Sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về chủ nghĩa xã hội

02:01, 24/01/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt Nam là không thay đổi, nhưng tùy theo thời điểm lịch sử  mà CNXH và con đường đi lên CNXH có đặc trưng,  mục tiêu, cách nhận thức khác nhau và có những bước đi khác nhau.
[links()]
 
Bước phát triển về lý luận  
 
Trước năm 1986, Việt Nam áp dụng một cách máy móc, rập khuôn mô hình xây dựng CNXH ở Liên Xô (CNXH kiểu cũ), đó là mô hình CNXH tập trung, bao cấp chỉ phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, vì vậy đã bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm nhất định, kìm hãm sự phát triển của đất nước. Nhưng với bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất của một Đảng cách mạng vì dân tộc, vì nhân dân, Đảng ta đã dũng cảm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước tại Đại hội VI (năm 1986). Trong đó, đột phá đầu tiên là đổi mới tư duy về CNXH và con đường đi lên CNXH với phương châm “nhìn thẳng vào sự thật”, “nói đúng sự thật”, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan... Trên cơ sở đó, lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam từng bước được hình thành, hoàn thiện.
 
Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Trong ảnh: Thành phố Quảng Ngãi nhìn từ trên cao.                              Ảnh: ĐỨC TƯƠI
Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Trong ảnh: Thành phố Quảng Ngãi nhìn từ trên cao. Ảnh: ĐỨC TƯƠI
Kế thừa tư duy đổi mới của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986), trong bối cảnh hệ thống xã hội chủ nghĩa bước vào giai đoạn thoái trào, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (năm 1991) đã thể hiện bản lĩnh của một đảng cộng sản từng kinh qua nhiều thử thách và dày dạn kinh nghiệm, đại hội đã thông qua và quyết định ban hành Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Cương lĩnh năm 1991). Cương lĩnh đã làm sáng rõ hơn nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Đó là một xã hội “do nhân dân lao động làm chủ; có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các t­ư liệu sản xuất chủ yếu; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân; các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới”. 
 
Nội dung của Cương lĩnh đánh dấu bước tiến quan trọng trong nhận thức lý luận của Đảng về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta. Lần đầu tiên Đảng đã trình bày một cách có hệ thống, toàn diện những vấn đề cơ bản về CNXH và phương hướng đi lên CNXH, những định hướng có tính nguyên tắc bảo đảm cách mạng nước ta không đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa.
 
Sau 25 năm tiến hành đổi mới và 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, nước ta vẫn đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng vẫn tiềm ẩn những nhân tố bất trắc, khó lường. Thực hiện chủ trương và kế thừa, phát triển những nhận thức mới của Đảng, kết hợp với kết quả tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (năm 2011) thông qua và ban hành Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH  (bổ sung, phát triển năm 2011) gọi tắt là Cương lĩnh năm 2011.
 
Cương lĩnh năm 2011 đã bổ sung hai đặc trưng mới rất quan trọng so với Cương lĩnh năm 1991. Một là, đặc trưng phản ánh mục tiêu tổng quát của xã hội xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng “là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Hai là, đặc trưng về chính trị “có nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”. 
 
Cương lĩnh năm 2011 bổ sung, hoàn thiện một số đặc trưng được xác định trong Cương lĩnh năm 1991: Từ “do nhân dân lao động làm chủ”, mở rộng thành “do nhân dân làm chủ”; chuyển từ đặc trưng “có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu” thành “có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”; trình bày ngắn gọn đặc trưng “con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân” thành “con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”; mở rộng và bổ sung đặc trưng “các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ” thành “các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ”; trình bày ngắn gọn đặc trưng “có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới” thành “có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”.
 
Con đường đúng đắn của dân tộc  
 
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trải qua 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991 và 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung, phát triển năm 2011), đất nước ta đã đạt được những bước tiến quan trọng về lý luận và thực tiễn. Lý luận về đường lối đổi mới, về CNXH và con đường đi lên CNXH của Việt Nam ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa.
 
Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước.
 
Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử là kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên CNXH của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, Cương lĩnh của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, ngọn cờ chiến đấu, ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
 
  QUANG HUY
 
 
 

.