Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động

01:05, 06/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, ở tỉnh ta đang vào mùa cao điểm xây dựng. Tuy nhiên, tại các công trình vấn đề đảm bảo an toàn cho người lao động chưa được chủ đầu tư, nhà thầu quan tâm đúng mức, nhất là công trình xây dựng dân dụng.

TIN LIÊN QUAN

Những năm qua, việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật lao động và đảm bảo an toàn lao động (ATLĐ) luôn được Sở LĐ-TB&XH và các đơn vị liên quan chú trọng thực hiện. Người sử dụng lao động và người lao động đã nhận thức được tầm quan trọng của ATLĐ. Bên cạnh đó thì vẫn còn nhiều chủ sử dụng lao động chưa thực hiện nghiêm chế độ bảo hộ lao động và cải thiện môi trường lao động. Vì thế, tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp đối với công nhân vẫn còn tiềm ẩn, đặc biệt là nguy cơ mất ATLĐ trên các công trình xây dựng dân dụng.

Dù thi công ở trên cao, nhưng người lao động không mang thiết bị bảo hộ lao động.
Dù thi công ở trên cao, nhưng người lao động không mang thiết bị bảo hộ lao động.


Tại một công trình xây dựng nhà ở đường Hoàng Hoa Thám (TP.Quảng Ngãi), anh H làm phụ hồ, quê xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) cho biết: “Khi thi công từ 2 đến 3 tầng, chúng tôi hầu như không đội mũ bảo hiểm, vì rất bất tiện; giày bảo hộ lao động thì càng ít sử dụng, vì không quen. Giải pháp bảo vệ an toàn khi đứng thi công trên giàn giáo, chúng tôi tự chủ động lo cho bản thân là chính, ít khi sử dụng dây nịt hoặc lưới bảo vệ...”.

Đa phần công nhân làm việc ở các công trình xây dựng dân dụng là lao động phổ thông, làm tự do, thời vụ nên ý thức bảo hộ lao động còn thấp, trong khi nhiều chủ thầu thì chủ quan, chưa quan tâm tới việc đảm bảo ATLĐ cho công nhân. Báo cáo của Thanh tra Sở LĐ-TB&XH, trong 2 năm trở lại đây, số vụ TNLĐ trong tỉnh giảm đáng kể. Năm 2017 chỉ xảy ra 3 vụ (2 người chết và 2 người bị thương nặng). Tuy nhiên, số vụ TNLĐ thực tế chắc chắn cao hơn rất nhiều.

Bởi theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP thì chỉ với các vụ TNLĐ làm chết người hoặc làm bị thương nặng từ 2 lao động trở lên thì người sử dụng lao động mới phải báo cáo với Thanh tra Sở LĐ-TB&XH. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp tham gia báo cáo TNLĐ định kỳ hằng năm rất ít, nên khó có thể phản ánh đầy đủ.

Phó Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động Nguyễn Minh Tuấn cho biết: Mỗi năm, Sở LĐ-TB&XH tiến hành thanh tra, kiểm tra khoảng 20 đơn vị, gửi 100 phiếu tự kiểm tra về pháp luật lao động đến doanh nghiệp. Qua thanh tra, kiểm tra nhận thấy, ngoài một số đơn vị chấp hành tốt ATLĐ thì vẫn còn nhiều đơn vị chưa quan tâm đúng mức, làm chỉ để đối phó lực lượng chức năng. Cũng theo ông Tuấn, việc thanh tra, kiểm tra chỉ thực hiện đối với các đơn vị, doanh nghiệp có đăng ký. Còn đối với các nhóm thợ xây dựng nhỏ lẻ thì không thể kiểm soát được.

Lĩnh vực xây dựng luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNLĐ nghiêm trọng. Do đó, người sử dụng lao động và người lao động cần có ý thức về ATLĐ, xem ATLĐ là công tác thường xuyên, liên tục. Có như thế mới hạn chế các vụ TNLĐ không đáng có xảy ra.

Bài, ảnh: VŨ YẾN
 


.