Chính sách lao động, việc làm giai đoạn 2016 - 2020: Nhiều điểm sáng

08:12, 19/12/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Giai đoạn 2016 - 2020, nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ), doanh nghiệp (DN) tuyển dụng lao động (LĐ) được tỉnh ta ban hành, tạo điều kiện cho NLĐ địa phương có việc làm và thu nhập ổn định.
[links()]
Tạo việc làm, thu hút lao động      
 
Những năm gần đây, LĐ trong tỉnh đã hạn chế ly hương mà ở lại quê nhà tìm việc, bởi ngày càng có nhiều dự án lớn được tỉnh ta thu hút đầu tư, tạo ra cơ hội việc làm rất lớn. Điển hình là dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát - Dung Quất (Tập đoàn Hòa Phát) đầu tư ở KKT Dung Quất. Khi đi vào hoạt động, dự án không chỉ đóng góp lớn cho Quảng Ngãi về giá trị sản xuất công nghiệp, tăng thu ngân sách, mà còn giải quyết việc làm (GQVL) cho 10.000 LĐ, trong đó LĐ là người Quảng Ngãi chiếm hơn 80%. “Trước đây, tôi làm việc ở các tỉnh, thành phía Nam, nhưng nhận thấy tại quê hương cũng có thể tìm được việc làm với thu nhập ổn định, lại được ở gần gia đình, vì thế tôi quyết định về quê để làm việc”, anh Tu Đình Lên (Bình Sơn), công nhân Công ty CP Thép Hòa Phát - Dung Quất chia sẻ. 
 
Người lao động tìm việc tại các sàn giao dịch việc làm được tổ chức thường xuyên trên địa bàn tỉnh.
Người lao động tìm việc tại các sàn giao dịch việc làm được tổ chức thường xuyên trên địa bàn tỉnh.
Để hỗ trợ NLĐ trong tỉnh tìm việc, nhiều kênh tuyên truyền, hỗ trợ cho LĐ và DN tuyển dụng được đẩy mạnh. Trong 5 năm qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức 116 phiên giao dịch việc làm, với sự tham gia của hơn 5.900 lượt DN tham gia tuyển dụng LĐ và hơn 136.500 lượt LĐ tham gia tìm việc làm. Đồng thời, tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm mới cho hơn 105.000 lượt người và đã có gần 27.000 người tìm được việc làm mới. 
 
Công tác hỗ trợ LĐ mất việc làm được giải quyết kịp thời, đảm bảo các chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Võ Duy Yên cho hay: “Trợ cấp bảo hiểm cho người thất nghiệp không chỉ giải quyết khó khăn bước đầu, mà còn giúp NLĐ sớm có việc làm mới. Vì vậy, Trung tâm đẩy mạnh việc tư vấn, giới thiệu việc làm mới để NLĐ sớm tìm được việc làm. Để làm tốt điều này, Trung tâm luôn chú trọng công tác thông tin thị trường, để NLĐ biết và tham gia tuyển dụng”.
 Lực lượng LĐ trên địa bàn tỉnh rất dồi dào, với gần 743.000 người từ đủ 15 tuổi trở lên. Trong đó, LĐ nam hơn 380.000 người (51,3%), LĐ nữ hơn 362.000 người (48,7%). Giai đoạn 2016 - 2020, cơ cấu LĐ của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng LĐ trong ngành công nghiệp, dịch vụ. Tỷ trọng LĐ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản từ 51% (2015) đã giảm xuống còn 45,5%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị giảm từ 3,8% (2015) xuống còn 3,5% vào cuối năm 2020.
Tăng cường nguồn vốn vay giải quyết việc làm
 
Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã GQVL mới và thêm việc làm cho hơn 181.000 LĐ. Trong đó, kênh GQVL, tạo thu nhập từ nguồn Quỹ quốc gia GQVL là một trong những kênh được tỉnh ta triển khai thực hiện khá đồng bộ và hiệu quả.
 
Ngoài nguồn vốn của trung ương, 5 năm qua, ngân sách tỉnh và huyện đã chuyển ủy thác sang Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội cấp huyện, thị xã, thành phố hơn 195 tỷ đồng (tính đến ngày 30.6.2020). 
Công ty CP Thép Hòa Phát - Dung Quất tạo việc làm cho nhiều người lao động trên địa bàn tỉnh.
Công ty CP Thép Hòa Phát - Dung Quất tạo việc làm cho nhiều người lao động trên địa bàn tỉnh.
 
Nhờ nguồn vốn vay ủy thác, nhiều hộ nghèo được tiếp vốn kịp thời, làm ăn hiệu quả. Như anh Nguyễn Đăng Kim, thôn Tân Lập, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành), thuộc diện hộ nghèo, gia đình anh có 1ha đất gò đồi, nhưng không có vốn để chuyển đổi cây trồng.
 
