Tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng

08:12, 09/12/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Mưa lũ đi qua, nhiều cánh đồng bãi bồi dọc sông Trà Khúc thuộc địa phận các xã Tịnh Hà, Tịnh Minh và Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) lại bị sạt lở, làm mất hàng trăm mét đất nông nghiệp và đe dọa trực tiếp đến nhà ở của hàng chục hộ dân. Sạt lở bờ sông đã trở thành mối lo thường trực với người dân nơi đây. 
[links()]
Sống ven sông Trà Khúc gần một đời, ông Nguyễn Thành Long (59 tuổi), ở thôn Minh Long, xã Tịnh Minh chứng kiến không ít lần sạt lở bờ sông, nhưng sạt lở như năm nay, theo ông là chưa từng có. Quy luật bên lở bên bồi mà những người có kinh nghiệm trong làng từng khẳng định, nay dường như cũng không còn đúng. 
 
Dẫn chúng tôi theo bờ sông, đoạn qua xóm 6, nhìn những bụi tre vừa bị nước lũ đánh sụt xuống sông, ông Long cho biết: “Ở gần sông thì chuyện sạt lở, bên lở bên bồi vào mùa mưa lũ là bình thường. Nhưng năm nay lạ lắm, nhìn cái bờ tre đây là thấy. Mấy bụi tre già giờ đã bị bật gốc, cuốn hết xuống sông". 
 
ffff
Những bụi tre trồng để giữ đất bị nước lũ đánh bật gốc, sụt lún xuống sông.

Căn nhà cấp 4 của ông Nguyễn Thanh Hồng, thôn Minh Long, xã Tịnh Minh chỉ cách khoảng 5m là đến mép sông Trà Khúc. Hai bụi tre mà ông trồng dọc sông để chống xói lở đã bị cuốn trôi, bật gốc, chuồng trại chăn nuôi của gia đình vừa qua cũng bị kéo sập xuống sông.

Ông Hồng cho biết: “Ngày trước, đất từ mép sông đi vào rộng hàng trăm mét nhưng năm nay chỉ còn lại 5-10m. Chỉ cần một đợt lũ nhỏ, chắc chắn sạt lở dọc bờ sông nơi đây không chỉ dừng lại đó. Nếu không xây dựng bờ kè trong thời gian tới, thì đất đai màu mỡ dọc bờ sông sẽ bị cuốn trôi hết". 

Chứng kiến tình trạng sạt lở bờ sông, ông Phan Văn Hùng buồn bã cho biết: "Chúng tôi không biết làm cách nào để ngăn lại, cứ lở mãi như thế, vài năm nữa, đất canh tác ven sông là kế sinh nhai của gia đình tôi và nhiều người dân khác sẽ không còn bao nhiêu”. 
 
Đáng ngại hơn, tình trạng sạt lở nghiêm trọng như vậy cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến trạm bơm của HTXNN xã Tịnh Minh. Theo quan sát, phần sạt lở chỉ còn cách chân trạm bơm chưa đầy 2m và việc nước sông dâng cao, xoáy sâu liên tục vừa qua đã gây nứt nhiều đoạn. Nếu không sớm có phương án khắc phục, khả năng sẽ làm sập luôn trạm bơm xuống sông.
 
ggg
Mặc dù được xây dựng kè mỏ hàn để giảm tốc độ dòng chảy  nhưng tình trạng sạt lở vẫn diễn ra ngay dưới kẻ mỏ hàn. 
 
Theo tìm hiểu, năm 2017, tại thôn Minh Long, xã Tịnh Minh, Nhà nước đã đầu tư xây dựng 4 mỏ hàn để bảo vệ bờ sông khỏi xói lở, tuy nhiên, đợt mưa lũ lớn vừa qua đã tạo ra dòng xoáy gây sạt lở bờ sông ngay dưới khu vực được xây dựng, dòng chảy sông Trà Khúc đang có diễn biến phức tạp.
 
Khu vực sạt lở bờ sông Trà Khúc đoạn qua thôn Minh Long dài khoảng 400m, nhiều đoạn ăn sâu đến 30m đất, tạo “hàm ếch” rất lớn. Ông Long chia sẻ: “Có khoảng 15 hộ dân ven sông ảnh hưởng trực tiếp và 30 hộ dân khác có nguy cơ bị sạt lở bờ sông đe dọa”.
 
Theo UBND xã Tịnh Minh, sạt lở dọc sông Trà Khúc qua địa bàn xã kéo dài hơn 500m. Thống kê sơ bộ, gần 7ha đất vườn và đất bãi bồi của người dân đã trở thành lòng sông. Nếu tình trạng sạt lở bờ sông tiếp tục, con đường liên xóm sẽ bị xóa sổ. Hiện mép sông đã ở sát chân đường. 
 
Tại bờ bắc sông Trà, đoạn qua xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, cũng sạt lở hơn 500m đe dọa đến nhà ở của 10 hộ dân ở thôn Thọ Lộc Tây. Theo người dân, sạt lở bờ sông Trà qua thôn Thọ Lộc Tây diễn ra từ nhiều năm nay. Từ xưa người dân trồng một hàng tre dài giữ đất nhưng sạt lở đã xóa sổ "lá chắn" cuối cùng này. 
 
ggg
Nhiều điểm sạt lở lấy đi phần lớn diện tích đất hoa màu của người dân. 
 
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Ngãi Bùi Đức Thái, cho biết, năm 2020 là năm sạt lở lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn tỉnh. Thống kê sơ bộ, hiện trên toàn tỉnh có 169 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển, với tổng chiều dài gần 148km; mức độ sạt lở bình quân theo chiều ngang từ 5-10m, có những nơi lên đến hơn 30m; phần lớn tập trung ở các huyện ven biển và các sông lớn như Trà Bồng, Trà Khúc, sông Vệ, Trà Câu…

Các điểm sạt lở đã được kiểm tra, đánh giá mức độ sạt lở. Một số điểm đã được đầu tư xây dựng kè kiên cố, một số điểm như bờ bắc sông Vệ và các nhánh sông Vệ đang được làm hồ sơ để thi công. Tuy nhiên, cũng có những khu vực sạt lở hiện chưa có kinh phí xây dựng kè.

Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng sạt lở đất là do sự thay đổi dòng chảy của sông. Bên cạnh đó, đất bên bờ sông là đất pha cát nên rất dễ bị ảnh hưởng sạt lở, mà khi đã sạt lở lại rất khó khắc phục. Thêm một nguyên nhân nữa là hiện nay tình trạng hút cát, khai thác cát trái phép dọc theo các mép sông trên địa bàn diễn ra ngày càng nhiều nên hiện tượng sạt lở bờ sông diễn ra nhanh và ngày càng nghiêm trọng.

Nếu không có giải pháp làm giảm tình trạng sạt lở thì những bãi đất bồi màu mỡ dọc các sông Trà Khúc, sông Vệ, Trà Câu... sẽ bị thu hẹp, thậm chí một số nơi sẽ không còn đất để canh tác. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân, ông Thái chia sẻ.

Thủy Tiên

 


.