Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn: Chưa sát với nhu cầu

10:09, 09/09/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn (LĐNT) đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác này vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa sát với nhu cầu ở địa phương.

TIN LIÊN QUAN

Kết quả bước đầu

Sau khi học khóa đào tạo kiến thức chăn nuôi gà, ông Đặng Quang Hồng, ở xã Tịnh Ấn Đông (TP.Quảng Ngãi) đã đầu tư trang trại nuôi gà. Ông Hồng áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên đàn gà nhanh lớn, ít dịch bệnh, mang lại thu thập cao. Hiện trang trại của ông giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động, bình quân thu nhập khoảng 8 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với gia đình ông Hồng, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh cũng được các cấp, ngành hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp. Nhờ đó, nhiều hộ dân triển khai có hiệu quả các mô hình sản xuất nông- lâm - thủy sản, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Nuôi gà là một trong những nghề nông nghiệp được nhiều lao động nông thôn lựa chọn.
Nuôi gà là một trong những nghề nông nghiệp được nhiều lao động nông thôn lựa chọn.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) Lê Văn Dương cho biết: Để thực hiện hiệu quả đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) giai đoạn 2010 - 2020” (gọi tắt là Đề án 1956), ngành chức năng cùng chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp.

Hầu hết các huyện, thành phố đều xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT, trong đó có đào tạo nghề nông nghiệp; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong việc học nghề.

"Từ năm 2010 đến nay, tỉnh ta đã chi hơn 26 tỷ đồng hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho 14.257 LĐNT. Sau khi được đào tạo nghề, trên 80% số lao động có được việc làm ổn định, mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng hiệu quả quy trình kỹ thuật, từ đó nâng cao giá trị kinh tế", ông Dương thông tin.

Còn nhiều hạn chế

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, số lượng LĐNT tham gia học nghề nông nghiệp ngày càng giảm. Năm 2015, toàn tỉnh đào tạo cho gần 2.000 lao động với 12 ngành nghề nông nghiệp. Thế nhưng năm 2019, chỉ tiêu đào tạo chỉ có 270 người. Trước đây, có 17 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT được phân bổ ở các địa phương. Tuy nhiên, đến nay cũng chỉ còn 4 cơ sở tham gia đào tạo nghề nông nghiệp.

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Giáo dục nghề nghiệp nông dân - phụ nữ tỉnh Lê Trung Việt cho biết: Những năm trước, Trung tâm có tham gia đào tạo nghề nông nghiệp, nhưng việc thu hút đối tượng học nghề gặp nhiều khó khăn. Do đó, năm 2019 Trung tâm không đăng ký đào tạo nghề nông nghiệp.

"Sở dĩ công tác đào tạo nghề cho LĐNT còn hạn chế là do công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm cho lao động nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, người lao động chưa nhận thức được vai trò của học nghề để tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống. Mặt khác, đội ngũ giáo viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa bảo đảm cơ cấu, thiếu giáo viên cơ hữu ở các ngành nghề mà địa phương cần đào tạo", ông Việt phân tích.

Trong 2 năm (2019 - 2020), Quảng Ngãi tiếp tục thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp cho hơn 1.200 LĐNT. Để công tác đào tạo nghề mang lại hiệu quả, Sở NN&PTNT tập trung đào tạo LĐNT tại các vùng sản xuất nguyên liệu nông sản của các doanh nghiệp, các dự án chuyển đổi cơ cấu sản xuất, lao động thực hiện các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thành viên quản lý hợp tác xã nông nghiệp, trang trại... Đồng thời, xác định nhu cầu học nghề của LĐNT theo từng nghề, dự báo nhu cầu sử dụng LĐNT qua đào tạo, xác định năng lực đào tạo của các cơ sở dạy nghề.

Dạy nghề chưa theo kịp thực tiễn

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) Lê Văn Dương, các cơ sở dạy nghề chủ yếu đào tạo những gì mình có, chứ chưa đào tạo theo nhu cầu địa phương. Việc đào tạo nghề theo hướng đào tạo cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ chiếm tỷ lệ thấp. Số lượng mô hình điển hình về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn còn ít. Việc kết hợp đào tạo nghề nông nghiệp với xây dựng các mô hình, dự án phát triển sản xuất, khuyến nông chưa nhiều.

 

Bài, ảnh: VŨ YẾN





 

.