Xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa

01:09, 12/09/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm qua, Quảng Ngãi đã triển khai và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Chỉ thị 49) về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
[links()]
 
Tác động tích cực 
 
Mục tiêu của Chỉ thị 49 là xây dựng gia đình văn hóa trên cơ sở gìn giữ, kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu giá trị văn hóa mới được đảm bảo hài hòa; điều kiện vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện; khẳng định tầm quan trọng của gia đình trong sự phát triển của quê hương, đất nước...
 
Sở VH-TT&DL tổ chức Hội thi Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2020.
Sở VH-TT&DL tổ chức Hội thi Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2020.
Thực hiện mục tiêu trên, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã ban hành các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, gắn công tác gia đình với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Việc thực hiện Chỉ thị 49 được lồng ghép với thực hiện chính sách an sinh xã hội ở địa phương và các hoạt động hỗ trợ, nhằm cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
 
Tại huyện Nghĩa Hành, qua các phong trào thi đua: “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Xây dựng mô hình gia đình nhỏ ít con”, “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”; phong trào xây dựng “Gia đình thể thao”, “Gia đình sức khỏe”, “Gia đình hiếu học”... đã có những tác động tích cực về các mặt kinh tế - xã hội. Các tệ nạn và bạo lực gia đình đã giảm sâu; những giá trị nhân văn trong các gia đình và xã hội được gìn giữ và đề cao. Đến nay, huyện Nghĩa Hành có 23.640 hộ gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa và đã có hơn 22 nghìn gia đình được công nhận gia đình văn hóa; 72/74 thôn, tổ dân phố đạt thôn, tổ dân phố văn hóa.
 
Qua 15 năm thực thiện Chỉ thị 49, chất lượng cuộc sống gia đình, đặc biệt là gia đình ở nông thôn trong tỉnh cải thiện đáng kể. Toàn tỉnh có 89% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 95% thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa, 79/166 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 13/18 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị... Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh bình quân mỗi năm giảm hơn 1,8%; riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bình quân mỗi năm giảm 5,5%. 
 
Nhiệm vụ thường xuyên
 
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Huỳnh Thị Phương Hoa cho biết, ngành văn hóa đã tập trung tuyên truyền về đạo đức, lối sống; phòng, chống bạo lực và các tiêu chí ứng xử văn hóa trong gia đình. Sở đã phối hợp với các sở, ngành triển khai các hoạt động công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình gắn với các nội dung của Chỉ thị 49...
 
Các sở, ngành liên quan đã tích cực triển khai xây dựng, nhân rộng các mô hình, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của bình đẳng giới và hỗ trợ can thiệp, phòng, chống các vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 114/173 xã, phường, thị trấn đã triển khai mô hình Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”, câu lạc bộ, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình.
 
Để thực hiện hiệu quả công tác gia đình, thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị 49. Cần đa dạng các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của gia đình trong xã hội và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên; đồng thời tiếp tục nhân rộng các mô hình tốt, các điển hình tiên tiến về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình...
 
 
Vẫn còn những hạn chế
 
Việc thực hiện Chỉ thị 49 trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn. Đó là, công tác tuyên truyền thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” chưa thường xuyên, liên tục, còn mang tính thời điểm. Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương chưa chặt chẽ, đồng bộ. Tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, các tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp. Hơn 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4.267 vụ bạo lực gia đình. Nạn nhân bạo lực gia đình chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người già.
Bài, ảnh: TRÍ PHONG
 
 
 
 
 

.