Những thay đổi về bảo hiểm bắt buộc

08:03, 03/03/2021
.
Thông tư 04/2021/TT-BTC với quy định từ 1/3/2021 tăng mức bồi thường bảo hiểm bắt buộc lên 150 triệu đồng/người/vụ làm thay đổi suy nghĩ "mua để cho có" bao lâu nay của nhiều người.
 
Từ ngày 1/3/2021, Nghị định 03/2021 quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (thay thế  Nghị đinh 103/2008) và Thông tư 04/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết một số điều của Nghị định 03 chính thức có hiệu lực, mang lại nhiều quyền lợi thiết thực cho người mua bảo hiểm.
 
Giữ nguyên mức phí đóng bảo hiểm
 
Khoản 3 Điều 7 Nghị định 03/2021 quy định căn cứ vào lịch sử tai nạn của từng xe cơ giới và năng lực chấp nhận rủi ro của mình, doanh nghiệp bảo hiểm chủ động xem xét, điều chỉnh tăng phí bảo hiểm; mức tăng phí bảo hiểm tối đa là 15% tính trên phí bảo hiểm do Bộ Tài chính quy định.
 
Theo Phụ lục 1 ban hành kèm Thông tư 04/2021/TT-BTC, mức phí đóng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới không có sự thay đổi so với trước đây, ngoại trừ với xe vừa chở người và chở hàng. Chẳng hạn:
 
- Loại xe dưới 6 chỗ ngồi đóng mức 437.000 đồng.- Loại xe từ 6 đến 11 chỗ ngồi đóng mức 794.000 đồng.- Loại xe từ 12 đến 24 chỗ ngồi đóng mức 1.270.000 đồng.- Loại xe trên 24 chỗ ngồi đóng mức 1.825.000 đồng.
 
- Xe vừa chở người vừa chở hàng (Pickup, minivan) đóng mức 437.000 đồng (mức cũ theo Phụ lục Thông tư số 22/2016/TT-BTC là 933.000 đồng)
 
Thời hạn bảo hiểm tối đa lên tới 3 năm
Trước đây, thời hạn ghi trên giấy chứng nhận bảo hiểm theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định 103/2008 là 01 năm. Một số trường hợp khác theo quy định tại 1 Điều 10 Nghị định 103/2008 thì thời hạn bảo hiểm có thể dưới 01 năm.
 
Kể từ ngày 1/3/2021, thời hạn ghi trên giấy chứng nhận bảo hiểm tăng mức tối đa lên 3 năm. Cụ thể như sau:
 
-  Thời hạn bảo hiểm đối với các loại xe mô tô hai bánh, xe ba bánh, xe gắn máy (bao gồm cả xe máy điện) và những loại xe có kết cấu tương tự theo quy định của Luật Giao thông đường bộ tối thiểu là 01 năm, tối đa là 03 năm.
 
-  Thời hạn bảo hiểm đối với các xe cơ giới còn lại tối thiểu là 01 năm, thời gian tối đa tương ứng với thời hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường định kỳ có thời hạn trên 1 năm. 
 
Một số trường hợp khác, thời hạn bảo hiểm có thể dưới 01 năm, gồm: xe cơ giới nước ngoài tạm nhập, tái xuất có thời hạn tham gia giao thông trên lãnh thổ nước Việt Nam dưới 01 năm; xe cơ giới có niên hạn sử dụng nhỏ hơn 01 năm theo quy định của pháp luật; xe cơ giới thuộc đối tượng đăng ký tạm thời.
 
Các xe cơ giới được phép mua bảo hiểm có thời hạn khác 01 năm thì mức đóng bảo hiểm dựa trên phí bảo hiểm và tương ứng với thời hạn được bảo hiểm, tính bằng công thức: Phí bảo hiểm phải nộp = (Phí bảo hiểm năm theo loại xe cơ giới: 365 ngày) x Thời hạn được bảo hiểm (ngày). 
 
Đối với trường hợp thời hạn bảo hiểm dưới 30 ngày thì tính bằng công thức: Phí bảo hiểm phải nộp = Phí bảo hiểm năm theo loại xe cơ giới: 12 tháng
 
Mức bồi thường bảo hiểm tăng mạnh
 
Thông tư 04/2021/TT-BTC áp dụng mức bồi thường bảo hiểm mới. Theo đó, kể từ ngày 1/3/2021, mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra là 150 triệu đồng/người/vụ tai nạn.
 
So với mức áp dụng trước đây tại Điều 9 Thông tư 22/2016/TT-BTC là 100 triệu đồng/người/vụ thì mức bồi thường kể từ ngày 1/3/2021 tăng lên đáng kể.
 
Bên cạnh đó, mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản/01 vụ tai nạn được xác định theo thiệt hại thực tế và theo mức độ lỗi của người được bảo hiểm nhưng không vượt quá mức trách nhiệm bảo hiểm. Cụ thể:
 
Mức trách nhiệm đối với thiệt hại về tài sản do xe mô tô hai bánh, xe gắn máy, xe mô tô ba bánh gây ra được quy định ở mức 50 triệu đồng/vụ tai nạn.
 
Mức trách nhiệm đối với những thiệt hại về tài sản do xe máy kéo, ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo, xe máy kéo chuyên dùng gây ra là 100 triệu đồng/vụ tai nạn.
 
Nghị định 03/2021 quy định rõ về thời gian thực hiện bồi thường bảo hiểm bắt buộc: Sau khi người mua bảo hiểm gửi thông báo bằng văn bản tới doanh nghiệp bảo hiểm thông báo về vụ tai nạn, trong vòng 3 ngày làm việc, doanh nghiệp tiến hành tạm ứng bồi thường đối với những thiệt hại về sức khỏe, tính mạng.
 
Nếu xác định tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại thì doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng 70% mức bồi thường bảo hiểm theo quy định/người/vụ khi có trường hợp tử vong; tạm ứng 50% mức bồi thường bảo hiểm theo quy định/người/vụ đối với trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị, cấp cứu. 
 
Nếu chưa xác định tai nạn có thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại hay không, doanh nghiệp bảo hiểm tạm ứng 30% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định/người/vụ nếu có tử vong; tạm ứng 10% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định/người/vụ nếu có tổn thương bộ phận được điều trị, cấp cứu.
 
Như vậy, về bản chất, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ thực hiện bồi thường cho bên thứ ba (tức bên bị thiệt hại do tai nạn mà chủ xe cơ giới gây ra). Những thiệt hại về phương tiện và thân thể của chính người mua bảo hiểm gây tai nạn sẽ không được bảo hiểm.
 
Theo Bảo Linh/Dân Trí

.