Hỗ trợ người dân dựng lại nhà ở

10:11, 07/11/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Bão số 9 đã gây thiệt hại nặng nề, phải mất thời gian dài mới có thể khắc phục được. Tuy nhiên, vấn đề cần gấp rút triển khai hiện nay là hỗ trợ người dân dựng lại nhà ở, bởi lẽ hàng trăm nghìn hộ dân có nhà cửa bị sập đổ, hư hỏng. 
[links()]
Xác định mức độ thiệt hại phải chuẩn xác
 
Ngay sau khi bão tan, lãnh đạo tỉnh đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại ở các địa phương và đã lưu ý các địa phương khẩn trương rà soát, thống kê mức độ thiệt hại và phải đảm bảo tính chính xác, nhất là về nhà ở, để kịp thời hỗ trợ người dân. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản giao Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm về tính chuẩn xác đối tượng, số lượng được hỗ trợ theo quy định. Trường hợp có sai sót, Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh. 
 
Đoàn công tác của Thành đoàn TP.Hồ Chí Minh hỗ trợ người dân xã Bình Hải (Bình Sơn) lợp lại nhà sau bão số 9.  Ảnh: N.Viên
Đoàn công tác của Thành đoàn TP.Hồ Chí Minh hỗ trợ người dân xã Bình Hải (Bình Sơn) lợp lại nhà sau bão số 9. Ảnh: N.Viên
Các địa phương đều thành lập các đoàn đi đến từng nhà hộ dân để rà soát, thống kê, xác định số lượng, mức độ thiệt hại về nhà ở do bão số 9 gây ra, căn cứ theo quy định tại Quyết định số 740/QĐ-UBND, ngày 27.8.2018 của UBND tỉnh. Để đảm bảo tính chính xác, khách quan, công bằng trong xác định mức độ thiệt hại, các tổ kiểm tra ở các địa phương đều có đại diện cấp ủy, chính quyền, hội, đoàn thể... Ở một số địa phương, thành viên của tổ kiểm tra còn có người dân trực tiếp tham gia. Bí thư Đảng ủy phường Phổ Hòa (TX.Đức Phổ) Nguyễn Văn Nho cho biết: Việc mời người dân tham gia vào tổ kiểm tra nhằm góp phần đảm bảo tính công khai, minh bạch trong xác định mức độ thiệt hại.
 
Đối với những hộ gia đình có điều kiện, địa phương sẽ động viên tự khắc phục, còn với những hộ có kinh tế khó khăn thì cần sự hỗ trợ về kinh phí để dựng lại nhà ở. Phó Chủ tịch UBND xã Đức Lân (Mộ Đức) Nguyễn Thị Ái Nhi cho hay: Đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ xác định mức độ thiệt hại đều được hướng dẫn cụ thể, nhằm đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước. Biên bản xác định mức độ thiệt hại đều có chữ ký xác nhận của người dân và chính quyền địa phương.
 
Tại huyện Tư Nghĩa, UBND huyện đã thành lập 14 tổ công tác, thành viên là các đồng chí huyện ủy viên, đại diện các ban, ngành, đoàn thể của huyện, trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương rà soát, xác định thiệt hại do bão. Đến thời điểm này, các địa phương trên địa bàn huyện đã hoàn thành công tác thống kê thiệt hại. Theo đó, ước tổng thiệt hại là 317 tỷ đồng. Toàn huyện có 17 nhà bị thiệt hại trên 70%; 373 nhà thiệt hại từ 50 - 70%; 1.316 nhà thiệt hại từ 30% đến dưới 50%; hơn 15.800 nhà bị thiệt hại dưới 30%.
 
Trích ngân sách hỗ trợ người dân 
 
Theo số liệu thống kê ban đầu, toàn tỉnh có 320 nhà bị sập hoàn toàn, hơn 140 nghìn ngôi nhà bị tốc mái do bão số 9. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên hiện tại nhiều hộ dân không có điều kiện để xây mới, sửa chữa lại nhà ở. Nhiều hộ phải ở nhờ nhà người thân hoặc che lều ở tạm bên cạnh ngôi nhà đổ nát. 
 
Chị Ngô Thị Thẫm, ở thôn Điền An, xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) nhà bị tốc mái hoàn toàn sau bão số 9.               Ảnh: PV
Chị Ngô Thị Thẫm, ở thôn Điền An, xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) nhà bị tốc mái hoàn toàn sau bão số 9. Ảnh: PV
Để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao UBND tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xem xét, cân đối nguồn kinh phí để bố trí hỗ trợ về nhà ở đối với các hộ dân bị thiệt hại sau bão số 9 theo quy định. Trường hợp các địa phương được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ về nhà ở trực tiếp đến từng hộ dân trên địa bàn thì chính quyền địa phương đó có trách nhiệm nắm thông tin và báo cáo chuẩn xác số tiền được hỗ trợ của từng nhà đến UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp để báo cáo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh; trên cơ sở đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam, UBND tỉnh phối hợp chỉ đạo rà soát, tổng hợp số liệu để có phương án tiếp tục hỗ trợ khoảng chênh lệch theo quy định, đảm bảo mỗi hộ dân có nhà ở bị sập hoàn toàn được nhận đầy đủ mức hỗ trợ.
 
Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, trước mắt sẽ trích nguồn ngân sách tỉnh; Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cân đối, chi hỗ trợ từ Quỹ Cứu trợ cho nhân dân và sử dụng các nguồn hỗ trợ khác để chi hỗ trợ người dân bị thiệt hại về nhà ở. 
 
Về kinh phí hỗ trợ đối với người dân có nhà ở bị thiệt hại, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo: Trước mắt, thống nhất mức hỗ trợ cho các gia đình có nhà chính bị thiệt hại hoàn toàn (trên 70%) là 18 triệu đồng/nhà ở đồng bằng và 20 triệu đồng/nhà ở miền núi, hải đảo. Đối với nhà chính bị thiệt hại rất nặng (từ 50 - 70%), trước mắt hỗ trợ 5 triệu đồng/nhà. Đối với nhà chính bị thiệt hại nặng (từ 30 - 50%), các địa phương chịu trách nhiệm rà soát, tổng hợp số liệu để xem xét, hỗ trợ sau.
 
PHƯƠNG LÝ - NGỌC VIÊN
 
Lý Sơn: Còn 65 ngôi nhà chưa có vật liệu để sửa chữa
 
Tính đến ngày 4.11, huyện Lý Sơn đã cơ bản khắc phục tạm thời khoảng 90% nhà cửa hư hỏng do bão số 9 gây ra. Riêng đảo Bé còn 65 ngôi nhà tốc mái chưa sửa chữa được vì không có phương tiện đưa vật liệu đến. Được biết, bão số 9 đã làm 2.700 ngôi nhà ở huyện Lý Sơn bị tốc mái, 9 nhà bị đổ sập. Những ngày qua, hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện Lý Sơn đã khẩn trương giúp dân dựng, lợp lại mái nhà, khắc phục hậu quả do bão số 9 gây ra.                        
X.T

 

 


.