Giải quyết hồ sơ hộ tịch ở Tây Trà: Cán bộ làm sai – dân lãnh đủ!

04:05, 31/05/2012
.

(QNĐT)- Quy định về hồ sơ thủ tục, quy trình giải quyết hồ sơ cấp giấy khai sinh, cải chính hộ tịch cho người dân đã được chuẩn hóa cụ thể, rõ ràng. Thế nhưng, người dân Tây Trà vẫn gặp không ít phiền toái, thiệt thòi chỉ vì cán bộ thực thi không tuân thủ đúng pháp luật…

TIN LIÊN QUAN

    
* Nhọc nhằn vượt núi đi “gõ cửa quan”!


Cuối tháng 5, chúng tôi theo chân các cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh (trực thuộc Sở Tư pháp) về huyện vùng cao Tây Trà trợ giúp pháp lý cho người dân. Nhiều bà mẹ ở thôn Gò Rô, xã Trà Phong đã đến chờ đợi trước Phòng Tư pháp huyện từ rất sớm để xin “cán bộ huyện” cấp giấy khai sinh cho con.

Bà
Bà Trần Thị Cẩm Tú - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh hướng dẫn người dân đăng ký khai sinh đúng quy định.


Các cán bộ trong đoàn hướng dẫn tận tình quy trình, thủ tục để người dân về UBND xã Trà Phong được giải quyết. Thế nhưng chị Chị Hồ Thị Sen cứ chần chừ trình bày với cán bộ trợ giúp pháp lý rằng: “Cán bộ xã bảo chúng tôi lên huyện, huyện lại chỉ chúng tôi về xã! Chúng tôi đã nhiều lần đi bộ vượt núi, mệt, đói, thế mà chẳng có kết quả gì. Mong các cán bộ trợ giúp pháp lý giúp đỡ”.

Trò chuyện với những người dân này, chúng tôi được họ cho biết: Vào năm 2010, họ được UBND xã Trà Phong cấp giấy khai sinh cho con, nhưng chỉ cấp bản sao, chứ không cấp bản chính. Trong đó còn có tình trạng một số bản sao giấy khai sinh không có số, mà chiếu theo quy định của luật thì hoàn toàn không có giá trị pháp lý.

Do vậy, khi đi làm thủ tục nhập học cho con, cô giáo yêu cầu phải xuất trình bản chính giấy khai sinh để đối chiếu bản sao, thì gia đình không có. Vì thế con cái họ chưa được nhận vào lớp.

Những người cha, người mẹ nghèo ở tận non cao ấy phải bỏ công việc đi bộ đến UBND Trà Phong để xin cấp bản chính giấy khai sinh. Khi đến đây, cán bộ xã lại chỉ lên Phòng Tư pháp huyện để cán bộ huyện giải quyết! Trong khi việc cấp giấy khai sinh này hoàn toàn thuộc thẩm quyền của UBND xã Trà Phong.

Ông Trương Ngọc Thanh – cán bộ tư pháp xã Trà Phong biện hộ: “Khi bà con này đi làm giấy khai sinh cho con thì xã hết mẫu bản chính, nên chỉ cấp bản sao. Còn việc cấp giấy khai sinh không có số, xã sẽ kiểm tra lại để bổ sung”.

Thế mà trong các tấm bản sao giấy khai sinh đã cấp, ông Trương Ngọc Thanh lại xác nhận: “Sao y từ bản chính và sổ đăng ký khai sinh”. Đã thế, khi người dân đến UBND xã xin cấp bản chính thì cán bộ xã không quan tâm giải quyết mà đùn đẩy lên Phòng tư pháp huyện và yêu cầu người dân đi mua mẫu bản chính giấy khai sinh mới giải quyết.

Bà Trần Thị Cẩm Tú – Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Ngãi đã trực tiếp gặp gỡ và trợ giúp pháp lý cho các trường hợp này, cho biết: “Cách làm của cán bộ tư pháp xã Trà Phong là trái với quy định của Nghị định 158/NĐ-CP: Khi đăng ký khai sinh, UBND xã cấp đồng thời 1 bản chính và các bản sao theo số lượng yêu cầu của người đi đăng ký!”. Cán bộ tư pháp xã Trà Phong Trương Ngọc Thanh tiếp thu và hứa sẽ giải quyết cấp bản chính giấy khai sinh cho các trường hợp này.
 
