Nhớ một thời "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước"

02:05, 19/05/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của dân tộc ta, tuyến đường Trường Sơn gắn với tên tuổi của Đoàn 559. Hàng vạn thanh niên đã “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Để rồi hôm nay, những người lính đã vào sinh ra tử ngày đó luôn đau đáu về một thời hoa lửa.
 
[links()]
 
Vào tháng 9/2019, tôi có dịp gặp Thiếu tướng Võ Sở khi ông về Quảng Ngãi dự Đại hội Hội Truyền thống đường Trường Sơn tỉnh. Từng là người lính, rồi chỉ huy nơi tuyến đường Trường Sơn huyền thoại năm xưa, Thiếu tướng Võ Sở hiện là Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.
 
Thiếu tướng Võ Sở (bên phải) gặp lại đồng chí, đồng đội ở Quảng Ngãi, vào tháng 9/2019.    Ảnh: X.THIÊN
Thiếu tướng Võ Sở (bên phải) gặp lại đồng chí, đồng đội ở Quảng Ngãi, vào tháng 9/2019. Ảnh: X.THIÊN
Vị tướng năm nay đã 94 tuổi, quê ở xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ) kể, tôi vào Trường Sơn năm 1964, lúc Đoàn 559 bắt đầu chuyển từ phương thức gùi thồ sang vận chuyển bằng cơ giới và cũng là lúc cuộc chiến trên dãy Trường Sơn bước vào giai đoạn khốc liệt nhất. Từ năm 1968 - 1969, tôi cùng chiến đấu với những người lính công binh, lái xe, cao xạ ở “binh trạm lửa” 31 và 42. Tôi lần lượt đảm đương cương vị Chính ủy Sư đoàn vận tải 471 và Sư đoàn công binh 472 trong những năm 1970 - 1975. Trong đó, Sư đoàn vận tải 471 là đơn vị bảo đảm cơ động lực lượng cho Quân đoàn 1 và Quân đoàn 3 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
 
Ngày ấy, Bộ đội Trường Sơn gánh vác nhiệm vụ với tâm nguyện "tất cả vì miền Nam ruột thịt", "quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". Họ đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để làm tròn nhiệm vụ. Cùng với hy sinh, gian khổ, bộ đội thiếu thốn trăm bề, cộng với khí hậu khắc nghiệt của núi rừng Trường Sơn. Đôi lúc bộ đội phải mặc quần áo ướt hàng tuần và ăn măng le, củ chuối thay cơm, hay có khi thiếu thuốc, thiếu lương thực, sốt rét...
 
Trong 16 năm (1959 - 1975), để ngăn chặn chi viện chiến lược từ đường Trường Sơn vào miền Nam, Mỹ đã trút hơn 4 triệu tấn bom, đạn các loại xuống tuyến đường này. Cùng thời gian trên, thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, bộ đội Trường Sơn đã xây dựng một hệ thống giao thông gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang, với hơn 17 nghìn cây số đường xe cơ giới; vận chuyển hơn 1 triệu tấn vũ khí, đạn dược chi viện cho các hướng chiến trường miền Nam.
 
Để góp sức giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trên 2 vạn cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn đã hy sinh. Nhiều đồng đội của Thiếu tướng Võ Sở đã nằm lại đại ngàn Trường Sơn; trên 3 vạn người bị thương, hàng vạn người khác nhiễm chất độc da cam để lại nỗi đau đến tận hôm nay...
 
"Ở Trường Sơn, không một ngày nào im tiếng bom đạn. Từng cung đường, từng vạt rừng, bờ suối bị cày xới bởi hàng triệu tấn bom, hàng chục triệu lít chất độc hóa học. Ở đó, đất đá trộn lẫn gang thép, thấm đẫm mồ hôi và máu của những người lính Trường Sơn quả cảm", Thiếu tướng Võ Sở bùi ngùi nói. Cho đến nay, vị tướng già vẫn đau đáu nỗi niềm về nghĩa tình đồng chí, đồng đội đã từng vào sinh ra tử với ông. 
 
Năm xưa, Thiếu tướng Võ Sở đã từng tham gia, chỉ huy “phá núi, mở đường” trên dãy Trường Sơn. Từ năm 2011, khi lập Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, ông là Chủ tịch Hội, tiếp tục là người chỉ huy "mái nhà chung" của cựu cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn. Tổ chức hội là nơi để kết nối, giúp đỡ đồng chí, đồng đội những năm tháng còn lại của lực lượng bộ đội Trường Sơn huyền thoại.
 
XUÂN THIÊN
 
 
 

.