Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh: Một yêu cầu cấp thiết

03:05, 26/05/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện, nâng cao thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), song PCI của Quảng Ngãi vẫn chưa thể bứt phá.
 
[links()]
 
Nằm trong tốp trung bình của cả nước
 
Năm 2020, PCI của Quảng Ngãi đạt tổng điểm là 63,2 điểm, đứng thứ 36/63 tỉnh, thành phố cả nước, tăng 5 bậc so với năm 2019 và được xếp ở nhóm trung bình. Đến năm 2021, PCI Quảng Ngãi đạt 62,97 điểm, giảm 0,23 điểm so với năm 2020 và đứng thứ 45 (nhóm trung bình) trong bảng xếp hạng PCI cả nước, tụt 9 bậc so với năm 2020.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh (hàng đầu, thứ 2 từ trái qua) kiểm tra hiện trường dự án Khu tái định cư Vạn Tường (Bình Sơn).                     Ảnh: Th.Nhị
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh (hàng đầu, thứ 2 từ trái qua) kiểm tra hiện trường dự án Khu tái định cư Vạn Tường (Bình Sơn). Ảnh: Th.Nhị
So với 5 tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, thì PCI năm 2021 của Quảng Ngãi xếp sau Đà Nẵng (đứng thứ 4 cả nước, với 70,42 điểm), Thừa Thiên - Huế (đứng thứ 8/69,24 điểm), Bình Định (đứng thứ 11/68,32 điểm) và Quảng Nam (đứng thứ 19/66,24 điểm). Trong đó, Bình Định là tỉnh có điểm số, thứ hạng PCI bứt phá mạnh mẽ nhất. Năm 2020, PCI của Bình Định chỉ đạt 63,18 điểm và đứng thứ 37 cả nước (xếp sau Quảng Ngãi), năm 2021 đã vươn lên vị trí thứ 11. Thừa Thiên - Huế cũng là tỉnh có sự bứt phá mạnh, khi từ vị thứ 17 (năm 2020) lên vị thứ 8 (năm 2021). Đà Nẵng cũng tăng 1 bậc (từ vị thứ 5 lên 4). Riêng Quảng Nam, ghi nhận 2 năm liên tiếp bị tụt bậc: Năm 2020 tụt 7 bậc, từ vị thứ 6/69,42 điểm xuống vị thứ 13/65,72 điểm; năm 2021 tụt 6 bậc, từ vị thứ 13/65,72 điểm xuống vị thứ 19/66,24 điểm.
 
Qua bảng điểm và vị thứ các chỉ số thành phần PCI năm 2021 so với năm 2020, Quảng Ngãi có 3 chỉ số tăng điểm và tăng bậc gồm: Tiếp cận đất đai (tăng 1,35 điểm và tăng 41 bậc, từ thứ hạng 55 lên 14); Chi phí thời gian (tăng 1,09 điểm và tăng 41 bậc, từ 47 lên 6); Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (tăng 0,68 điểm và tăng 1 bậc, từ 48 lên 47). Có 3 chỉ số tăng điểm nhưng giảm bậc gồm: Chi phí không chính thức (tăng 0,32 điểm và giảm 3 bậc, từ thứ hạng 33 xuống 36); Tính năng động của chính quyền tỉnh (tăng 0,56 điểm và giảm 1 bậc, từ 42 xuống 43); Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (tăng 0,38 điểm và giảm 1 bậc, từ 31 xuống 32). Có 2 chỉ số giảm điểm nhưng tăng bậc: Gia nhập thị trường (giảm 0,84 điểm và tăng 7 bậc, từ 20 lên 13); Đào tạo lao động (giảm 0,48 điểm và tăng 6 bậc, từ 43 lên 37). Ngoài ra, có 2 chỉ số giảm điểm và giảm bậc: Tính minh bạch (giảm 0,86 điểm và giảm 38 bậc, từ 13 xuống 51), Cạnh tranh bình đẳng (giảm 0,99 điểm và giảm 15 bậc, từ 24 xuống 39).
 
Còn nhiều tồn tại, hạn chế
 
Qua phân tích cho thấy, PCI tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2016 - 2021 thiếu sự ổn định, thiếu bền vững. Cụ thể, năm 2016 xếp hạng 26, năm 2017 tăng lên xếp thứ 25, trong hai năm 2018 - 2019 giảm đáng kể, đều xếp hạng 41; năm 2020 tăng lên 5 bậc (thứ 36) và đến năm 2021 tụt giảm 9 bậc, xếp thứ 45 trên bảng xếp hạng PCI của cả nước.
 
Trong Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI Quảng Ngãi, giai đoạn 2021-2025 đã nêu rõ, công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh thời gian qua còn nhiều tồn tại, hạn chế. Công tác chỉ đạo và điều hành của các cấp, các ngành chưa thật sự quyết liệt, chưa nghiêm túc thực hiện Kế hoạch đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Việc thực hiện nhiệm vụ được UBND tỉnh giao còn nhiều nội dung chậm trễ, chưa đảm bảo chất lượng. Công tác phối hợp của các sở, ban, ngành, địa phương vẫn là khâu yếu, chưa có sự chuyển biến tích cực. Một số nội dung tham mưu chưa có chính kiến rõ ràng, ngại va chạm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong việc tham mưu UBND tỉnh đối với nhiệm vụ được giao; còn trông chờ, ỷ lại vào cơ quan cấp trên, dẫn đến sự chậm trễ, ách tắc trong giải quyết công việc chung của tỉnh.
 