*Cải chính hộ tịch: Người được, kẻ khóc

Sự kiện 7 người dân huyện Tây Trà bị “ngâm” hồ sơ xin cải chính hộ tịch hơn 1 năm trời, dẫn đến không được dự thi tốt nghiệp THPT năm học 2010 – 2011 đã được chính Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà kiêm trưởng Phòng Tư pháp huyện Đỗ Minh Lâm báo cáo trực tiếp với UBND tỉnh tại Hội nghị tổng kết công tác hộ tịch vừa qua.

Đích thân Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Tư pháp phối hợp với ngành Giáo dục, UBND huyện tập trung phối hợp giải quyết. Sau khi chỉ đạo khoảng 2 tuần, 5 trong 7 trường hợp trên đã được chấp nhận cho cải chính hộ tịch.

    Theo hồ sơ và đơn trình bày của các trường hợp nêu trên, trong hồ sơ học bạ và hồ sơ hộ tịch có nhiều thông tin hộ tịch tư pháp không trùng khớp. Đây lại là những đối tượng thuộc diện huyện đưa đi đào tạo trình độ THPT theo hệ bổ túc văn hóa, tạo điều kiện để cán bộ chuẩn hóa bằng cấp theo quy định. Thế nhưng sau khi dùi mài học tập nhiều năm trời, đến kỳ thi THPT lại bị đình chỉ thi vì hồ sơ có sai lệnh.

Cụ thể là khai sinh và hồ sơ học bạ không trùng khớp về ngày tháng năm sinh, tên, chữ lót. Nguyên nhân của những sai sót này lại do chính cán bộ gây ra. Chẳng hạn, anh Hồ Quí Mân, tên trong giấy khai sinh là thế nhưng trong hồ sơ học bạ giáo viên lại viết thành Hồ Quý Mân. Sau hơn 1 năm viết “đơn xin sửa sai của cán bộ”, anh Mân đã được cho cải chính trở lại đúng tên của mình là Hồ Quí Mân.

Trường hợp khác là anh Hồ Duy Thịnh, sinh ngày 5/12/1964, sau nhiều năm đi học lại bị ghi trong hồ sơ học bạ là sinh ngày 15/12/1964. Báo hại anh Thịnh bị đình chỉ thi tốt nghiệp để chờ sửa! 5 cán bộ này hiện đang hoàn tất hồ sơ để chuẩn bị dự thi tốt nghiệp THPT sau 1 năm bị tạm dừng chờ cải chính hộ tịch.

 Hiện tại, còn hai trường hợp cán bộ do huyện đưa đi học bổ túc văn hóa trình độ THPT và thực tế đã học tập 3 năm rồi, nhưng không được dự thi tốt nghiệp vì hồ sơ hộ tịch không có cơ sở cải chính. Đó là anh Hồ Văn Thuận, cán bộ xã Trà Quân và Hồ Văn Xoay – Phó Chủ tịch UBND xã Trà Phong.

Trong đó giữa hồ sơ học bạ và hồ sơ hộ tịch của anh Thuận bị sai lệch năm sinh đến gần 10 năm, anh Xoay bị sai lệnh gần 2 năm. Không có cơ sở cải chính, sẽ không được thi tốt nghiệp và tất yếu là không lấy được bằng tốt nghiệp THPT. Kết cục là hai cán bộ này đang chờ nghỉ việc vì không đủ điều kiện về trình độ theo quy định đối với cán bộ cấp xã.

Ông Hồ Văn Thái – cán bộ Phòng Tư pháp huyện Tây Trà cho biết: Nguyên nhân của những sai sót này là do cán bộ tư pháp xã trước đây làm sai của dân. Thế nhưng căn cứ vào quy định thì không đủ cơ sở để cho cải chính.

Rõ ràng, cánh cửa học tập, để phục vụ công tác của hai cán bộ này đã không còn mở ra chỉ vì cái sai của cán bộ trước đó. Để sửa được cái sai này của người dân pháp luật hiện hành chưa cho phép.


THANH NHỊ
 


.