Gìn giữ cây di sản

02:05, 21/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tính đến thời điểm này, Quảng Ngãi có gần 20 cây cổ thụ được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Quảng Ngãi là một trong những địa phương có nhiều cây di sản được công nhận.

TIN LIÊN QUAN

Các cây được công nhận Cây Di sản Việt Nam trên địa bàn Quảng Ngãi ngoài yếu tố là cây cổ thụ, các cây còn gắn với những sự kiện văn hóa lịch sử cách mạng tại địa phương. Việc các cây được Hội Sinh vật cảnh Việt Nam công nhận đã động viên các cấp chính quyền và nhân dân địa phương cùng quyết tâm gìn giữ, bảo vệ các cây di sản cho thế hệ tương lai.

Trong số cây được công nhận Cây Di sản Việt Nam, cây thị ở thôn 2, xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) ước tính có độ tuổi hơn 200 năm. Đến nay, cây vẫn xanh tốt, dáng vẻ đầy uy nghiêm. Cây có tán khá rộng, thân to, khoảng 4-5 người ôm mới xuể. Cây thị này gắn với dinh Bà trong thôn, với người dân địa phương, cây thị không chỉ là nhân chứng sống qua bao thăng trầm lịch sử, mà còn có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tâm linh.

Cây cầy hơn 300 năm tuổi ở xã Phổ Thuận (Đức Phổ) là Cây Di sản Việt Nam. Ảnh: T.L
Cây cầy hơn 300 năm tuổi ở xã Phổ Thuận (Đức Phổ) là Cây Di sản Việt Nam. Ảnh: T.L


Trải qua hơn 2 thế kỷ, cây thị này đã cùng với bà con thôn 2, xã Nghĩa Dũng đã chứng kiến nhiều đổi thay của lịch sử. Chính vì thế, cùng với dinh Bà, cây thị được nhân dân trong thôn che chắn, gìn giữ, chăm sóc cho đến tận ngày hôm nay. Trong 2 cuộc kháng chiến, nhất là thời kỳ chống Mỹ, du kích thường dựa vào gốc cây thị này để chống càn, hạn chế địch càn quét. Trên thân cây vẫn còn những vết đạn, bom trong những ngày tháng chiến tranh ác liệt.

Ngoài việc tô điểm cho vẻ uy nghiêm của miếu Bà, cây thị và ngôi miếu còn là điểm hẹn liên lạc, cất giấu tài liệu, chở che cán bộ cách mạng. Cạnh gốc thị còn có di tích hầm bí mật bảo vệ nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng của địa phương.

Với cây đa ở tổ 15, phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) tồn tại từ nhiều đời nay, theo truyền miệng cây đa ước tính có tuổi đời hơn 200 năm tuổi. Gốc cây to khoảng 5 - 6 người ôm, bóng cây tỏa rộng một vùng có diện tích đến 500m2.

Cây mọc tự nhiên, được người dân bảo vệ, chăm sóc, giữ gìn thành cây đa cổ thụ. Với người dân địa phương, cây đa không chỉ là nhân chứng sống qua bao thăng trầm lịch sử mà còn có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tâm linh. Chủ tịch UBND phường Quảng Phú Mai Thị Cẩm Hồng, cho biết, “trải qua thăng trầm của lịch sử cùng sự biến đổi của thiên nhiên, người dân nơi đây vẫn chăm sóc và bảo vệ cây đa. Việc vinh danh và công nhận này nhằm nâng cao ý thức cho người dân trong việc bảo vệ đa dạng sinh học, giữ gìn cây quý của địa phương”.

Toàn tỉnh hiện đã có gần 20 cây cổ thụ được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Điều này cho thấy, người dân Quảng Ngãi vẫn giữ được nét văn hóa xa xưa là tôn trọng, bảo vệ những gì mang dáng dấp của vùng quê yên bình, gắn liền với đời sống, sinh hoạt thường nhật. Phó Chủ tịch thường trực Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Quảng Ngãi Lê Thị Mỹ Diệp cho biết: “Việc vinh danh, công nhận nhằm nâng cao ý thức cho người dân trong việc bảo vệ đa dạng sinh học phong phú, giữ gìn các loại cây quý của địa phương. Mong rằng mọi người cùng tiếp tục gìn giữ những cây cổ thụ được công nhận di sản”.


HUỲNH THẾ

 


.