Nắm bắt được nguyện vọng của gia đình, hai năm trước, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Nghĩa Hành đã tạo điều kiện cho anh vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay GQVL. Nhờ đó, anh Kim đã "biến" diện tích đất gò đồi bạc màu thành vùng cây ăn quả phát triển xanh tốt, với 400 cây sầu riêng, bưởi da xanh, mít thái và lúc nào trong chuồng cũng có từ 4 - 5 con bò, 10 con heo thịt được nuôi theo hình thức gối đầu.
 
Anh Kim bộc bạch: “Nguồn vốn vay tuy không lớn, nhưng đã giúp gia đình tôi có vốn để trồng cây, chăn nuôi hiệu quả hơn”. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có gần 6.500 lượt hộ nghèo được vay vốn từ nguồn ủy thác Ngân hàng Chính sách Xã hội, với tổng số tiền được giải ngân hơn 238 tỷ đồng.
 
Việc đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng là một trong những giải pháp tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững được tỉnh ta chú trọng triển khai thực hiện trong những năm qua. Tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho NLĐ diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số, xã bãi ngang ven biển. Ngoài ra, LĐ tham gia đào tạo để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đều được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, tiền đi lại, ăn ở và các chi phí khám sức khỏe, làm thị thực, hộ chiếu, lý lịch tư pháp.
 
Vợ chồng ông Trần Nhật Tiên và bà Bùi Thị Giang, ở thôn Tây, xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) có ba người con hiện đều đang làm việc tại Nhật Bản. Từ khi các con đi làm việc ở nước ngoài, gia đình ông có thu nhập ổn định hơn rất nhiều. “Ở đây, một số gia đình đông con, tôi cũng động viên họ cho các cháu đi làm việc ở nước ngoài, để có điều kiện ổn định kinh tế gia đình. Giờ việc tham gia làm việc ở nước ngoài được chính quyền hỗ trợ rất nhiều, nên họ cũng yên tâm hơn”, ông Tiên bày tỏ.
 
Chính những nỗ lực này mà trong 5 năm qua, toàn tỉnh có 7.466 lượt người tham gia đi làm việc ở 10 quốc gia, vùng lãnh thổ, với gần 20 ngành nghề khác nhau.
 
Chú trọng đào tạo nghề
 
Không chỉ hỗ trợ NLĐ tìm việc, công tác đào tạo nghề cũng được chú trọng, bởi đây là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hiện toàn tỉnh có 28 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung bình mỗi năm đào tạo nghề cho 25.000 LĐ. Triển khai thực hiện nhiệm vụ đột phá về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh, việc gắn kết đào tạo nghề với DN đã góp phần GQVL và cung ứng LĐ cho DN tại KKT Dung Quất và các KCN tỉnh, KCN VSIP, qua đó đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu LĐ, xây dựng nông thôn mới.  
Công tác đào tạo nghề ngày càng được nâng cao, giúp người lao động nâng cao tay nghề.
Công tác đào tạo nghề ngày càng được nâng cao, giúp người lao động nâng cao tay nghề.
Giai đoạn 2016 - 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh được gần 52.000 học sinh, sinh viên. Số học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp là hơn 47.200 người. Trong đó, rất nhiều học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm, với mức lương khởi điểm bình quân từ 5,5 - 6 triệu đồng/tháng. Một số ngành, nghề có mức lương khá cao như nghề điện, hàn, bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí... với mức lương từ 10 - 15 triệu đồng/tháng.
 
Nguồn lực LĐ của tỉnh ta những năm gần đây được phát triển mạnh cả về lượng và chất; tỷ lệ LĐ qua đào tạo nghề hiện nay đạt 55%. Không chỉ đào tạo LĐ đáp ứng nhu cầu của DN trong nước, hiện nhiều cơ sở đào tạo nghề còn đào tạo LĐ để đưa đi làm việc ở nước ngoài. Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lương Kim Sơn cho biết: “Giai đoạn vừa qua, đã có những bước tiến mới trong công tác đào tạo nghề.
 
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi áp dụng cơ chế mới, chính sách mới đã có sự nỗ lực vươn lên không chỉ về đầu tư trang thiết bị dạy học, mà còn triển khai các hình thức liên kết đào tạo, hợp tác đào tạo trong và ngoài nước... Từ đó góp phần nâng cao công tác đào tạo nghề, tạo ra một thế hệ LĐ có trình độ cao hơn, đáp ứng nhu cầu của các DN trong và ngoài tỉnh”. 
 
Đào tạo nghề, GQVL làm là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020. Thời gian tới, hy vọng tỉnh ta sẽ tiếp tục triển khai tốt chương trình việc làm, nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương. Đây cũng là một trong những điều kiện quan trọng, góp phần đưa tỉnh ta trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung vào năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.
 
Bài, ảnh: VŨ YẾN
 
 
 
 
 

.