhất đó là cầu sông Rin. Dự án cầu Sông Rin được khởi công xây dựng từ tháng 4/2019, có tổng chiều dài toàn tuyến 3,5km, gồm các hạng mục chính là cầu Sông Rin, cầu Nước Rạc và đường dẫn nối vào Quốc lộ 24B. Công trình có tổng vốn đầu tư 245 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư, hiện đang chuẩn bị nghiệm thu, đưa vào sử dụng trong tháng 11/2022. Đây là một trong những công trình giao thông trọng điểm của tỉnh, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Sơn Hà nói chung và đô thị Di Lăng nói riêng. Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Đinh Thị Trà cho biết, công trình không chỉ giúp việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân trong vùng được thuận lợi, mà còn tạo điều kiện để huyện phát triển không gian đô thị về phía tây của thị trấn Di Lăng.
 
Nhà truyền thống Trung tâm bảo tồn văn hóa Hrê được xây dựng tại thị trấn Di Lăng (Sơn Hà).
Nhà truyền thống Trung tâm bảo tồn văn hóa Hrê được xây dựng tại thị trấn Di Lăng (Sơn Hà).
Ở huyện Sơn Hà, đồng bào Hrê chiếm hơn 82% dân số. Vì thế, trong quá trình xây dựng đô thị Di Lăng, huyện Sơn Hà chú trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Hrê thông qua việc đưa kiến trúc vào công trình. Từ đó, bước đầu đã hình thành các khu bảo tồn văn hóa dân tộc Hrê, với những căn nhà sàn được phục dựng; nghề dệt truyền thống và nhạc cụ của người Hrê được phục hồi. Năm 2021, huyện Sơn Hà đã quyết định triển khai thực hiện dự án Làng văn hóa Hrê, với tổng vốn đầu tư 10 tỷ đồng từ ngân sách huyện. Hiện nay, công trình đã cơ bản hoàn thành, đang tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn lại để đưa vào sử dụng trong dịp mừng xuân Quý Mão 2023. Qua đó góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng thị trấn Di Lăng và gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Hrê.
 
Cần nguồn lực lớn
 
Theo kế hoạch phát triển đô thị của huyện Sơn Hà, đến năm 2025, Di Lăng cơ bản trở thành đô thị loại IV, đạt 39/49 tiêu chí. Các tiêu chí chưa đạt liên quan đến hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, do thiếu nguồn lực đầu tư. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn huyện Sơn Hà đầu tư phát triển đô thị Di Lăng gần 171 tỷ đồng, với 47 dự án, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ, vốn ngân sách huyện, các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới... Mặc dù huyện chủ trương kết hợp vốn ngân sách với các nguồn vốn khác để đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, song việc huy động gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn xã hội hóa. Ngoài ra, thị trấn Di Lăng còn đối diện với ngập lụt và sạt lở diễn biến phức tạp; hệ thống thu gom, xử lý nước thải chưa được đầu tư xây dựng...
 
Theo Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Đinh Thị Trà, xây dựng thị trấn Di Lăng trở thành đô thị loại IV là khát vọng của huyện Sơn Hà. Năm 2022, huyện quyết tâm tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhất là các công trình giao thông đô thị, thương mại, dịch vụ, các công trình phục vụ đời sống thiết yếu của người dân. Hiện nay, huyện Sơn Hà đang sắp xếp nguồn vốn đầu tư dự án Bến xe Di Lăng; đường Huyện đội - Nước Bung; đường tránh Đông, tránh Tây thị trấn Di Lăng và các tuyến đường trong các khu dân cư và đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Đồng thời, đầu tư hệ thống cây xanh, chỉnh trang vỉa hè để xây dựng tuyến phố văn minh trên các trục đường Lê Trọng Lung, Phạm Kiệt, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Nghiêm, Tương Dương, Nguyễn Chánh... Qua đó, góp phần hoàn thiện các tiêu chí để đưa thị trấn Di Lăng trở thành đô thị loại IV.
 
                              Bài, ảnh: T.NHỊ
 
 
 

.