Bên cạnh đó, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư trong thời gian qua chưa phát huy được hiệu quả, chưa thật sự nghiêm túc, thiếu trách nhiệm, thiếu quyết liệt, gây phiền hà, sách nhiễu cho DN, nhà đầu tư. Chất lượng thực thi các chính sách, chủ trương còn yếu. Những sáng kiến hay ở cấp tỉnh chưa được thực thi tốt ở cấp sở, ngành. Những chủ trương đúng đắn của lãnh đạo tỉnh đã không được xử lý tốt ở cấp huyện, thị xã, thành phố. 
 
Quảng Ngãi cần nỗ lực hơn nữa trong việc tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Trong ảnh: Người lao động làm việc tại Nhà máy Thép Hòa Phát Dung Quất.                           Ảnh: P.Danh
Quảng Ngãi cần nỗ lực hơn nữa trong việc tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Trong ảnh: Người lao động làm việc tại Nhà máy Thép Hòa Phát Dung Quất. Ảnh: P.Danh
Nhiều kiến nghị của DN được UBND tỉnh giao cho các sở, ban, ngành, địa phương chậm thực hiện. Một số thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, phức tạp; việc giải quyết thủ tục hành chính của một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa đảm bảo thời gian theo quy định; cơ chế một cửa ở một số huyện, xã còn mang tính hình thức. Ngoài ra, kỷ luật, kỷ cương hành chính ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc nhưng thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương chưa xử lý đến nơi đến chốn, dẫn đến có sự cào bằng giữa người làm tốt cũng như người làm không tốt, người chấp hành nghiêm cũng như người thiếu tinh thần trách nhiệm...
 
Phải nỗ lực hơn nữa  
 
Những năm qua PCI là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành phố của cả nước về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển DN dân doanh. Bên cạnh đó, PCI cũng đưa đến thông điệp: Chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền được các nhà đầu tư sử dụng tham khảo cơ hội đầu tư, lập kế hoạch kinh doanh. Kết hợp các yếu tố về vị trí, cơ sở hạ tầng, quy mô thị trường, địa phương nào có điểm số, thứ hạng PCI cao sẽ hấp dẫn đầu tư. Vì vậy, cuộc chạy đua nâng cao điểm số, cạnh tranh thứ hạng PCI hết sức gay cấn, quyết liệt. Tỉnh, thành phố nào đứng lại thì mặc nhiên sẽ bị tụt lùi về phía sau.
 
Trong năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch cải thiện, nâng cao chỉ số PCI Quảng Ngãi giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu quyết tâm bứt phá mạnh mẽ về điểm số và thứ hạng để được xếp vào nhóm tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt của cả nước. Kế hoạch đã đề ra mục tiêu, năm 2021 Quảng Ngãi nằm trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành “khá”, phấn đấu điểm số PCI đạt trên 64 điểm, nâng vị trí xếp hạng trong tốp 20- 30/63 tỉnh, thành phố; đến năm 2025 phấn đấu tổng điểm đạt từ 66 điểm trở lên và thứ hạng nằm trong tốp 10 - 20/63 tỉnh, thành phố.
 
Tuy nhiên, kết quả PCI năm 2021 của tỉnh chỉ đạt 62,97 điểm, xếp thứ 45/63 tỉnh, thành phố. Điều này cho thấy, những nỗ lực của tỉnh và các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua là chưa đủ để PCI Quảng Ngãi bứt phá vươn lên. Lãnh đạo Sở KH&ĐT cho biết, thời gian tới, sở tăng cường hơn nữa việc hỗ trợ DN trong giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký DN, cấp quyết định chủ trương đầu tư và hỗ trợ các hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển DN và bình đẳng giữa các DN trên địa bàn, nhất là các DN vừa và nhỏ. Qua đó, góp phần cải thiện chỉ số Cạnh tranh bình đẳng trong bộ Chỉ số PCI. Ngoài ra, sở tham mưu UBND tỉnh định kỳ tổ chức hội nghị đối thoại với DN, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi cho DN thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và cải thiện môi trường đầu tư.
 
Theo các chuyên gia kinh tế, để cải thiện chỉ số PCI đối với Quảng Ngãi, không có cách nào khác hơn là phải không ngừng nỗ lực, vươn lên. Quan trọng hơn là từ người đứng đầu đến người thực thi công vụ ở các ngành, địa phương phải tự nhận thức, soi rọi lại mình đã làm được và chưa được gì, từ đó chủ động đưa ra giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm tạo ra môi trường đầu tư tốt hơn cho DN, nhà đầu tư.
 
PHẠM DANH
 
 

.